Da khô, nứt nẻ mùa lạnh, bác sĩ bày cách xử lý

N.Dung |

Thời tiết hanh khô, độ ẩm trong không khí xuống thấp khiến da khô rát, khó chịu, các bệnh về da cũng tăng nhanh.

Những ngày gần đây, các bệnh viện da liễu ở Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám mắc các bệnh về da như: Viêm da cơ địa, vảy nến, mề đay, da khô , ngứa, chàm, da khô, nứt nẻ do lạnh...

Bác sĩ Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bệnh da chịu nhiều ảnh hưởng của không khí, thời tiết. Mùa hanh khô các bệnh lý về da sẽ gặp nhiều hơn và nặng hơn, nhất là các bệnh mạn tính về da liên quan đến tiền sử cá nhân, gia đình có cơ địa dị ứng.

Da khô, nứt nẻ mùa lạnh, bác sĩ bày cách xử lý - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc các bệnh về da có xu hướng gia tăng trong thời điểm thời tiết hanh khô. Ảnh minh họa

"Độ ẩm không khí xuống thấp kéo giảm độ ẩm của da, làm da mất nước nhiều, tăng lớp sừng, khiến nhiều người da bị ngứa ngáy, căng, khô ráp. Thực tế, nhiều người mỗi khi trời trở lạnh, hanh khô, bị bong tróc, nứt nẻ, ngứa da dữ dội, phải gãi liên tục làm cho da bị trầy xước, thậm chí chảy máu, càng gãi lại càng ngứa"- bác sĩ Phương giải thích.

Tương tự, tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, số bệnh nhân đến khám cũng tăng hơn 30%, trong đó, đối tượng bị viêm da cơ địa gặp nhiều ở người lớn và trẻ dưới 2 tuổi. Nhiều trường hợp đến khám do chăm sóc chưa đúng cách (như tự mua thuốc điều trị, tắm lá) khiến tổn thương da ngày càng trầm trọng.

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng Khoa Điều trị Nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết thời tiết mùa thu - đông sẽ làm da khô nhanh hơn, có thể bong tróc, ngứa, nứt nẻ, thậm chí chảy máu. Để phòng chống các bệnh về da trong tiết trời hanh khô hiện nay, theo chuyên gia, người dân cần uống đủ nước (từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày) để giúp cung cấp độ ẩm cho da từ bên trong.

Khi trời lạnh, độ ẩm trong không khí thấp, da trở nên khô sần, mất nước nên cần tăng cường sử dụng các loại rau củ, trái cây để bổ sung nước và cung cấp vitamin cùng các chất khoáng có lợi cho da.

Bác sĩ cũng khuyên người dân không nên tắm lâu, tắm nhiều lần trong ngày mà nên tắm trong thời gian ngắn. Không dùng nước nóng để rửa mặt. Sau khi tắm xong, cần thoa kem dưỡng ẩm ngay. Thuốc mỡ và kem có hiệu quả hơn ở những người da khô.

Với những người gặp phải tình trạng da tay bị khô, đặc biệt là hiện nay việc rửa tay và vệ sinh tay thường xuyên đã trở nên phổ biến hơn thì đeo găng tay khi thời tiết lạnh và khi rửa bát sẽ giúp da đỡ bị khô hơn.

Ngoài ra, các bác sĩ lưu ý sai lầm nhiều người thường gặp đó là khi thời tiết mát mẻ, lạnh ẩm nhiều người quên bôi kem chống nắng. Tuy nhiên, khi trời khô hanh làm da khô nhanh hơn, nếu tiếp xúc nhiều với khói bụi thì da sẽ càng dễ nứt nẻ, mọc mụn. Vì thế, mỗi khi ra ngoài cần bảo vệ và che chắn cho da cẩn thận, không quên bôi kem chống nắng.

Một sai lầm khác là người dân nấu nước lá tắm. Các loại lá như trà xanh dù kháng khuẩn nhưng khiến da khô, tạo môi trường bất lợi cho da.

"Da khô, nứt nẻ, ngứa ngáy có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như bệnh viêm da cơ địa. Do đó, nếu những cách trên đây không mang lại hiệu quả giảm tình trạng khô da, hãy đi khám bác sĩ da liễu"- bác sĩ Tâm khuyến cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại