Ðiều trị bệnh nhân SXH tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc SXH tại Hà Nội tăng nhanh với trung bình hơn 1.200 ca/tuần, tích lũy từ đầu năm thành phố ghi nhận gần 9.800 ca mắc, 12 ca tử vong, tăng hơn 3 lần năm 2021.
Về nguyên nhân Thủ đô gia tăng bệnh nhân mắc SXH, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Đây là thời điểm thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Thứ hai, đầu tháng 10 số lượng học sinh, sinh viên về Hà Nội nhập học đông, tăng đối tượng cảm nhiễm mới, chu kì của SXH là 5 năm lần. Chúng ta có dịch bệnh 2017 và 2022 lặp lại chu kì SXH. Tại một số quận huyện có ổ dịch bị phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa giải quyết dứt điểm, vì vậy số lượng bệnh nhân tăng lên. Đồng thời do người dân còn lơ là chủ quan, khi bị sốt chưa kịp thời đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán điều trị kịp thời. Bệnh nhân đến bệnh viện bị muộn dễ diễn biến bệnh nặng, dẫn đến tử vong”.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân nặng tới khám và điều trị SXH, trong đó có khoảng 10% bệnh nhân nặng nhập viện. Khoa Cấp cứu hiện có 30 giường bệnh, có tới 25 giường dành cho bệnh nhân SXH cần theo dõi tích cực.
Bệnh nhân H.M.T. (57 tuổi, Hà Nội) sốt cao, dùng thuốc hạ sốt nhiều ngày không đỡ. Sau 5 ngày điều trị tại nhà, thấy người mệt mỏi, huyết áp hạ thấp, bà được người nhà đưa vào nhập viện thì tiểu cầu đã giảm rất thấp và suy tạng.
Tương tự bệnh nhân Đ.T.L (Thái Bình) chuyển từ bệnh viện tỉnh lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tiểu cầu giảm, suy tạng, biến chứng viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, đi tiểu ra máu... Sau 3 ngày điều trị tích cực, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Bác sĩ, thạc sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, trong thời điểm xuất hiện cả cúm A, cúm B, SXH, COVID-19, người dân có biểu hiện sốt, mệt mỏi thì nên tới cơ sở y tế kiểm tra xác định xem bệnh gì để được theo dõi sát sao. “Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như: người bệnh tự nhiên bồn chồn, hoặc li bì, nôn, đau bụng hoặc tăng cảm giác đau. Người bệnh tiểu ít, xuất hiện dấu hiệu chảy máu bất kì chỗ nào như chân răng, máu cam... thì cần nhập viện ngay”, bác sĩ Bắc khuyến cáo.
Ðỉnh dịch có thể rơi vào trung tuần tháng 11
Theo Sở Y tế Hà Nội, dịch bệnh SXH trên cả nước nói chung và TP Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc đang tăng nhanh. Theo dự báo, đỉnh dịch có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch SXH được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên.
Bên cạnh đó, do người dân vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt chưa đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thường bệnh nhân đến các cơ sở y tế muộn hoặc tự điều trị tại nhà nên diễn biến bệnh bị nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, với dịch SXH giải pháp quan trọng nhất là công tác tổng vệ sinh môi trường, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch và bệnh nhân mắc SXH, để có những phương án xử lí kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng.
Các chuyên gia y tế lưu ý nguy cơ biến chứng do SXH. Do chưa có thuốc đặc trị nên điều trị SXH bằng kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lí. Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc SXH không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết.
Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều, không ăn uống được, đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì cần khẩn trương nhập viện.