Cấp cứu vì chiếc nịt bụng sau sinh
Chị Lê Thu Hà – Hoàng Mai, Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng sau lần cả nhà bồng bế vào viện vì chiếc nịt bụng.
Chị Hà sinh con thứ 2 cuối tháng 5 vừa qua, sau sinh được 3 ngày vì nóng lòng muốn giảm vòng eo hai chị đã nịt bụng lại vì muốn có vòng eo "đồng hồ cát".
Chị kể lần sinh cháu đầu chị bị xổ bụng nên luôn tự ti bụng mỡ và tự nhủ đến bé thứ 2 chị phải nịt bụng cho tiêu mỡ, bụng không chảy nữa. Vừa từ viện về nhà, chị Hà đã lấy chiếc đai nịt bụng nịt chặt vòng hai. Chị Hà muốn giảm mỡ nhanh nên nịt bụng 24/24 giờ kể cả khi đi ngủ.
Lúc nịt bụng thấy chỗ mổ ngứa chị tưởng do ăn da non trên vết mổ nên yên tâm nhưng đến hai hôm sau thì bụng chị đau co thắt từng cơn. Chị Hà không biết vì sao tưởng đau bụng do tiêu hoá và vết mổ thấy sưng đỏ và mưng mủ.
(Ảnh minh họa)
Được vài hôm, chị Hà bị đau bụng kèm theo sốt cao, bụng cứ chướng lên và đau dữ dội nhưng không biết nguyên nhân vì sao, chiếc đai nịt bụng vẫn không được tháo ra. Nửa đêm, chị sốt cao và đau bụng quá người nhà gọi xe taxi đưa vào viện. Vì bé còn nhỏ nên cả hai vợ chồng chị bế luôn cả em bé vừa sinh vào viện vì còn cho bé bú.
Vào đến viện, bác sĩ khám cho chị vừa kéo áo lên đã thấy chiếc nịt bụng thít lại. Bác sĩ cho biết chị nịt bụng quá sớm khi sản dịch chưa hết, dạ con chưa co hết. Dù bị bác sĩ mắng nhưng chị vẫn không thấy phật lòng vì bác sĩ đã nói đúng khi chị quá hấp tấp mà suýt nữa mất mạng.
Sau đó, chị phải uống kháng sinh để tiêu viêm vết mổ cũng như theo dõi cơn co dạ con cùng với sản dịch ứ đọng ở viện mất 1 ngày. Đến giờ, chị Hà vẫn không khỏi rùng mình mỗi khi nghĩ lại sai lầm của mình.
"Đẹp đâu chưa thấy đã thấy rước bệnh vào người"
Theo bác sĩ sản khoa, sau sinh, sản phụ sẽ đối mặt với sản dịch, âm đạo co giãn, tử cung to, thành bụng xồ xề… và cơ thể người mẹ phải mất một thời gian mới có thể dần hồi phục. Do đó, việc hấp tấp áp dụng các biện pháp làm đẹp sớm sau sinh như dùng đai nịt bụng, tăng cường tập các bài thể dục nặng… đẹp đâu chưa thấy đã thấy rước bệnh vào người.
Khi sinh mổ nếu dùng ngay đai nịt bụng quá sớm có thể gây cản trở tuần hoàn máu, khó thở và ảnh hưởng tới vết mổ chưa lành, gây dị ứng da vì tiếp xúc 24/24, gây ứ sản dịch và khó làm co dạ con ảnh hưởng tới sức khoẻ của sản phụ.
Sau khi phụ nữ sinh con, 6 tuần sau các cơ quan sinh dục mới trở về bình thường nên trong thời gian đó, nếu sản phụ chườm nóng, dùng nịt bụng quế sẽ làm tử cung không co lại được gây băng huyết, điều này rất nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Hợp Nhân – Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, giảm mỡ bụng bằng cách nịt bụng là sai lầm vì nó không có tác dụng giảm mỡ như những gì các bà mẹ mong đợi.
Nịt bụng chỉ mang lại cảm giác bụng nhỏ hơn, nhưng lượng mỡ trong cơ thể không tiêu đi mà chỉ có tác dụng giảm căng cho thành bụng.
Bác sĩ Nhân cho biết, không có biện pháp tiêu mỡ vật lý nào có hiệu quả ngoài tập thể dục, thay đổi chế độ ăn. Tập thể dục, yoga là cách giảm cân và mỡ bụng khá hiệu quả.
Trong y khoa, các bác sĩ thẩm mỹ có thể phẫu thuật hút mỡ, tạo hình thành bụng để cắt bỏ lớp da, mỡ thừa để lại thành bụng nhỏ hơn nhưng sẽ để lại sẹo ngang dưới rốn.
Phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn bộ chỉ nên thực hiện ở những trường hợp dư da và mỡ quá nhiều cả vùng trên và dưới rốn. Cuộc phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn bộ thường phải bóc tách toàn bộ thành bụng trên và dưới rốn, cắt bỏ một thể tích da và mỡ nhiều, máu mất nhiều hơn.
Ngược lại, kỹ thuật tạo hình thành bụng tối thiểu (mini abdominoplasty) chỉ bóc tách và cắt bỏ một phần da và mỡ vùng dưới rốn, lượng da và mỡ căt bỏ ít hơn nhưng ưu điểm là thời gian mổ không quá kéo dài, ít mất máu hơn so với phương pháp tạo hình thành bụng toàn bộ.
Bác sĩ Nhân cho biết khi mang thai và sinh nở, không chỉ da, mỡ vùng bụng giãn nở mà các cân cơ thành bụng cũng bị giãn ra. Việc can thiệp căng da bụng không chỉ đơn thuần cắt bỉ da, mỡ mà còn phải phục hồi sức săn chắc của cân cơ thành bụng. Để thực hiện các kỹ thuật y khoa này, chị em cần đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn.