Thật ra, bệnh thần kinh còn nguy hiểm hơn nữa, nhưng ít ai chú ý đến. Tuy nhiên, tất cả các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, thần kinh đều bắt nguồn từ một thực tế: ô nhiễm môi trường. Theo tôi, mối đe dọa lớn nhất và sát thủ lớn nhất ở Việt Nam là sự xuống cấp của môi trường.
Năm 2017, có một báo cáo cho biết mỗi năm Việt Nam có 94,000 người chết vì ung thư và con số này cao hơn gấp 9 lần số tử vong vì tai nạn giao thông. Nhưng cái khoa học tính đằng sau con số này làm cho nhiều người, kể cả tôi, bức tóc suy nghĩ. Trước hết là con số 94.000 ca tử vong vì ung thư, tôi tìm con số này trong y văn (Pubmed) nhưng hoàn toàn không có.
Tôi chỉ tìm được một bài viết trên trang cancercontrol.info có trích dẫn rằng cơ quan quốc tế IACR (International Agency for Research on Cancer) mỗi năm số người chết vì ung thư (died from cancer) là 94.700 người. Như vậy con số này là một ước tính từ một cơ quan quốc tế, chứ không phải do Việt Nam làm nghiên cứu.
Ấy thế mà một bài báo khác vào đầu tháng 9/2017 thì nói nguồn gốc con số 94.000 này là từ Bộ Y tế và con số 94.000 người chết vì ung thư được dùng đi dùng lại nhiều lần.
Người Việt không phải tử vong vì ung thư
Vậy thì câu hỏi quan trọng là: nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam là gì?
Tìm câu trả lời này từ các cơ quan nhà nước (như Cục Thống Kê hay Bộ Y Tế) là rất khó, có khi … không có. Nhưng may mắn thay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có cung cấp cho công chúng con số đó.
Theo số liệu thống kê 2016 của WHO thì có khoảng 549,000 người Việt tử vong. Trong số này, nguyên nhân hàng đầu là bệnh tim mạch, chiếm tỉ trọng 31% tổng số tử vong của cả nước. Các nguyên nhân khác là ung thư (19%), các bệnh không lây nhiễm (18%), bệnh lây nhiễm liên quan đến bà mẹ và trẻ em (11%), thương tật (11%), hô hấp (6%), và tiểu đường (4%).
Nhưng WHO cũng lưu ý rằng các con số trên đây có thể không chính xác, vì nguồn số liệu chưa tốt.
Số liệu chi tiết hơn của healthdata.org cho biết đột quỵ đây một bệnh thuộc nhóm thần kinh là nguyên nhân gây tử vong đứng vào hàng số 1. Sau đột quỵ là tim mạch, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, lao phổi và ngạc nhiên thay Alzheimer’s đứng hàng số 7.
Như vậy, những số liệu này cho thấy ung thư không quan trọng bằng các ‘sát thủ’ nguy hiểm khác như bệnh thần kinh và tim mạch.
Một báo cáo ở Mỹ cũng cho biết Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó với các bệnh thần kinh trong tương lai. Tuy nhiên, ít ai chú ý đến hai nhóm bệnh này.
Tất cả các bệnh như thần kinh, tim mạch, hô hấp và ung thư đều có một nguồn: môi trường. Hai chữ ‘môi trường’ ở đây bao gồm môi sinh, phẩm chất không khí, lối sống và dinh dưỡng. WHO đã ước tính rằng chỉ riêng năm 2016, hơn 60.000 người Việt ở Việt Nam chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
WHO còn ước tính rằng chỉ năm 2004, số người chết vì thiếu vệ sinh và nước dơ bẩn lên đến gần 6.000 người. Đó là chưa kể đến ô nhiễm sông ngòi, và tôi nghĩ vì đa số người mình sống gần sông ngòi dưới quê, nên con số chết vì ô nhiễm nước có thể cao gấp 5 lần số chết vì ô nhiễm không khí.
Nói như vậy để thấy rằng sự xuống cấp và môi trường chứ không phải chỉ riêng ô nhiễm không khí mới là ‘sát thủ’ lớn nhất và đáng sợ, vì sát thủ này thầm lặng.
Cần những nghiên cứu quy mô lớn
Tôi nghĩ qua câu chuyện mấy con số về bệnh tật trên, vấn đề lớn nhất của y học Việt Nam là thiếu nghiên cứu khoa học. Thiếu những nghiên cứu ở những quần thể lớn để cung cấp những số liệu đáng tin cậy.
Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, người ta đã làm những nghiên cứu theo kiểu NHANES với hàng vạn người để có những dữ liệu làm nền tảng cho việc hoạch định chính sách và phát triển khoa học.
Ở Việt Nam có những dự án "cấp quốc gia", nhưng hình như chưa có công trình nào cỡ như NHANES. Ở các lĩnh vực khác thì tôi không rõ, nhưng trong lĩnh vực xương có một vài dự án nghiên cứu cấp quốc gia mà kết quả và quy mô thì chỉ có thể mô tả bằng hai chữ 'thất vọng'.
Việt Nam cần những "kiến trúc sư" nghiên cứu y học có ý tưởng lớn (suy nghĩ ngoài cái hộp) để thực hiện những nghiên cứu lớn. Những nghiên cứu không phải chỉ tập trung vào một mà nhiều bệnh lý khác nhau, không phải chỉ một thời điểm mà phải theo dõi hàng chục năm (như Framingham).
Đó là loại nghiên cứu hàng trăm ngàn người, lấy mẫu máu và nước tiểu và DNA đầy đủ, lưu trữ lâu dài để có thể sử dụng cho vài mươi năm sau. Không có những nghiên cứu như thế thì tất cả những con số về quy mô bệnh tật chỉ mang tính PR là chính chứ chẳng có gì để gọi là khoa học cả.