Hình ảnh máy sục ozone
Ozone chỉ như thuốc tím
Theo GS Dũng, ozone có tác dụng ôxy hóa chẳng khác gì tác dụng của thuốc tím. Còn thuốc trừ sâu khi đã lọt vào lá rau sẽ chuyển hóa ngay thành các sản phẩm của tế bào, làm sao dễ dàng rút ra ngoài được?
So với máy ozone, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, thuốc tím còn rẻ hơn rất nhiều mà tối thiểu đã được nghiên cứu dùng để diệt được một số vi khuẩn, nhưng không có tác dụng đối với trứng giun, chưa kể các hóa chất trừ sâu.
Khômg chỉ thế, một năm người Việt chúng ta nhập tới hơn 100 nghìn tấn của 4.100 thương hiệu trừ sâu từ Trung Quốc, trong đó có 1.600 hoá chất khác nhau, nên không thể biết đó là chất gì.
Vì thế nếu chúng ta sử dụng ozone sẽ không có tác dụng nào cả.
GS Dũng cho biết gia đình ông không sử dụng máy ozone từ ngày xưa.
Mặc dù vấn nạn an toàn thực phẩm ở Việt Nam ngày càng báo động nhưng không phải vì thế mà cứ ỉ lại vào các sản phẩm được quảng cáo diệt khuẩn, tẩy hoá chất. Mỗi sản phẩm chỉ có 1 tác dụng chứ không thể chung được cho tất cả.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng nhà ông không bao giờ sử dụng các loại máy làm sạch thực phẩm mà sử dụng rau sạch có nguồn gốc.
Cụ thể, gia đình ông có một người cháu trồng rau sạch và thường xuyên cho để sử dụng. Còn thịt lợn, GS Dũng mua thịt lợn sạch ở trang trại mà ông từng giúp đỡ ở trên Ba Vì.
Ngoài ra, theo GS Dũng, nên sử dụng thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, thành phần trong đó.
Đồng thời, mọi người nên ăn các loại rau không có sâu như giá đỗ hay rau mầm... mùa nào ăn quả đó thay vì tốn tiền mua máy sục ozone mà không biết tác dụng thực hư của nó như nào.
Chỉ là khâu tâm lý
PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hoá học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội cũng cho biết máy ozone dùng trong hộ gia đình không thể tẩy rửa được hoá chất mà chỉ giải quyết khâu tâm lý cho người dân.
Trước cơn bão thực phẩm bẩn, người dân mất niềm tin vào tất cả thì máy ozone cho họ điều đó, người ta không biết nó có làm sạch được không nhưng rõ ràng về tâm lý họ yên tâm hơn.
PGS Côn cho biết ozone nếu sục trong môi trường nước có chứa hoá chất, nhờ khả năng ôxy hoá mạnh của ozone mà nó có thể đánh bật được một số hoá chất, diệt vi khuẩn.
Tuy nhiên trên thí nghiệm hay quảng cáo người ta dùng khác với hộ gia đình.
Ở hộ gia đình, mọi người sục ozone vào nước bình thường, cho rau, thịt, hoa quả vào thì nó không thể diệt được vi trùng hay hoá chất bám trên bề mặt của những loại thực phẩm đó. Do vậy, lúc này máy ozone trở nên vô dụng.
Trên thực tế, chất độc và vi khuẩn ở rau, thịt khi sục ít hơn chất hữu cơ thôi ra từ thịt, rau, hoa quả.
Trong trường hợp đó, oxy hoá của ozone gặp chất hữu cơ sẽ oxy hoá mạnh hơn thay vì đi vào diệt vi khuẩn, hoá chất như mục đích ban đầu của nó.
Ozone là khí không màu. Ở nồng độ thấp, ozone không có mùi nhưng ở nồng độ cao có mùi hôi hơi tanh.
Do kết hợp hóa học có đến ba nguyên tử oxy nên ozone là loại khí gây phản ứng oxit-hóa rất mạnh, có khả năng tiêu hủy hầu hết những chất hữu cơ, kể cả cao su, nhựa và sợi thủy tinh.
Ngoại trừ vàng và platinum, các kim loại khác như đồng và crôm là hai chất xúc tác rất thích hợp để ozone phát nổ nếu ở nhiệt độ cao.
Vì có phản ứng oxit-hóa mạnh nên ozone cũng có khả năng như một chất khử trùng và có tác dụng mạnh nhất. Song hầu hết người ta sử dụng ozone vào các nhà máy công nghiệp hơn là trong các hộ gia đình.