Ngồi bắt chéo chân. Một số tư thế ngồi được xem là thể hiện sự thanh lịch, tự tin lại không tốt cho sức khỏe, chẳng hạn ngồi theo kiểu bắt chéo chân. Việc ngồi bắt chéo khiến máu ở chân đình trệ, làm mắt cá chân và chân bị phù nề cũng như làm dây thần kinh tọa căng ra, gây tê chân. Ngoài ra, tư thế ngồi này còn dễ gây ra hiện tượng chuột rút ở chân khi ngồi quá lâu. Tư thế ngồi tốt nhất là đặt 2 chân lên sàn nhà để cân bằng trọng lượng cơ thể. Khi muốn thay đổi tư thế, thay vì bắt chéo chân, chỉ cần dịch cả hai chân sang một bên hoặc nhẹ nhàng bắt chéo chân ở mắt cá.
Lười thay bàn chải. Nhiều người có thói quen chỉ thay bàn chải đánh răng khi chúng đã cùn hoặc lông bàn chải bắt đầu tưa ra. Chính những sợi lông đã hỏng đó là tác nhân gây hại cho men răng và làm tổn thương đến nướu răng. Hãy sử dụng các loại bàn chải mềm và thay mới đều đặn để hạn chế các vấn đề về răng miệng.
Đọc sách báo trên xe. Không ít người có sở thích đọc sách báo trên xe hay tàu lửa. Hệ lụy của sở thích này sẽ khiến thị lực giảm đi rất nhiều. Nguyên do, khi xe di chuyển sẽ lắc lư bên này bên kia khiến khoảng cách giữa mắt và chữ không ngừng thay đổi, hơn nữa ánh sáng trên xe thường không đủ, nếu đọc sách quá lâu, chắc chắn mắt sẽ chịu áp lực rất lớn, từ đó gây tổn hại tới sức khỏe của mắt.
Ngoáy tai. Màng nhĩ là ranh giới ngăn cách tai ngoài và tai giữa. Tai ngoài là nơi đón nhận bụi bặm và chất thải hằng ngày. Khi có cảm giác ngứa, chúng ta thường tìm cách thỏa mãn bằng việc ngoáy, móc. Hành động này vô tình đẩy các chất bẩn vào tai sâu hơn, thậm chí có khi còn làm thủng màng nhĩ. Theo cấu trúc tự nhiên, tai có lớp lông bảo vệ, tự cuốn bụi bặm và chất thải rồi đưa ra ngoài. Khi ngoáy tai, lớp lông bảo vệ bị rụng làm mất khả năng tống bụi ra ngoài cũng như tạo cơ hội cho vi trùng phát triển.
Kê gối cao. Ngủ với một cái gối dày và cao sẽ gây trở ngại cho quá trình hô hấp, dễ dẫn đến ngáy to. Hơn nữa khi kê gối quá cao sẽ giống như tình trạng cúi đầu liên tục, khiến cơ xương cổ không được nghỉ ngơi, kết quả là gây ra bệnh xương cổ hay đau xương cổ. Nếu nhận thấy cái gối mấp mô do bông vải lâu ngày dồn cục thì cũng đã đến lúc nên thay gối mới.
Ngoáy mũi. Một số người có thói quen dùng đầu ngón tay để lấy gỉ mũi. Hành động này vô tình làm tổn thương đến niêm mạc mũi bởi vì các mạch máu trong niêm mạc mũi rất nhiều, khi ngoáy mạnh rất dễ khiến niêm mạc bị tổn thương, làm vỡ các mạch máu và gây chảy máu mũi. Thêm vào đó, vi trùng theo ngón tay vào mũi có thể gây nhiễm trùng. Hơn nữa, lông mũi có tác dụng như rào cản không cho bụi và vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp. Việc ngoáy mũi quá nhiều sẽ khiến lông mũi rụng, khi mất đi hàng rào bảo vệ đó, mũi có thể dễ dàng bị lũ vi khuẩn và bụi bẩn tấn công.