Nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc, nhưng lại có những giọt nước mắt lặn sâu chôn chặt trong lòng vì đớn đau, thất vọng… đó là những cảm xúc mà chúng tôi bắt gặp ở những cặp vợ chồng hiếm muộn đi tìm kiếm một mụn con tại Trung tâm Đào tạo nghiên cứu công nghệ phôi, Học viện Quân y. Ở bên ngoài kia, cuộc sống rộn rã bao nhiêu thì ở một góc của Trung tâm này những cặp vợ chồng được chẩn đoán vô sinh đang đau đáu với thuốc men, dây truyền trong “cuộc chiến” đi tìm một mụn con.
Chưa một giây phút nào nguôi cháy bỏng mong ước có con
Dẫn chúng tôi vào căn phòng vô trùng, PGS.TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiên cứu công nghệ phôi (gọi tắt là Trung tâm Công nghệ phôi) cất giọng đầy cảm thông: “Đây là phòng dành cho các chị em trước và sau khi cấy phôi. Ở đây có rất nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh, có chị đã ngoài 40, chạy chữa nhiều năm mà vẫn chưa có một mụn con”.
Nhìn gương mặt căng thẳng, hồi hộp và đầy lo âu của họ, một xúc cảm khó tả chạy trong chúng tôi bởi thấy mình và những người phụ nữ sinh con dễ dàng quả là may mắn. Còn với họ, là sự đau đớn, hy vọng đằng đẵng trong nhiều năm mà vẫn chưa tìm kiếm cho mình được một đứa con. Trong phòng có chừng 30 chị em, một nửa đang chờ vào cấy phôi, còn một nửa được chuyển phôi vào tử cung phải nằm bất động.
Trên chiếc giường ở cuối phòng, chị Phạm Thị Nhàn, trú tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai cứ để cho nước mắt trào ra hai bên khóe mi. Đây là lần thứ 4 chị làm thụ tinh trong ống nghiệm nên không khỏi lo âu bởi cả 3 lần trước chị đều thất bại.
Chị khóc bởi lo lắng, bởi hồi hộp chờ đón niềm hy vọng đang mang trong mình, khóc cũng bởi chặng đường 20 năm đi tìm một mụn con quá gian nan của mình. Một nửa đời người sống trong chờ mong mòn mỏi, sự héo hắt thể hiện rõ trên nét mặt của người đàn bà đã bước sang tuổi 41, nước da đen sạm do quanh năm bám mặt ngoài nương rẫy.
Theo lời chị Nhàn kể thì 20 năm qua, do nguyên nhân của cả hai vợ chồng nên họ đã chạy chữa khắp nơi, từ Đông – Tây y kết hợp đến cả tâm linh nhưng vẫn chưa có một mụn con. Năm 2008, vợ chồng chị vào Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Lần này chị được đặt 3 phôi vào tử cung nhưng đã thất bại.
Xem trên tivi vợ chồng chị biết đến Trung tâm Công nghệ phôi, dù xa xôi nhưng họ cũng quyết định bán đi mấy công rẫy, vét hết tiền bạc trong nhà ra Hà Nội để bắt đầu một hành trình kiếm con.
Đến nay đã 3 năm đeo đuổi mà vẫn chưa thành công, nhưng còn nước còn tát, họ vẫn hy vọng ông trời thương, thế nào cũng cho họ một mụn con. Tiền thuê trọ, tiền ăn ngày một đắt, anh Công (chồng chị Nhàn) làm tất cả mọi việc để có tiền chuẩn bị cho mỗi đợt thụ tinh trong ống nghiệm.
“Lần đầu tiên hết 70 triệu, các lần tiếp theo thì 40 triệu. Tiền ăn, ở của 2 vợ chồng ngoài này lên đến 200 nghìn một ngày em ạ. Rẫy bán gần hết, vay mượn lên tới gần 200 triệu rồi. Làm cái này tốn kém lắm, không có tiền thì đành chịu thôi”- chị Nhàn ứa nước mắt kể.
Chị nhớ mãi lần thụ tinh trước. Vì không có tiền nên một mình chị bắt ôtô ra đây, còn chồng thì ở nhà. Bao nhiêu là cái khổ khi có một mình, may mà bác sĩ và người nhà bệnh nhân đã giúp chị không thì chị chẳng biết xoay xở ra sao. Niềm khát khao hạnh phúc làm mẹ khiến người phụ nữ này quên hết mọi đau đớn, mệt mỏi. Uống nhiều thuốc khiến chị ngày một mập ra, còn anh chồng thì hốc hác, già sọm do phải chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền.
Có lẽ, chị Nhàn cũng là người phụ nữ kỷ lục khi lần tiêm thuốc kích thích trứng đầu tiên, bác sĩ đã chọc được 18 noãn và lưu được 13 phôi đông lạnh. Để thụ tinh lần thứ 4 này, từ Tết đến giờ, vợ chồng chị từ quê ra đây 3 lần. “Lần này đặt 3 phôi, chúng tôi cũng hy vọng lắm, nếu vợ tôi có thai thì tôi sẽ để cô ấy ở hẳn đây theo dõi, chỉ mình tôi về làm rẫy, gửi tiền ra đây” - anh Công cho biết.
Nỗi niềm hiếm muộn
Ở phòng khám, chúng tôi gặp chị Hoàng Thanh Thủy, quê ở Thái Bình. Câu chuyện của chị đã làm chúng tôi giật mình. Năm 22 tuổi chị lấy chồng, đến nay đã tròn 13 năm mà vẫn chưa có con. Chồng chị là con trưởng nên áp lực phải có con luôn đè nặng. Nhưng số phận quá trớ trêu khi bao nhiêu lần cố gắng mà chị không được làm mẹ. Mười lần mang thai, nhưng ngần ấy lần chị bị sảy thai. Dù đã treo chân trong bệnh viện nhưng chị cũng không giữ được con.
13 năm đằng đẵng trôi đi trong nỗi đau đớn muộn phiền, trong sự lạnh nhạt của gia đình chồng, dù rất yêu chồng nhưng cuối cùng chị cũng đành chấp nhận ly hôn để anh ấy đi lấy người khác. “Anh ấy giờ đã có con được hơn 1 tuổi. Tôi cũng bớt day dứt hơn” – chị Thủy chua xót. Nhưng khát vọng có được mụn con không khi nào ngừng chảy. Lần này chị đi khám xem mình còn có thể làm mẹ được hay không thì sẽ đăng ký xin tinh trùng.
Theo PGS.TS Quản Hoàng Lâm thì chị Thủy rơi vào nhóm vô sinh thứ ba là liên tục mang thai nhưng không sinh được. Dạng vô sinh này đang có xu hướng tăng lên và là dạng khó điều trị nhất hiện nay. Trường hợp này phải xem xét lỗi ở trứng hay nhiễm sắc thể, hay do máu để tìm cách khắc phục, tuy nhiên việc có con là rất khó khăn. Tình trạng phụ nữ đã nhiều tuổi đi tìm phương pháp hỗ trợ sinh sản cũng đang tăng cao.
Ở phòng đợi cấy phôi, chúng tôi gặp nhiều chị em ở vào lứa tuổi xấp xỉ 50 nhưng vẫn khát khao được làm mẹ. Vẫn biết, càng nhiều tuổi tỷ lệ thành công càng thấp, nhưng bản năng làm mẹ, thiên chức của người phụ nữ đã khiến họ không ngừng cháy bỏng khát vọng chữa chạy để có một mụn con. Cái mong ước giản đơn với nhiều người thì lại là điều khó khăn vô chừng với họ.
Năm nay đã 46 tuổi, nhưng chị Nguyễn Thị Hiền, quê ở Hải Dương vẫn chưa có mụn con nào. Chị vào Trung tâm này từ đầu năm 2012 để khám và chữa trị. Sau 3 tháng tiêm kích trứng, chị đã lấy được 3 noãn. Ròng rã hơn 1 năm, đến nay chị mới được đặt phôi. Kể về những lần chọc trứng, chị Hiền vẫn không khỏi rùng mình. Bởi đau đớn đó chỉ những người như chị mới có thể cảm nhận và thấm thía.
Trong 3 loại vô sinh thì chị Hiền được xếp vào nhóm thứ nhất, nghĩa là chưa mang thai bao giờ (vô sinh tiên phát). Nhiều người cứ khuyên chị xin con nuôi, nhưng niềm khao khát được làm mẹ, được mang trong mình đứa con thân yêu khiến chị không từ bỏ ước nguyện.
Theo PGS.TS Quản Hoàng Lâm thì đa phần những phụ nữ trên 40 tuổi đi làm thụ tinh trong ống nghiệm là do họ bị vô sinh thứ phát, trường hợp như chị Hiền có nhưng không nhiều. Có chị, con lớn năm nay 14 tuổi nhưng bị vô sinh thứ phát phải đi làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng đến lần thứ 3 mới thành công. Có người đeo đẳng tới lần thứ 5, thứ 6. Nhưng đó còn là may mắn vì dù chặng đường có gian nan, đau đớn và mệt mỏi, nhưng cuối cùng họ vẫn có được niềm hạnh phúc là được làm mẹ.