Giãy dụa trong "thòng lọng" của Mỹ, TQ sẽ tăng số lượng vũ khí hạt nhân lên 1.000 đơn vị?

Hoài Giang |

Mới đây, tờ Thời báo Hoàn cầu kêu gọi Trung Quốc tăng gấp bốn lần kho vũ khí hạt nhân (tức là từ 260 lên đến 1.000 đơn vị) để đối phó với sức ép của Mỹ.

Ngày 8/5, tờ Sputnik đăng tải bài viết nhan đề "Beijing Media Calls for Quadrupling China’s Nuclear Weapons as US Continues Encirclement" (tạm dịch: Trước cuộc bao vây của Mỹ, truyền thông Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh tăng gấp 4 lần số lượng vũ khí hạt nhân).

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, trong bối cảnh Bắc Kinh đang không ngừng "giãy dụa" trước các hoạt động gây sức ép cả về kinh tế lẫn quân sự của Washington, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Báo Trung Quốc: "Không thể chung sống với Mỹ"?

Trong bài viết được đăng tải hôm 8/5 trên Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), tờ báo khét tiếng với các phát ngôn "sặc mùi thuốc súng" của Trung Quốc, biên tập viên Hu Xijin kêu gọi:

"Trung Quốc cần mở rộng kho vũ khí hạt nhân lên 1.000 đơn vị trong thời gian ngắn. Chúng ta cũng cần trang bị ít nhất 100 tên lửa chiến lược Dongfeng-41 (DF-41).

Tuy là một quốc gia ưa chuộng hòa bình và vẫn tiếp tục cam kết không phải bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân,chúng ta vẫn cần một kho vũ khí lớn hơn để kiềm chế tham vọng chiến lược của Washington và nguy cơ xung đột".

Năm 2015, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) sở hữu tới 260 đơn vị vũ khí hạt nhân.

Giãy dụa trong thòng lọng của Mỹ, TQ sẽ tăng số lượng vũ khí hạt nhân lên 1.000 đơn vị? - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41.

Phần còn lại của bài viết, nhà báo Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đừng thờ ơ với giá trị chiến lược của việc sở hữu bom hạt nhân với vai trò răn đe.

"Không được ngây thơ. Đừng cho rằng đầu đạn hạt nhân là vô dụng. Thực tế là mỗi ngày chúng vẫn là công cụ răn đe và định hình thái độ của "giới tinh hoa" Mỹ với Trung Quốc.

Một số chuyên gia Trung Quốc nói rằng chúng ta không thêm vũ khí hạt nhân, tôi nghĩ đó là quan điểm khá ngây thơ. Việc chung sống hòa bình giữa hai nước không phải là một điều có thể "cầu xin" và được định hình bởi các công cụ chiến lược.

Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta đang đối mặt với một nước Mỹ ngày càng phi lý và chỉ tin vào sức mạnh. Chúng ta không có nhiều thời gian để tranh luận về sự cần thiết của các đầu đạn hạt nhân gia tăng, chúng tôi chỉ cần đẩy nhanh các bước làm cho nó xảy ra", ông Hu kết luận.

Các loại tên lửa DF-17, DF-100 và DF-41 xuất hiện trong lễ duyệt binh của Trung Quốc hôm 1/10

Giãy dụa "trước mũi súng" của Mỹ?

Kết luận của biên tập viên Hu, căn cứ vào việc Mỹ chuyển tên lửa và máy bay ném bom tới các căn cứ ở Tây Thái Bình Dương, khu vực mà Bắc Kinh gọi là "Chuỗi đảo đầu tiên".

Các căn cứ này không chỉ bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, quần đảo Đài Loan mà còn là Quần đảo Borneo, Quần đảo Philipines và Quần đảo Kuril.

Vào tháng 3/2020, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (TQLC) đã lên kế hoạch đưa các hệ thống tên lửa tầm xa vào trang bị của các đơn vị viễn chinh, lực lượng sẽ được triển khai nhanh chóng nếu xung đột với Trung Quốc diễn ra.

Trong bức thư gửi Ủy ban Vũ trang thuộc Thượng nghị viện Hoa Kỳ, TQLC nhấn mạnh: "Các hệ thống tên lửa trên đất liền sẽ cung cấp hỏa lực chống hạm và là một phần tất yếu của chiến thuật chống tàu mặt nước đối phương.

Năng lực "chết người" này có thể được triển khai ở các vị trí trên tiền tuyến, ngăn chặn đối phương tiếp cận các tuyến đường hàng hải quan trọng".

Các hệ thống tên lửa chống hạm tầm trung của TQLC được cho là biến thể của tên lửa hành trình Tomahawk kết hợp với radar của hệ thống Aegis Ashore có tầm bắn khoảng 1.000 dặm (1.600 km) và dự kiến sẽ đưa vào trang bị vào năm 2023.

Mỹ thử nghiệm tên lửa tầm trung phát triển từ tên lửa hành trình Tomahawk vào tháng 8/2019.

Cuộc "chạy đua" trước khi các thỏa thuận ràng buộc hạt nhân mới được ký kết?

Việc Thủy quân lục chiến Mỹ lên kế hoạch trang bị các tên lửa chống hạm tầm trung nói trên được cho là hành động ngay sau khi nước này thoát khỏi ràng buộc của Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Washington đã rút khỏi INF vào năm 2019 do đánh giá về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự trở lại của Nga trong vai trò các cường quốc quân sự mới, và có khả năng thách thức quyền bá chủ của Mỹ.

Trong một bài báo khác của Thời báo Hoàn cầu, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã lưu ý rằng chính sách của Washington đối với vũ khí hạt nhân khác rất nhiều so với Bắc Kinh.

Mỹ có hơn 5.000 đơn vị vũ khí hạt nhân và là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh. Dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump, Mỹ đã phát triển một loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có tên Đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2.

Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, các loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ nói trên có thể sử dụng trong các hoạt động quân sự cấp chiến thuật nếu việc sử dụng các lực lượng với vũ khí thông thường thất bại.

Tuy nhiên sự nguy hiểm của việc sử dụng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật này là nó hoàn toàn có thể kích hoạt chiến tranh hạt nhân với sự tham gia của vũ khí hạt nhân chiến lược.

Giãy dụa trong thòng lọng của Mỹ, TQ sẽ tăng số lượng vũ khí hạt nhân lên 1.000 đơn vị? - Ảnh 5.

Đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2.

Mặt khác, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang theo đuổi việc xây dựng "bộ ba hạt nhân", các nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân của các cường quốc.

Theo Sputnik, việc PLA sửa đổi tên lửa đạn đạo DF-15 thành biến thể phóng từ máy bay ném bom Xi'an H-6N hoặc máy bay ném bom tàng hình thế hệ 5 H-20 trong tương lai để trở thành nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân từ trên không.

Năng lực này sẽ mang lại cho Bắc Kinh nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân thứ ba bên cạnh tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, tên lửa đạn đạo liên lục địa từ đất liền.

Chuyên gia Song Zhongping bình luận: "Khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân từ cả mặt đất, trên không và trên biển hiện chỉ được nắm giữ bởi một số ít quốc gia là Mỹ, Nga và Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang đi đầu trong lĩnh vực này, và hứa hẹn sẽ trở thành một phương án răn đe hiệu quả".

Như vậy, cho tới trước khi Mỹ-Nga-Trung Quốc cảm thấy "quá mệt mỏi" trong cuộc chạy đua bổ sung năng lực răn đe hạt nhân và một hiệp ước tương tự INF được ký kết, các cường quốc nói trên vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi một cuộc "Chiến tranh Lạnh" kiểu mới.

Máy bay H-6K mang tên lửa hành trình chống hạm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại