Nhiều ca suýt chết vì uốn ván
TS.BS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chia sẻ khoa vẫn thường xuyên tiếp nhận các ca người bệnh bị uốn ván phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Cách đây 7 ngày, ông Đinh Văn H (sinh 1963, tại Ngòi Hoa- Tân Lạc - Hòa Bình) không may giẫm phải một vật sắc nhọn. Ông H chủ quan và chẳng biết gì tới bệnh uốn ván. Sau 5 ngày, ông H xuất hiện sốt, sưng nề, mưng mủ vùng vết thương, cứng hàm tăng dần.
Ngay sau đó, gia đình đưa ông H vào bệnh viện cấp cứu. TS Hoàng Công Tình chia sẻ, bệnh nhân nhập khoa trong tình trạng suy hô hấp, tím tái toàn thân, hai hàm răng cắn chặt, toàn thân gồng cứng và co giật liên tục.
Vết thương nhỏ xíu của ông H. khiến ống suýt chết.
Do hai hàm răng cắn chặt nên bệnh nhân không thể thở được, không ho khạc được làm cho nước bọt, dịch hầu họng ứ đọng ở khoang miệng dẫn đến nguy cơ trào ngược vào phổi. Ngoài ra, do bệnh nhân gồng cứng (đặc biệt là cơ bụng), co giật liên tục nên dịch và thức ăn ở dạ dày rất dễ trào ngược vào phổi làm cho tình trạng suy hô hấp càng nặng nề hơn.
Trường hợp này nếu không mở khí quản nhanh để tạo đường thở qua cổ thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong do suy hô hấp hoặc do sặc. Các bác sĩ đã tiến hành mở nội khí quản cho bệnh nhân. Sau 5 phút, bệnh nhân đã có đường thở mới qua cổ, tình trạng hô hấp của bệnh nhân được đảm bảo.
Bác sĩ Tình cho biết, cách đây 10 ngày, khoa cũng tiếp nhận một bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy hô hấp, cứng hàm do uốn ván. Bệnh nhân chỉ có một mụn nhỏ ở cánh mũi và chủ quan dẫn tới bị nhiễm vi khuẩn uốn ván.
Trường hợp của ông T.V.N (55 tuổi, trú tại Nam Định) được gia đình đưa lên Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cấp cứu do uốn ván. Trước đó, ông N mổ cá để nấu ăn vô tình bị dao cứa vào tay gây chảy máu. Coi thường vết thương nhỏ xíu ở đầu ngón tay nên ông N thấy cầm máu là thôi không tiêm phòng uốn ván.
Các bác sĩ mở khí quản cho ông H.
Tuy nhiên, hơn một tuần sau, ông N cảm thấy cứng hàm, nhai nuốt khó và khó thở. Ông đến khám và điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng không đỡ và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau hơn 2 tuần nằm viện, bệnh nhân bị hoại tử ngón tay và điều trị tích cực mới giữ được mạng sống.
Trường hợp bà Đỗ Thị M (51 tuổi, Phú Thọ) bà bị vết bỏng bô nhỏ ở chân. Qua một tuần, vết phỏng càng lan rộng, mưng mủ, sưng tấy. Bà M tiếp tục mua kháng sinh về uống. Sau đó, bà M bắt đầu sốt cao, cứng cơ hàm, khó thở nên đã đến bệnh viện khám và không ngờ bị uốn ván.
Đừng chủ quan với uốn ván
Theo TS Hoàng Công Tình bệnh uốn ván là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Nha bào vi khuẩn xâm nhập vào vết thương trong điều kiện kị khí (không có oxy), nha bào này sẽ trở thành thể hoạt động vừa sinh sản, vừa sinh ra độc tố.
Độc tố của nó sẽ tác động vào hệ thần kinh cơ gây các biểu hiện: cứng hàm, co cứng cơ liên tục (cơ mặt, cơ gáy, cơ cổ, cơ lưng, cơ bụng, và tứ chi), co giật toàn thân
Bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu co cứng các cơ tăng dần, thường là cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương. Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như sau: cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên hay gập người ra phía trước.
Trong giai đoạn toàn phát, bệnh nhân xuất hiện các cơn co giật toàn thân khi bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…
Điều trị uốn ván, chủ yếu: đảm bảo đường thở, chống bội nhiễm, điều trị triệu chứng và đảm bảo dinh dưỡng.
Với bệnh nhân bị uốn ván, phải mở đường thở cho thì vô cùng khó vì phải mở cấp cứu và mở trong tình trạng bệnh nhân không có ống nội khí quản.
TS Tình cho biết, có thể phòng uốn ván bằng cách tiêm vaccin phòng uốn ván: 3 mũi tiêm, mỗi mũi cách nhau 1 tháng, sau 10 năm tiêm nhắc lại 1 mũi.
Khi có vết thương trên cơ thể, cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương (không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương); Nếu vết thương nghiêm trọng hoặc vết thương bẩn, cần nhập viện để xử trí vết thương và sử dụng huyết thanh kháng độc tố uốn ván.