BS Đoàn Anh Đào: Thích ăn ngon, ngọt vị, người Việt dễ hỏng gan do dùng đường sai cách

Ngọc Minh |

Đường là một trong những gia vị dùng khá phổ biến trong các món ăn. Việc sử dụng đường không đúng cách trong nấu ăn có thể gây ra gánh nặng bệnh tật cho con người.

LTS: Trong hầu hết các món ăn của người Việt không thể thiếu các thức gia vị. Cũng vì lẽ đó mà những loại gia vị như: hạt nêm, bột ngọt, nước mắn, dấm, tỏi, ớt, tiêu… là thứ không thể tách rời với các bà nội trợ, luôn sẵn trong các căn bếp.

Nhưng có một nghịch lý là: dù vô cùng thân thuộc, thường dùng, nhưng rất ít các bà nội trợ, người tiêu dùng có kiến thức về cách dùng gia vị sao cho khoa học, tốt với sức khỏe; thay vào đó lại đang vô tình gây hại sức khỏe của bản thân và người trong gia đình.

Đứng trước mối nguy từ việc gia vị không đúng cách, chúng tôi xin gửi tới độc giả tuyến bài cảnh báo từ rất nhiều chuyên gia, bác sĩ: "Kiểu dùng gia vị ăn mòn sức khoẻ".

Bài 1: BS Trương Nhật Khuê Tường: Người Việt tự hại sức khỏe thế nào khi dùng bột nêm sai cách?

Bài 2: TS Trương Hồng Sơn: Thích cảm giác ăn ngon miệng, người Việt "phá nát" dạ dày vì dùng giấm sai cách

Bài 3: TS. Từ Ngữ: Quá nuông chiều vị giác, người Việt đang tự hại cả gia đình vì dùng mì chính sai

Bài 4: TS.Trương Hồng Sơn: Mê mẩn vị cay cay, người Việt phá hỏng cơ quan tiêu hóa vì dùng ớt sai

Rất nhiều món ăn cần tới đường

Gia vị là thứ rất cần thiết cho các bữa ăn giúp cho món ăn ngon hấp dẫn. Đường là một thứ gia vị cũng khá phổ biến trong mỗi căn bếp của người Việt. Tuy nhiên, việc nêm đường trong các món ăn nếu quá lạm dụng lại gây ra vô số tác hại tới sức khoẻ.

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, việc nêm gia vị vào món ăn ngoài ngon miệng thì cần phải đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. Là một người phụ nữ, cũng thường xuyên phải vào bếp nấu ăn, bác sĩ Đào vẫn sử dụng đường tuy nhiên rất hạn chế.

"Nhà tôi cả năm không dùng tới đường trong nấu ăn. Chỉ một số món cần thiết lắm tôi mới cân nhắc có dùng đường. Bởi vì, đường có trong rất nhiều thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Nếu nêm thêm đường vào món ăn có thể gây ra thừa đường", bác sĩ Anh Đào nói.

Hiện nay, mọi người vẫn có suy nghĩ đường là gia vị tạo ngọt giúp ngon miệng và vô hại cho nên ăn nhiều cũng không sao. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo đường khi nêm gia vị vào món ăn không chỉ phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống mà cần phải lưu bệnh lý mình đang mắc.

BS Đoàn Anh Đào: Thích ăn ngon, ngọt vị, người Việt dễ hỏng gan do dùng đường sai cách - Ảnh 2.

Đường được dùng tạo màu cho món ăn, ảnh minh hoạ.

Đối với đường khi dùng trong nấu ăn cũng cần phải lưu ý tới các vấn đề sau.

- Đối với các bệnh nhân đái tháo đường thì việc hạn chế đường hấp thu nhanh là tiêu chí số một trong ăn uống.

- Một số bệnh nhân có các bệnh lý mãn tính khác như: suy thận, suy tim… cũng cần phải cân nhắc dùng đường và các gia vị khác khi nấu ăn.

"Một số món ăn rất cần đường vì nếu không có sẽ mất ngon. Ví dụ, người Việt thường có thói quen dùng đường chưng nước hàng để tạo màu kho thịt, kho cá. Tuy nhiên, khi chưng đường ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra chất oxy hóa gây hại cho cơ thể, sinh ra nhiều bệnh lý khác nhau", bác sĩ Anh Đào nói.

Ngoài ra, việc lạm dụng đường trong nấu ăn theo bác sĩ Anh Đào khuyến cáo về lâu dài sẽ dễ sinh ra các bệnh lý. Do đường sẽ làm tăng năng lượng có thể dễ gây ra tình trạng cơ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư.

Ăn nhiều đường sẽ khiến tạo ra gánh nặng đối với gan do quá trình chuyển hóa đường thành lipid, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ do ăn quá nhiều đường. Ăn thừa đường còn có liên quan tới chức năng của tuyến tụy làm lượng insulin trong máu tăng là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường.

Sử dụng đường an toàn trong nấu ăn

Theo khuyến cáo của bác sĩ Anh Đào chỉ nên sử dụng đường dưới 5 thìa/ngày. Nếu phải sử dụng đường trong chế biến, thì tốt nhất là nên sử dụng đường cát/ đường nâu, mật ong, không nên sử dụng đường tinh luyện. Trong thành phần của đường tinh luyện chứa hàm lượng đường nhiều hơn và cung cấp năng lượng cao hơn.

Tiêu thụ 100gam đường tinh luyện với 99,3% đường, tương đương với nạp vào trong cơ thể 397 kcal. Nếu 100 gam đường cát, đường nâu với 94,6% là đường, năng lượng tạo ra là 383 kcal.

Đối với người mắc bệnh lý tiểu đường, bệnh chuyển hóa có thể sử dụng sản phẩm đường không sinh năng lượng để vẫn ăn được các món ăn đúng hương vị. Tuy nhiên, khi sử dụng vẫn cần phải có sự tư vấn của bác sĩ.

Bác sĩ Anh Đào cho hay: "Tất cả mọi người chúng ta đều cần hạn chế đường và muối. Đây là hai loại gia vị nếu lạm dụng đều gây hại cho cơ thể. Cần hạn chế dùng các thực phẩm chế biến sẵn vì lượng đường và muối thường rất cao.

Hạn chế thêm đường vào trong chế biến thực phẩm, không những trong nấu nướng mà còn trong pha chế các loại đồ uống. Không đun nấu đường ở nhiệt độ cao để tránh gây biến tính.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chế biến sẵn có lượng đường: gói kho thịt, gói kho cá khi sử dụng nên ít hơn so với hướng dẫn".

Bài tiếp theo: Dùng nước mắn, muối canh sai người Việt đang đầu độc thận

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại