Cuộc tập trận, được biết đến với tên mã là Able Archer-83 (tạm dịch: Thiện xạ-83), diễn ra vào giai đoạn cuối của Autumn Forge - cuộc tập trận thường lệ quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục ngàn quân NATO trên khắp Tây Âu.
Điều đáng nói là Able Archer-83 được NATO tổ chức vào thời điểm Chiến tranh Lạnh đang căng thẳng tột độ. Mối quan hệ giữa các nước trong khối Hiệp ước Quân sự Warsaw và các quốc gia thuộc khối NATO hết sức tồi tệ.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Liên Xô không tin Able Archer-83 chỉ là cuộc tập trận thông thường mà đánh giá là hoạt động nhằm che giấu cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu.
Mật danh Able Archer-83
Tình hình nhạy cảm đến nỗi đã dẫn đến sự cố tên lửa phòng không Liên Xô bắn nhầm chuyến bay dân dụng KAL007 của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên khiến toàn bộ 269 người trên máy bay tử nạn vào ngày 26-9-1983.
Nguyên do bắt đầu từ chiếc Boeing 747 KAL007 bay vào vùng không phận Liên Xô bên trên vùng biển Nhật Bản khi đó là vùng cấm xâm phạm. Chiếc máy bay bị nạn là loại Boeing 747 và sự xuất hiện của nó đã gây hiểu lầm đó là máy bay do thám của Mỹ.
Theo kịch bản giả định của Able Archer-83, tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông đang bóp nghẹt nguồn cung ứng dầu cho Liên Xô. Trong khi đó, Nam Tư - quốc gia duy trì vị thế trung lập trong cuộc Chiến tranh Lạnh – cuối cùng quyết định ủng hộ phương Tây.
Các nhà lãnh đạo Liên Xô (trong kịch bản giả định) lo sợ điều này sẽ dẫn đến một loạt các nước Đông Âu khác sẽ theo chân Nam Tư từ bỏ Khối Hiệp ước Warsaw để ngả theo NATO, và đặt toàn bộ khu vực trước mối nguy thất bại.
Chiến dịch Able Archer-83 huy động 40.000 binh sĩ thuộc các binh chủng hải, lục, không quân trong thành phần biên chế thường trực của NATO, trong đó bao gồm 19.000 binh sĩ Mỹ được không vận từ nước này sang Tây Âu.
“Cuộc chiến” giả định mở màn với việc xe tăng Liên Xô tràn qua biên giới tiến vào Nam Tư rồi tiếp đến là khu vực bán đảo Scandinavia (Bắc Âu) và không bao lâu sau đó nhanh chóng tiến vào Tây Âu. Bị áp đảo, lực lượng NATO buộc phải rút lui. Một vài tháng sau khi cuộc xung đột giả định bắt đầu, chính phủ các nước phương Tây cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các lực lượng NATO đóng vai trò chủ chốt trong cuộc tập trận phóng đi một tên lửa hạt nhân tầm trung, xóa sổ thủ đô Kiev của Ukraine khỏi bản đồ thế giới. Nó được triển khai nhằm đưa ra một tín hiệu, một lời cảnh báo rằng NATO sẵn sàng leo thang chiến tranh.
Về mặt lý thuyết thì việc đưa ra “tín hiệu về vụ tấn công hạt nhân” này sẽ khiến cho các chính trị gia với cái đầu lạnh hiểu tình thế. Thế nhưng lý thuyết này đã không đúng.
Đến ngày 11-11-1983, các kho vũ khí hạt nhân trên thế giới đã trở nên mất kiểm soát và Chiến tranh thế giới lần 3 nổ ra. Thế giới hầu như bị phá huỷ hoàn toàn. Hàng tỷ người thiệt mạng. Nền văn minh của con người chấm dứt.
Vào cuối ngày hôm đó, các chỉ huy NATO rời trụ trở về nhà, tự chúc mừng bản thân về một cuộc tập trận thành công nữa, tuy chỉ là một thành công vừa phải. Mãi về sau, chính phủ các nước phương Tây mới phát hiện ra rằng cuộc tập trận Able Archer 83 đã suýt châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự.
Nate Jones bình luận: “Có những bằng chứng ở cấp lãnh đạo cao nhất của quân đội Liên Xô cho thấy họ tin rằng đây chỉ là một cuộc tập trận đơn thuần chứ không phải là một vụ tấn công thực sự.
Chúng tôi có trong tay một bộ các tài liệu xác nhận rằng Liên Xô thực sự lo ngại phương Tây sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân” Nate Jones là giám đốc Dự án Luật Tự do Thông tin (hay Dự án FOIA) của Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia (NSA) tại Washington DC (Mỹ) - tổ chức độc lập phi lợi nhuận ủng hộ chủ trương chính phủ mở.
Jones mất rất nhiều năm kiên trì mới đọc hết các chi tiết về Able Archer 83. Sau 12 năm kiên trì gửi đơn yêu cầu được tự do tiếp cận thông tin, kèm theo khiếu nại, cuối cùng những nỗ lực của ông đã được đền đáp vào năm 2015.
Tài liệu do Hội đồng Tư vấn Tình báo Nước ngoài của Tổng thống Mỹ (PFIAB) soạn thảo năm 1990 với tựa đề “Liên Xô với nỗi lo sợ chiến tranh”. Chỉ có một vài đoạn ngắn được biên tập lại, còn toàn bộ 109 trang của bản phúc trình nêu chi tiết những hậu quả ngoài dự tính của Able Archer-83. Nó được viết rất nghiêm túc.
Không giống như các lần tập trận trước, Able Archer-83 sử dụng các cách thức thông tin liên lạc được mã hoá và có những khoảng im lặng tuyệt đối trên sóng radio. Quân đội được triển khai trên bộ. Một số căn cứ không quân Mỹ thậm chí còn thao diễn hoạt động di chuyển vũ khí - như đưa các đầu đạn hạt nhân giả (nhưng giống như thật) ra khỏi kho chứa.
Điệp viên hai mang Oleg Gordievsky (bên phải) gặp Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987.
Dựa trên tin tình báo thu thập được trong những tháng sau cuộc tập trận, bản phúc trình 1990 điều tra về phản ứng của Liên Xô. Những phản ứng này bao gồm việc ngưng các chuyến bay, đưa vũ khí hạt nhân vào tình trạng sẵn sàng tác chiến và xác định các mục tiêu tấn công quan trọng. Các biện pháp phòng thủ dân sự được chú trọng ở mức chưa từng thấy.
Tất cả đều cho thấy Liên Xô đã sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện. Giới lãnh đạo Xôviết không tin rằng Able Archer-83 chỉ là một cuộc tập trận mà coi đây thật sự là hoạt động nhằm che giấu cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên, và họ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trả đũa.
Nate Jones nói: “Nỗi sợ hãi về việc sẽ nổ ra chiến tranh là có thật, và rất kinh hoàng - một phản ứng quân sự chưa từng thấy. Chúng tôi không muốn kẻ thù của mình nghĩ rằng chúng tôi sẽ là bên tấn công trước trong khi chúng tôi hoàn toàn không hề có ý định làm như vậy”.
Sự hiểu lầm suýt hủy diệt thế giới
Nhưng mà làm thế nào mà một cuộc tập trận thường niên của NATO lại bị hiểu nhầm một cách tai hại đến thế? Để tìm câu trả lời, Nate Jones và các đồng nghiệp gần đây đã lần tìm kỹ lưỡng các nguồn tin của Nga, bao gồm cả kho lưu trữ của Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) ở Ukraine.
Nate Jones cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy một tạp chí quân sự thuộc loại tài liệu bảo mật của Liên Xô, đăng từ năm 1984 trong đó có bài phân tích chi tiết về Able Archer-83. Giọng văn đầy lo lắng của tài liệu đó rõ ràng cho thấy là quân đội Liên Xô đã thực sự lo ngại”.
Năm 1983, nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô là Yuri Andropov – nhân vật từng là người lãnh đạo lực lượng KGB và là người bảo vệ nhiệt thành mô hình Xôviết cũ, vươn lên sau khi nắm giữ nhiều vị trí khác nhau trong Đảng cộng sản Liên Xô. Nhưng vào thời điểm trở thành tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô, ông bị bệnh nặng.
Jones nói thêm: “Tôi tìm thấy một tài liệu trong đó Andropov nói với các sĩ quan KGB: Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các anh là không được bỏ sót một cuộc tấn công hạt nhân nào.
Các chuyên gia KGB được giao nhiệm vụ cố gắng phát hiện ra điều này và báo cáo vào mỗi 2 tuần một lần”. Do bởi thượng cấp ở Moscow muốn nghe về nguy cơ tiềm ẩn có cuộc tấn công hạt nhân và để làm hài lòng các lãnh đạo, các điệp viên gửi về những tin tức như thế.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân mang mật danh Able Archer-83 được dựng lại thành phim tài liệu nhan đề “Deutschland 83”.
Jones giải thích: “Những điệp viên này ở gần phương Tây, họ sống ở phương Tây và biết chắc không hề có kế hoạch tiến hành cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên, nhưng họ báo cáo những gì họ đã được chỉ đạo là phải báo cáo.
Moscow đã thu thập các báo cáo này và rút ra kết luận nghiêm trọng rằng Able Archer 83 chính là cái đó. Thật là một vòng luẩn quẩn đầy nguy hiểm. Tình báo Liên Xô đã hành động bất hợp lý.
Đó là một sự thiếu nhạy cảm trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đầy căng thẳng. Cuộc tập trận thường niên mang tên Autumn Forge (mà Able Arch 83 là một phần trong đó) diễn ra ngay gần biên giới Liên Xô và sau đó các nước NATO lại có chiều hướng bổ sung thêm những vũ khí hạt nhân mới”.
Song chính các nhà lãnh đạo phương Tây cũng không lường trước được sự nguy hiểm của cuộc tập trận giả định về cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên. Ngày 17-2-1983, Yuri Andropov ra lệnh triển khai chiến dịch truy tìm những dấu hiệu tấn công tên lửa hạt nhân mang tên RYaN (Raketno-Yadernoye Napadenie).
Mục tiêu của chiến dịch là tìm kiếm, xác định các dấu hiệu khả nghi của một vụ tấn công hạt nhân từ phương Tây. Hàng loạt điệp viên KGB được triển khai sang phương Tây để thực hiện nhiệm vụ.
Trong số các điệp viên KGB được cử sang phương Tây để thực hiện chiến dịch RYaN có một số người đã quay sang làm điệp viên hai mang cho phía đối phương, trong đó có Oleg Gordievsky.
Gordievsky là điệp viên KGB đóng tại Copenhagen (Đan Mạch) từ năm 1963 và trở thành điệp viên hai mang của tình báo Anh MI-6 từ năm 1968. Trước tình hình nguy hiểm đang diễn ra, Gordievsky đã bí mật thông tin cho MI-6 về việc Moscow đang điều động khí tài và có nguy cơ phát động tấn công hạt nhân.
Thông tin của Gordievsky được chuyển đến cho Chánh văn phòng Nội các Anh lúc đó là Sir Robert Armstrong và người này lập tức báo cáo với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.
Hiểu rõ tình thế nguy cấp, Thủ tướng Margaret Thatcher tức tốc gọi điện đến Tổng thống Mỹ Ronald Reagan qua đường dây nóng, nối trực tiếp với Washington và thống nhất phải tức thời thông báo cho Điện Kremlin, nói rõ thực chất của cuộc tập trận “Able Archer-83” chỉ là mô phỏng cuộc chiến hạt nhân giả tưởng, chứ không phải là kế hoạch đánh “đòn phủ đầu” từ phía NATO.
Tổng thống Mỹ Reagan ngay lập tức rút lại các vũ khí tập trận, kể cả các tên lửa hạt nhân đã được bố trí sát biên giới khối Warsaw. Ngòi nổ Chiến tranh thế giới lần 3 đã được tháo gỡ.
May mắn thay - và có lẽ một phần do nỗi sợ hãi chiến tranh - trong những năm tháng tiếp theo, căng thẳng được xoa dịu.
Tổng thống Mỹ Reagan và tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev bắt tay thực hiện một loạt các hiệp ước cắt giảm vũ khí.
Không chỉ là bài học đáng sợ trong lịch sử Chiến tranh Lạnh, Able Archer-83 vẫn liên quan đến thời sự ngày nay. Những tranh cãi, cáo buộc lẫn nhau giữa Nga và Mỹ lại đang nổ ra, khiến người ta quan ngại về việc các hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu có thể sẽ bị phá bỏ. Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đang gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân mang mật danh Able Archer-83 được dựng lại thành phim tài liệu nhan đề “Deutschland 83”, ra mắt tại Mỹ vào tháng 6-2015 và trình chiếu tại Anh và châu Âu trong tháng 11-2015.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá nguy cơ đối đầu hạt nhân vào mùa thu năm 1983 có mức độ cao hơn so với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, đẩy loài người tới sát bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực đe dọa sự tồn vong của nhân loại.
Martin Chalmers, Phó tổng giám đốc Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) đánh giá:
“Sự thất bại trong kiểm soát vũ khí kết hợp với những mối quan ngại hiển nhiên khi cả hai bên đều coi phía bên kia là chơi xấu và đang âm mưu thực hiện điều gì đó rất tồi tệ trong bối cảnh khủng hoảng chính trị. Nếu cuộc khủng hoảng xảy ra, nguy cơ hiểu nhầm giống như chúng ta biết vào năm 1983 là cực lớn”.
Nate Jones, người đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu Able Archer-83 đồng ý: “Khi nào còn tồn tại vũ khí hạt nhân, khi đó còn nguy cơ chiến tranh do những tính toán sai lầm của con người”.