Mỹ luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mà họ gọi là "cứu rỗi" các đồng minh châu Âu khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ Nga. Thế nhưng, khi phải gửi các vật thể vào không gian, bản thân Mỹ vẫn phải phụ thuộc vào Nga - nước mà họ luôn coi là "kẻ xấu".
Tuần trước, 3 động cơ tên lửa RD-180 do Nga chế tạo đã được chuyển tới Mỹ để sử dụng cho các tên lửa Atlas 3 và Atlas 5.
Thỏa thuận này là một phần trong hợp đồng ký kết giữa nhà sản xuất NPO Energomash của Nga và United Launche Alliance (ULA) - một liên minh được hãng Boeing và Lockheed Martin thành lập - mà đến nay vẫn là một nhà thầu lớn của Hải quân Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA) trong lĩnh vực phóng các vật thể lên không gian.
Kể từ khi bản hợp đồng dài hạn giữa Energomash và ULA được ký kết trong những năm 1990, động cơ tên lửa của Nga đã được sử dụng trong hơn 80 vụ phóng không gian của Mỹ và được lắp đặt trong các tên lửa mà Mỹ sử dụng để đưa các vệ tinh quân sự, vệ tinh do thám lên quỹ đạo.
Nó còn được sử dụng trong các sứ mệnh khám phá Sao Hỏa, Sao Diêm Vương và Sao Mộc của NASA.
Vậy làm thế nào mà RD-180 trở thành một phần không thể thiếu trong các chương trình không gian của Mỹ mà giới chính trị ở Washington từ lâu đã muốn bác bỏ?
Trở lại những năm 1980, khi các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng động cơ đốt cháy quá phức tạp và không đáng tin, Liên Xô đã hoàn tất việc chế tạo ra một mô hình động cơ đốt cháy giàu oxy vận hành một cách hiệu quả.
Không giống như các mẫu động cơ được sử dụng trong chương trình Tàu con thoi Không gian của Mỹ và trong sứ mệnh hạ cánh trên Mặt trăng của tàu Apollo, động cơ Liên Xô sản xuất không để lượng khí sản sinh từ nhiên liệu tên lửa bị lãng phí.
Thay vào đó, lượng khí này được chuyển ngược lại phòng đốt, giúp động cơ có thêm nguồn năng lượng.
Chỉ vài năm trước sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, Washington nhận thấy rằng các nhà khoa học Liên Xô đã thành công trong việc chế tạo ra một động cơ hoạt động hiệu quả, trong khi giá thành lại rẻ nên đặt hàng mua chúng mà không phải nghĩ nhiều.
Ý tưởng đằng sau thỏa thuận này là "xét cho cùng thì Mỹ sẽ sớm chế tạo được mẫu động cơ tương tự của Nga" ở trong nước sau khi nắm bắt được công nghệ của RD-180, như lời Thượng nghị sỹ Bill Nelson nói lúc bấy giờ.
Mỹ thực sự đã mua lại các công nghệ quan trọng của Nga như một phần trong thỏa thuận này, tuy nhiên việc phát triển một động cơ tên lửa mới "tiêu tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc".
"Đã có nhiều nỗ lực để tận dụng các nguyên bản của Nga, nhưng họ đều thất bại" - Natan Aysmont, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Không gian, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định - "Cuối cùng, việc phát triển động cơ mới dường như khó hơn là người Mỹ tưởng".
Việc phát triển một động cơ phức tạp như vậy đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và cả "trực giác" - chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok lý giải.
"Người ta không thể chỉ cứ sao chép lại một động cơ khác - dù là động cơ tên lửa hay của một mẫu máy bay - dù đã sở hữu mẫu động cơ đó" - ông Khodarenok nói - "Để tạo nên thứ gì đó tương tự như RD-180, người ta cần ít nhất 10 năm và hàng tỷ USD".
"Dự định đó chưa từng được thực hiện, và nó dẫn chúng ta tới tình trạng như hiện tại" - cựu Thượng nghị sỹ Nelson thừa nhận trong bài phỏng vấn năm 2016.
Ngày nay, Mỹ vẫn phải nhập toàn bộ động cơ RD-180 từ Nga. Công nghệ của Nga trong mẫu động cơ này nhận được sự công nhận của Mỹ vì hiệu suất hoạt động cao.
Bản thân ông Nelson cũng thừa nhận rằng đó là "một động cơ tuyệt vời được lắp đặt cho tên lửa Atlas 5, hiện vẫn là mẫu tên lửa đáng tin cậy nhất trong những vụ phóng quân sự, các vụ phóng của NASA và cả các vụ phóng thương mại... lên quỹ đạo".
Nhưng Mỹ không hoàn toàn phụ thuộc vào tên lửa Atlas 5. Mẫu tên lửa Falcon Heavy và Falcon 9 được phát triển bởi hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk nay cũng chứng minh được hiệu quả, nhưng không thể hoàn toàn thay thế Atlas 5.
"Mẫu tên lửa Atlas 5 của ULA vẫn tiếp tục được sử dụng phổ biến trên thị trường dân sự và thương mại" - Jessica Rye, Giám đốc truyền thông của ULA, nói với hãng RT, thêm rằng Atlas 5 đã được sử dụng trong hơn 70 nhiệm vụ với tỷ lệ thành công 100%.
Vào năm 2014, các chính trị gia có tư tưởng chống Nga ở Washington một mực đòi cấm động cơ RD-180 của Nga trong bối cảnh căng thẳng quan hệ do tình hình ở Ukraine.
Lệnh cấm này tuy nhiên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, bởi ULA tranh luận thành công rằng lệnh cấm như vậy buộc Mỹ phải tạm ngừng các vụ phóng không gian cho đến khi tìm được mẫu động cơ thay thế.
Năm 2016, các chính trị gia diều hâu được dẫn dắt bởi cố Chủ tịch Ủy ban Vũ trang Thượng viện John McCain đã đạt thỏa thuận với Lầu Năm Góc liên quan tới việc ngừng sử dụng RD-180 bắt đầu từ năm 2022. Lầu Năm Góc đã xác nhận rằng họ sẽ tuân thủ thời hạn chót mà thỏa thuận đặt ra, khiến cho ULA phải ra sức tìm mẫu động cơ thay thế.
Hiện tại, có 4 công ty Mỹ đang chạy đua để phát triển một mẫu động cơ tên lửa nội địa của Mỹ: Công ty SpaceX của Elon Musk, Blue Origin của Jeff Bezos, ULA và Northrop Grumman.
SpaceC và Blue Origin từng tuyên bố rằng họ đang phát triển và thử nghiệm các động cơ tên lửa của riêng mình, dựa trên các công nghệ tương tự như RD-180.
Mẫu động cơ BE-4 của Blue Origin cũng là động cơ đốt cháy giàu oxy, trong khi SpaceX tăng cường hiệu suất của động cơ bằng cách áp dụng thêm một số công nghệ hiện hành và sử dụng khí Methane thay vì Kerosene làm nhiên liệu đốt.
Tháng 2 năm nay, Elon Musk khoe rằng áp suất trong phòng đốt của mẫu động cơ mới của họ còn cao hơn cả RD-180, có nghĩa rằng nó sẽ đạt hiệu suất lớn hơn.
Tuy nhiên, hiện chưa có một công ty nào của Mỹ thực hiện được các vụ phóng thử thực tế nhờ sử dụng động cơ mới thay thế cho RD-180, bởi quá trình phát triển chưa hoàn thiện.
Hiện nay, các bản hợp đồng mà Nga đã ký với Mỹ liên quan tới việc cung cấp động cơ RD-180 vẫn có hiệu lực tới năm 2020. Liệu SpaceX và các công ty, tổ chức của Mỹ có thành công trong việc đáp ứng thời hạn chót vào năm 2022 hay không, vẫn là một dấu hỏi lớn.