Gay cấn ca mổ hơn 11 tiếng tách rời hai bé gái dính nhau vùng cùng cụt

An Nhiên |

Chiều 29/8, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cung cấp thông tin về ca mổ tách hai bé gái song sinh dính nhau phức tạp vùng cùng cụt.

Hơn 11 giờ đứng mổ với ê kíp phẫu thuật “khổng lồ”

BS Nguyễn Thanh Trúc cho biết, hai bé gái Bảo Ân, Bảo Hân, con sản phụ Thị Quyền (dân tộc S’tiêng) chào đời ngày 24/7/2016 tại Bệnh viện đa khoa Lộc Ninh (Bình Phước) khi được 33 tuần tuổi, cân nặng 3,4kg trong tình trạng dính nhau phần lưng mông.

Ngay lập tức hai bé được chuyển xuống Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

Qua hội chẩn, hai bé dính nhau vùng xương cùng cụt, chung một đoạn tủy sống. Cả hai bé không có hậu môn nên phải đặt 2 ống dò qua 2 tầng sinh môn, rồi bơm nước vào để đẩy phân ra ngoài. Một bé khá hồng hào, sức khỏe tương đối tốt. Bé gái còn lại yếu hơn, bị khiếm khuyết 5-6 xương sườn và trật khớp háng.

Hai bé đã trải qua ba lần phẫu thuật đặt túi giãn da, một lần mổ cắt lọc lấy túi giãn da ra và khâu lại. Sau quá trình điều trị kéo dài một năm, các bác sĩ đã hội chẩn, thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra và quyết định phẫu thuật tách dính.

Kết quả hội chẩn cuối cùng trước khi mổ cho thấy, hai bé dính nhau vùng thắt lưng cùng cụt, thoát vị tủy màng tủy vùng cùng cụt, dính tủy S2-S4, dò hậu môn tiền đình. Bé Bảo Ân khuyết 5 xương sườn phải, trật khớp háng, cứng khớp gối, cổ chân phải. Bé Bảo Hân không có dị tật khác.

Gay cấn ca mổ hơn 11 tiếng tách rời hai bé gái dính nhau vùng cùng cụt - Ảnh 1.

Hai bé dính liền lúc mới nhập viện Nhi đồng 2

GS Trần Đông A, cố vấn của bệnh viện cho biết, kíp mổ với nhiều y bác sĩ các chuyên khoa (gây mê hồi sức, ngoại thần kinh, mạch máu…) đã cùng trải qua 11 giờ 30 phút phẫu tách cho cặp song sinh. Các phẫu thuật viên đã rạch da bóc tách các lớp vào đến túi thoát vị, rồi mở màng cứng và tách tủy.

Sau đó kíp mổ tách phần dính xương cùng và trực tràng tầng sinh môn, hoàn thành việc tách rời và khâu che màng cứng, che phủ vạt da, làm hậu môn tạm kiểu hai đầu rời.

Để thực hiện ca phẫu thuật, các bác sĩ đã phải hội chẩn nội viện nhiều lần, hội chẩn liên viện, lên kế hoạch chi tiết và tập dượt trước phẫu thuật. Bệnh viện đã phải huy động 8 kíp mổ bởi với ca mổ này, mọi thứ đều phải nhân đôi, từ nhân lực đến máy móc.

Cuộc phẫu thuật diễn ra từ 7h sáng và kết thúc thành công lúc 18h35 ngày 23/8. Hai cháu bé hiện được theo dõi sát trong phòng hồi sức, tình trạng lâm sàng tạm ổn, đã cai máy thở, uống được sữa.

Khó khăn nối tiếp khó khăn

BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Khoa Ngoại thần kinh chia sẻ, dự đoán trước khi mổ là hai bé bị thoát vị màng tủy, nhưng khi mổ phát hiện hai bé còn bị thoát vị tủy – màng tủy nên ca mổ đối diện nhiều khó khăn.

Không những thế, cần phải bảo đảm sau khi tách rời, chân của hai bé phải hoạt động bình thường thì ca mổ mới gọi là thành công.

Khi mổ, các bác sĩ phát hiện cấu trúc thần kinh rất lộn xộn, các rễ thần kinh chùm đuôi ngựa đan xen vào nhau, trong quá trình bóc tách cần xác định dây thần kinh nào chi phối bé nào.

Kíp mổ phải sử dụng máy kích thích thần kinh để dò chức năng thần kinh của từng bé, đồng thời sử dụng kính hiển vi và dụng cụ vi phẫu để tiến hành tách.

Hai bé còn chia nhau một đoạn tủy sống cũng cần phải tách phần tủy ra.

Các bác sĩ phải tính toán kỹ lưỡng khi đóng da vì nếu không tính kỹ, đóng không kín thì phẫu thuật thất bại bởi dễ dẫn đến nhiễm trùng lên não và nguy cơ tử vong.

Sau khi tách tủy và các dây thần kinh, các bác sĩ đã đóng kín màng tủy, sử dụng keo sinh học để tránh xì dò dịch não tủy.

BS Phan Thị Minh Tâm phụ trách gây mê cho biết, đây là một ca vô cùng khó. Trong những lần gây mê trước để đặt túi giãn da, bé Bảo Ân do khuyết xương sườn nên hay bị suy hô hấp, làm sao để bé chịu đựng được gây mê trong hơn 10 tiếng đồng hồ.

Không những thế, khác với các ca mổ khác bệnh nhân nằm yên một tư thế, trong ca mổ này, các bé buộc phải xoay lật người để còn thực hiện phẫu thuật tách thần kinh.

BS Tâm chia sẻ: “Trên người các bé có đến 12 – 13 đường ống, phải làm thế nào để khi nâng bé lên, đổi tư thế mà không bị sút các đường ống ra, bé không bị sốc đau, nhiễm trùng, xáo trộn huyết động, tim mạch, hô hấp… là cả một bài toán khó. Rất may chúng tôi đã thành công”.

GS Trần Đông A cho biết, đây là ca dính nhau cực hiếm đầu tiên của Việt Nam tính từ năm 1975 đến nay, y văn thế giới cũng mới chỉ ghi nhận 28 trường hợp và đây là ca thứ 29.

Thông thường, các ca song sinh chủ yếu dính nhau phần ngực bụng chứ rất hiếm khi dính nhau phần cùng cụt, dính tủy sống, các dây thần kinh vận động…

Theo GS Đông A, đây là hai bé song sinh đơn trứng, theo nguyên tắc sau khi thụ tinh, hai bé sẽ tách nhau ra trong 1 tuần lễ nhưng vì một lý do nào đó, quá trình tách này bị trễ nên hai bé bị dính vào nhau.

Nguyên nhân dẫn đến việc chậm quá trình tách trễ này chưa thể xác định, nhưng theo giả thuyết của một giáo sư người Úc, có thể do tác động từ yếu tố môi trường.

Ca phẫu thuật đã thành công bước đầu, hiện các bác sĩ vẫn tiến hành theo dõi sát quá trình hồi phục của hai bé.

Về cơ bản, hai bé đã vận động được chân tay tốt, hiện tại còn chờ vết mổ lành, các bác sĩ sẽ tái tạo lại hậu môn cho các bé.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại