Gặp nước uống có cặn, thực phẩm bẩn xử lý thế nào?

Nguyễn Thành Danh |

Trong thời gian qua, nhiều vụ việc người tiêu dùng bắt gặp dị vật, hiện tượng bất thường trong sản phẩm là thực phẩm, phải làm thế nào để có thể bảo vệ được quyền lợi và đúng quy định của pháp luật?

Thông thường, một sản phẩm là thực phẩm bằng cảm quan nhận thấy có những vấn đề bất bình thường về màu sắc, mùi vị, có dị vật... có thể từ những nguyên nhân sau:

- Lỗi bảo quản trong quá trình vận chuyển, phân phối và kể cả người tiêu dùng không thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nhiều sản phẩm đã được hướng dẫn "bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời" vì chỉ cần để trực tiếp ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ cao hay thay đổi nhiệt độ trong môi trường bảo quản liên tục thì sẽ ảnh hưởng làm sản phẩm thực phẩm có thể biến chất, sụt giảm chất lượng.

- Lỗi trong quá trình sản xuất ra sản phẩm: Thông thường những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, mới ra nghề hay có những sản phẩm lỗi.

Những nhà máy lớn với quy mô công nghiệp, quy trình tiên tiến theo những tiêu chuẩn của thế giới, sản phẩm được kiểm tra thường xuyên về chất lượng thì lỗi sản phẩm cũng có thể có nhưng không mang tính phổ biến và tỉ lệ rất thấp.

Mặt khác, đối với những "thương hiệu" được người tiêu dùng tin tưởng thì chắc chắn chủ "thương hiệu" sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ uy tín của mình.

- Lỗi do sản phẩm được sản xuất bởi những cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; thậm chí sử dụng các chất cấm không được phép sử dụng trong thực phẩm...

- Lỗi do sự tác động từ bên ngoài vào sản phẩm thực phẩm nhằm những động cơ bất chính như cạnh tranh không lành mạnh, tống tiền...

Như vậy, khi phát hiện sản phẩm thực phẩm có vấn đề thì người tiêu dùng cần bình tĩnh và thực hiện quy trình sau:

- Thứ nhất: Cố gắng thu thập tất cả sản phẩm cùng loại, mua cùng đợt mà bằng cảm quan nhận thấy có vấn đề. Thu thập tất cả chứng cứ về nguồn gốc những thực phẩm đó (hóa đơn, người làm chứng, thời gian mua hàng, ở đâu...).

- Xác định vấn đề trong khả năng: Sản phẩm có bị tác động từ bên ngoài hay không; đã bảo quản đúng hướng dẫn hay chưa; sản phẩm có gì khác lạ so với những sản phẩm cùng loại đã từng sử dụng hay không?...

- Xác định thiệt hại: Giá trị hàng hóa đã mua không sử dụng được; hậu quả do sử dụng sản phẩm thực phẩm kém chất lượng...

- Liên hệ với những người có trách nhiệm để được giải quyết: Đó chính là nơi đã mua hàng; nhà sản xuất ra sản phẩm, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng...

- Nếu không được giải quyết thỏa đáng thì có thể tố cáo cùng cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại.

Trong những vụ việc phát sinh trong thực tế khi có tranh chấp cần lưu ý tất cả đối tượng tham gia đều phải xuất phát từ những động cơ chân chính và hài hòa các lợi ích để trở thành lợi ích chung. Cụ thể:

Người tiêu dùng không những vì quyền lợi của chính bản thân và gia đình mà còn vì quyền lợi của những người khác mà yêu cầu giải quyết làm sáng tỏ về sản phẩm có lỗi, buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường và công bố kết quả cho toàn xã hội được biết; không nên xem việc phát hiện sản phẩm thực phẩm có lỗi là "trúng số độc đắc" mà có những hành vi vi phạm pháp luật.

Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm và hợp tác cùng người tiêu dùng, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ quan chức năng để tìm ra nguyên nhân và giải quyết thỏa đáng cho người tiêu dùng nếu sản phẩm lỗi là do quá trình sản xuất gây ra. Nhà sản xuất không nên tìm cách che giấu, thỏa hiệp, ém nhẹm vụ việc.

Có doanh nghiệp sản xuất sữa (xin không nêu tên) khi có phát sinh lỗi sản phẩm đã mời người tiêu dùng đến tham quan nhà máy và dùng chính quy trình sản xuất hiện đại, quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế để chứng minh, phục hồi niềm tin cho người tiêu dùng.

Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả các cơ quan chức năng nên là những trọng tài sáng suốt, công minh để tham gia trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Pháp luật nghiêm trị những cá nhân, tổ chức có hành vi trái pháp luật, làm quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính bị xâm phạm.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết nhưng bảo vệ uy tín, danh dự cho doanh nghiệp chân chính cũng quan trọng không kém. Nhưng quan trọng hơn hết chính là sự tuân thủ pháp luật của mọi thành viên trong xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại