Ý tưởng về máy bay tiếp dầu tàng hình có phải là ngông cuồng?
Hoa Kỳ đã dành hàng tỷ USD để chế tạo các loại vũ khí nền tảng "tàng hình" như máy bay chiếm ưu thế trên không, máy bay tấn công, máy bay ném bom, tên lửa hành trình và máy bay không người lái trinh sát...
Chắc chắn ý tưởng về một máy bay tiếp dầu tàng hình để giúp duy trì hoạt động của các loại vũ khí tàng hình kể trên sẽ không phải là một sự ngông cuồng?
Khái niệm về một máy bay tiếp dầu tàng hình không hề vô lý như chúng ta nghĩ vì một lý do đơn giản, các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-22 của Lầu Năm Góc, được cho là đã tạo ra chiến lược không chiến thế kỷ 21, chỉ đơn giản là không thể bay đủ xa.
Bán kính chiến đấu 1.100 km của F-35 có vẻ không tệ so với các máy bay chiến đấu thông thường như F/A-18 Super Hornet hay F-16 Fighting Falcon.
Nhưng những máy bay không có khả năng tàng hình có thể mang nhiên liệu trong các bình chứa dưới cánh để tăng bán kính chiến đấu. Trong khi đó, một chiếc F-35 không thể mang những "khối kim loại" đó dưới cánh nếu nó muốn mặt cắt radar cực nhỏ của nó không bị ảnh hưởng.
Một vấn đề khác với bán kính chiến đấu của máy bay tàng hình và không tàng hình là cần phải triển khai chúng từ các căn cứ không quân hoặc tàu sân bay nằm trong phạm vi tác xạ của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của đối phương.
Các cuộc xung đột từ Thế chiến 2 đến Afghanistan đã chỉ ra rằng các loại máy bay dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi chúng đang nằm trên mặt đất (hoặc đường băng tàu sân bay).
Một điều gần như chắc chắn rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc, một "cơn mưa" tên lửa đáng sợ sẽ trút xuống các căn cứ không quân ở tiền phương.
Và có bao nhiêu máy bay sẽ xuất hiện "nguyên vẹn" sau cơn mưa tử thần đó là điều ai cũng đoán được. May mắn thay, tất cả các máy bay của Mỹ đều có thể được tiếp nhiên liệu giữa không trung.
Những hiểm nguy với các máy bay tiếp dầu thông thường
Nhưng mặc dù các máy bay vận tải sửa đổi đóng vai trò tiếp dầu sẽ cố gắng tránh xa các máy bay chiến đấu đối phương, chúng ngày càng có nguy cơ bị bắn hạ bởi các tên lửa không đối không tầm xa như R-37 của Nga (có thể hạ mục tiêu từ khoảng cách 300-400 km).
Một số lượng nhỏ máy bay tàng hình do Nga hoặc Trung Quốc chế tạo cũng có khả năng bỏ qua các máy bay tàng hình của Mỹ và tập trung vào việc tiêu diệt các máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS).
Chiến lược này sẽ kết thúc khả năng tiếp dầu trên không của Không quân Hoa Kỳ và khiến các máy bay tàng hình "mắc kẹt" và rơi hàng loạt trên Thái Bình Dương do không đủ nhiên liệu để trở về căn cứ.
Vấn đề nan giải hơn nhiều nếu các máy bay chiến đấu tàng hình đang xâm nhập không phận đối phương, nhiệm vụ của F-35 ngay từ khi thiết kế.
Các hệ thống phòng không như S-400 do Nga sản xuất có khả năng tấn công máy bay hỗ trợ chậm chạp cho F-35 (một lần nữa, hãy nghĩ đến máy bay tiếp dầu) với tầm bắn lên đến 400 km với tên lửa 40N6.
Điều này có nghĩa là các máy bay tiếp dầu trong quá trình "lang thang" gần không phận đối phương để sẵn sàng hỗ trợ cho F-35, sẽ có khả năng bị hiển thị trên radar và tấn công bởi máy bay chiến đấu của đối phương.
Do đó, một máy bay tiếp dầu có tiết diện radar thấp - tàng hình có thể "giải quyết gọn ghẽ" các vấn đề.
Máy bay tiếp dầu tàng hình KC-Z
Hiện tại, Không quân Hoa Kỳ đang mua 179 máy bay tiếp dầu KC-46A Pegasus mới (được phát triển dựa trên máy bay Boeing 767).
Cùng với việc dần loại biên 400 máy bay tiếp dầu KC-135 và KC-10 cũ, Không quân Mỹ dự định sẽ triển khai một số máy bay tiếp dầu thông thường khác có tên là KC-Y bắt đầu từ những năm 2024, trước khi thay thế bằng các máy bay tiếp dầu tàng hình KC-Z.
Cho tới nay ý tưởng về thiết kế của KC-Z chưa được tiết lộ và nhiều tin đồn liên tưởng đến hình dáng của chiếc máy bay giả tưởng Quinjets trong các bộ phim The Avengers (Ảnh Marvel).
Tuy nhiên, vào năm 2016, Tướng Carlton Everthart trong một bình luận với tờ Defense News cho biết Lầu Năm Góc có thể loại bỏ chương trình KC-Y để mua thêm các máy bay KC-46 nâng cấp và việc triển khai các máy bay tiếp dầu tàng hình KC-Z sẽ sớm hơn.
Mặc dù "sớm hơn", nhưng Tướng Carlton Everthart cho rằng việc mua sắm KC-Z sẽ chỉ bắt đầu vào năm 2035.
Vào tháng 6/2018, các nghiên cứu Phòng thí nghiệm Không quân, có trụ sở tại Ohio cho thấy mô hình của "Máy bay tiếp nhiên liệu tiên tiến" được thiết kế "góc cạnh và kỳ lạ"
Mô hình "Máy bay tiếp nhiên liệu tiên tiến" được Phòng thí nghiệm không quân Hoa Kỳ đưa ra vào tháng 6/2018
Trong khi đó, Lockheed tung ra mô hình của riêng họ được có tên là "Máy bay tiếp dầu tiên tiến" và có vẻ đã sẵn sàng để quay trong Star Wars: Episode IX.
Đầu năm 2018, Lockheed lớn đã thua Boeing trong cuộc cạnh tranh sản xuất máy bay không người lái tiếp nhiên liệu trên không MQ-25 mặc dù thiết kế được đề xuất của Lockheed nhấn mạnh khả năng tàng hình hơn các đối thủ khác trong cuộc thi.
Công ty cũng đã đề xuất đưa các động cơ phản lực của máy bay tiếp dầu tàng hình lên mặt trên của cánh, giống như thiết kế của máy bay ném bom B-2, cho mục đích giảm mặt cắt ngang.
Các thiết kế nói trên không phải là một máy bay do họ phát triển từ ý tưởng của mình, mà thay vào đó chúng được lấy ý tưởng từ Không quân, những người bày tỏ sự quan tâm đến một máy bay tiếp dầu kiểu "Thân cánh liền khối - BWB".
Thay vì máy bay có thân hình ống và cánh, một chiếc BWB hợp nhất đôi cánh vào thân máy bay, tạo thành hình tam giác. Bề mặt cánh trong thiết kế này hiệu quả trong việc tạo lực nâng và máy bay tạo thành "mặt phẳng" hiển thị radar thấp vì không có nhiều các góc phản xạ radar.
Tuy nhiên, máy bay tiếp dầu thường xuyên được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ như máy bay phản lực chở hàng, do đó, một máy bay tiếp dầu tàng hình vẫn có thể cần có khoang chứa hàng lớn và tạo thành một điểm "phồng".
Một điểm đặc biệt của một chiếc máy bay chở hàng tàng hình là nó có thể được sử dụng để đưa Lực lượng Đặc biệt vào sâu trong lãnh thổ đối phương.
Đây là khả năng mà Lực lượng đặc biệt đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, trong các phương án cung cấp hỗ trợ quan trọng cho các tiền đồn nằm trong ô chống tiếp cận (A2/AD) của tên lửa phòng không tầm xa đối phương.
Tuy nhiên, một thiết kế máy bay chở hàng tàng hình nhiều khả năng sẽ không tương đồng với máy bay tàng hình được thiết kế chỉ để tiếp nhiên liệu trên không.
Một thách thức khác để chế tạo một máy bay tiếp dầu tàng hình giá cả phải chăng liên quan đến thực tế là máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tàng hình đạt được tiết diện phản xạ radar thấp một phần bằng cách kết hợp các lớp phủ hay còn gọi là vật liệu hấp thụ radar (RAM).
Tuy nhiên, RAM làm tăng đáng kể chi phí vận hành và yêu cầu bảo trì của các máy bay chiến đấu tàng hình cỡ nhỏ.
Có lẽ, chi phí đó sẽ lớn hơn nhiều so với một máy bay tiếp dầu tàng hình khổng lồ bay hàng nghìn giờ mỗi năm, do đó phương án RAM giá thành thấp là cần thiết để tránh chi phí vận hành từ 135 đến 169.000 USD mỗi giờ bay như Máy bay ném bom tàng hình B-2.
Những ý tưởng khác
Không quân có thêm ý tưởng để làm cho các máy bay tiếp dầu tàng hình trong tương lai của họ sống sót, bao gồm cả việc kết hợp các hệ thống phòng thủ tích cực để bắn hạ các tên lửa đang tới và có thể đó là vũ khí laser.
Tuy nhiên, một khái niệm khác liên quan đến việc sử dụng các thiết bị gây nhiễu radar thế hệ mởi sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động điều chỉnh tần số.
Những "kẻ gây nhiễu" như vậy có thể che khuất hoặc thậm chí làm sai lệch vị trí của một chiếc máy bay trên radar.
Lầu Năm Góc cũng muốn các máy bay tiếp dầu tàng hình thế hệ tiếp theo của mình có tính năng tự điều khiển nhiều hơn để giảm số lượng phi hành đoàn và đẩy nhanh quá trình tiếp nhiên liệu.
Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Không quân cũng bày tỏ sự cởi mở đối với cách tiếp cận hoàn toàn khác với một chiếc KC-Z tàng hình tương tự máy bay không người lái (UAV) tiếp dầu Boeing MQ-25 của Hải quân Hoa Kỳ.
Máy bay tiếp dầu tàng hình không người lái có thể phù hợp với chiến lược tiếp nhiên liệu "phân tán", trong đó các UAV lấy nhiên liệu từ một máy bay tiếp dầu thông thường cỡ lớn với vai trò "mẹ" và sau đó chuyển nhiên liệu cho máy bay chiến đấu tàng hình trong khu vực giao chiến.
Tuy nhiên, một kế hoạch tiếp nhiên liệu theo chuỗi như vậy có thể sụp đổ một cách thảm khốc nếu tàu "mẹ" bị đối thủ nhằm đến.
Đáng chú ý là có thể có giải pháp đơn giản hơn, ít tốn kém hơn, đó là loại bỏ tư duy phụ thuộc vào các máy bay tầm ngắn của Lầu Năm Góc ( bằng máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-21 hoặc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 trong tương lai).
Đi cùng với đó là mở rộng khả năng tấn công bằng các tên lửa tự hành (tự điều khiển) hoặc các máy bay không người lái tấn công (UCAV) tàng hình tầm xa.
Máy bay tiếp dầu trên không Boeing KC-46A Pegasus thực hiện tiếp dầu cho F-16 lần đầu tiên vào năm 2016