F-117: Sinh ra từ chiến tranh Việt Nam, sã cánh ở Serbia và đã yên nghỉ tại bảo tàng!

Anh Tú |

Chiếc máy bay tàng hình F-117 duy nhất bị bắn rơi trong chiến đấu là vào ngày 27/3/1999 khi nó bị bắn hạ trên bầu trời Serbia trong chiến dịch tấn công Kosovo của NATO.

Ngày 1/8/2008, Không quân Mỹ chính thức loại biên chiếc F-117 Nighthawk cuối cùng, đánh dấu chấm hết vòng đời hoạt động 25 năm của dòng máy bay tàng hình huyền thoại này.

Được thiết kế để xâm nhập hệ thống phòng không của đối phương mà không bị phát hiện, tấn công bằng vũ khí chính xác, từ khi ra đời F-117 đã tham gia tất cả các cuộc chiến lớn của Quân đội Mỹ, từ Panama tới Afghanistan.

Mặc dù được Lầu Năm Góc giấu kín trong nhiều năm nhưng kể từ khi sự tồn tại của nó được tiết lộ, F-117 đã thu hút sự quan tâm chú ý của công chúng mà chưa một loại máy bay nào trước đó có được.

Dưới đây là 9 sự thật thú vị về chiếc máy bay chiến đấu huyền thoại này của Mỹ:

1. Ý tưởng ra đời từ chiến tranh Việt Nam

Mặc dù ý tưởng về một loại máy bay không thể bị phát hiện đã xuất hiện từ chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất nhưng F-117 mới chỉ được đưa ra khi Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Từ năm 1964 đến 1972, gần 2.500 máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ đã bị tên lửa phòng không, pháo binh và tiêm kích đánh chặn của Việt Nam bắn hạ. Các nhà hoạch định chiến lược Mỹ lo sợ, nếu cứ tiếp tục phải đối đầu với Liên Xô ở Đông Âu, Mỹ sẽ phải gánh chịu những hậu quả tương tự, thậm chí còn tồi tệ hơn trước các hệ thống phòng không của khối Warsaw.

Vì vậy, đến năm 1975 Lầu Năm Góc đã khởi động một chương trình tuyệt mật phát triển một máy bay gần như không thể bị radar phát hiện. Dự án này mang mật danh "Have Blue".

Đến cuối năm 1977, "Skunk Works" - nhóm nghiên cứu các dự án phát triển tiên tiến của Lockheed Martin đã chuyển giao 2 mẫu tiêm tàng hình trị giá 35 triệu USD mỗi chiếc cho quân đội Mỹ.

Mặc dù cả hai sau đó đều đã bị phá hủy trong các vụ tai nạn nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn rất hào hứng với các phiên bản thử nghiệm ban đầu. Họ đã quyết định đặt hàng một phi đội máy bay tàng hình. Sau này, 64 chiếc được biết tới với tên gọi F-117 đã được chuyển giao.

Chiếc đầu tiên cất cánh ngày 18/6/1981. Đến cuối năm 1983, Nighthawk được biên chế cho Đội tác chiến chiến thuật Số 4450 của Căn cứ không quân Nellis ở Nevada. Điều đáng ngạc nhiên là, phải nhiều năm sau đó công chúng mới biết tới sự tồn tại của loại máy bay trị giá hàng triệu USD này.

F-117: Sinh ra từ chiến tranh Việt Nam, sã cánh ở Serbia và đã yên nghỉ tại bảo tàng! - Ảnh 1.

Một trong hai mẫu máy bay tàng hình của “Have Blue”. Đây là những nguyên mẫu của thập niên 1970 khơi gợi cảm hứng cho sự ra đời của F-117 Nighthawk.

2. Hố đen trên bầu trời

Một loạt các thiết kế đặc trưng đã được ứng dụng để giúp F-117 gần như không thể bị phát hiện. Hình dáng góc cạnh độc đáo của nó được chế tạo để phát tán tới 99% sóng radar từ nguồn phát trong khi cánh và các tấm ghép trên thân được sơn bằng chất liệu đặc biệt hấp thụ sóng radar càng làm tăng thêm khả năng tàng hình của nó.

Với chiều dài 65 feet (20 m), nặng 29.000 pound (13.000 kg), Nighthawk có tiết diện phản xạ radar (RCS) 0,003 m2, tức chỉ bằng kích cỡ một quả bóng golf. Hãy làm phép so sánh, RCS của chiếc F-15 Eagle với kích cỡ tương tự là hơn 25 m2.

Ngoài ra, vòi xả thiết kế theo chiều ngang đặc biệt đã giúp giảm lượng nhiệt phát ra từ động cơ của Nighthawk. Với vận tốc chỉ khoảng 993 km/h, tức Mach 0,92 (chưa vượt quá vận tốc âm thanh) khiến cho việc phát hiện nó bằng các phương tiện đo độ vang âm thanh là rất khó. Không trang bị bất cứ loại radar nào trên khoang, F-117 có tiếng ồn điện tử gần như bằng không.

3. Quá khó bay

Tuy nhiên, chính những thiết kế phục vụ tối đa mục đích tàng hình mà F-117 đã phải trả giá với độ không ổn định về khí động lực. Trên thực tế, nhiều phi công phản ánh lại rằng, Nighthawk là phương tiện quá khó điều khiển.

F-117: Sinh ra từ chiến tranh Việt Nam, sã cánh ở Serbia và đã yên nghỉ tại bảo tàng! - Ảnh 2.

Hoạt động đầu tiên của F-117 năm 1983

4. Bí ẩn đằng sau cái tên

Mặc dù được gọi là F-117 ("F" viết tắt của từ "fighter" - tiêm kích) nhưng trên thực tế đây lại là loại máy bay ném bom chính xác. "F" chỉ định cho máy bay chiến đấu (B là máy bay ném bom), nhưng F-117 hoàn toàn là một chiếc máy bay ném bom tấn công mặt đất, không có bất kỳ khả năng nào để tham gia đánh chặn như các loại máy bay tiêm kích dòng "F" của Mỹ.

Nighthawk hoàn toàn không có khả năng chiến đấu không đối không, không có pháo vào cũng không mang theo bất cứ loại tên lửa không đối không nào.

Vậy tại sao nó lại được đặt tên theo kiểu "lừa tình" như vậy? Theo một số thông tin, F-117 được gọi là "tiêm kích tàng hình" (Stealth Fighter) nhằm thu hút sự tham gia của các phi công Mỹ tinh nhuệ nhất và gần như tất cả đều đã bị "hút hồn" bởi F-117.

Tuy nhiên, vẫn còn có một cách giải thích khác hợp lý hơn là tên gọi đó dùng để che giấu tính năng thực sự của F-117 trước các "thợ săn" Liên Xô.

5. Bao bọc trong vòng bí ẩn suốt nhiều năm

Trong suốt thập niên 1980, công chúng Mỹ đồn đoán không quân nước này đang che giấu một loại máy bay tuyệt mật nào đó. Một số người đoán già đoán non rằng chiếc "tiêm kích tàng hình" phải được gọi là F-19 bởi trước đó Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa vào sử dụng cả F/A-18 Hornet và F-20 Tigershark.

Trên thực tế, chiếc F-19 tưởng tượng kia đã xuất hiện trong các bộ phim Hollywood và đặc biệt nổi bật trong cuốn tiểu thuyết bán chạy thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1986) của nhà văn Tom Clancy mang tên "Red Storm Rising".

F-117: Sinh ra từ chiến tranh Việt Nam, sã cánh ở Serbia và đã yên nghỉ tại bảo tàng! - Ảnh 3.

Một chiếc F-117 và các máy bay F-15 Eagle trong chiến dịch Tự do cho Iraq

6. "Hàng hot" trên các mặt báo

Cuối cùng, ngày 10/11/1988, công chúng cũng được mục sở thị F-117 khi Lầu Năm Góc tiết lộ trong một buổi họp báo cùng với việc trưng bày các bức ảnh của máy bay và một số chi tiết cơ bản được tiết lộ.

Tháng 4/1990, 4 tháng sau khi chiếc máy bay tàng hình tham chiến lần đầu tiên trong chiến dịch "Operation Just Cause" tại Panama, Không quân Mỹ đã cho bay trình diễn lần đầu tiên chiếc Nighthawk tại căn cứ không quân Nellis.

Hàng nghìn khách thăm quan đã có cơ hội tận mắt nhìn thấy Nighthawk bay lượn trên không. 9 tháng sau đó, toàn thế giới lại chứng kiến F-117 tham chiến trên bầu trời Iraq. Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, F-117 thực hiện tổng cộng 6.900 giờ bay, 1.300 chuyến xuất kích, phá hủy 1.600 mục tiêu.

Hơn 1 thập kỷ sau vụ tham chiến đầu tiên, F-117 vẫn đại diện cho công nghệ chế tạo máy bay tân tiến nhất của Mỹ. Nó tiếp tục phục vụ các chiến dịch tại Balkans, Afghanistan và thêm một lần nữa ở Iraq năm 2003.

7. Nhiều biến thể được đề xuất

Không lâu sau khi được đưa vào biên chế, Lockheed đã lại đệ trình lên Lầu Năm Góc phiên bản cất cánh trên tàu sân bay của F-117 nhưng các quan chức Hải quân Mỹ lại ưu chuộng các máy bay chiến đấu đa nhiệm như F/A-18 hơn nên đã từ chối.

Đầu những năm 1990, ý tưởng về chiếc F-117N "Seahawk" lại được khôi phục khi Lockheed Martin đề xuất một loại cải tiến cho các chiến dịch trên tàu sân bay như khả năng mang theo nhiều vũ khí hơn, gồm cả tên lửa không đối đất và thậm chí không đối không nhưng cuối cùng nó cũng không được chấp nhận.

Năm 2003, Không quân Mỹ thử nghiệm phiên bản bay ban ngày của Nighthawk - F-117 "Rồng Xám" (Gray Dragon) nhằm mục đích trốn tránh radar đối phương trong các sứ mệnh ban ngày thay vì chế độ sơn màu đen đặc trưng. Tuy nhiên, chỉ duy nhất một nguyên mẫu được thử nghiệm.

F-117: Sinh ra từ chiến tranh Việt Nam, sã cánh ở Serbia và đã yên nghỉ tại bảo tàng! - Ảnh 4.

Một chiếc F-117 thả bom điều khiển GBU-28

8.Gẫy cánh ở Nam Tư

Chiếc F-117 duy nhất bị bắn rơi trong chiến đấu là vào ngày 27/3/1999 khi nó bị bắn hạ trên bầu trời Serbia trong chiến dịch tấn công Kosovo của NATO. Khi đó nó đã bị radar Quân đội Serbia phát hiện khi mở khoang thả bom.

Phi công nhảy dù an toàn và được cứu thoát nhưng những mảnh vỡ của F-117 được cho là đã trở thành kho báu vô giá về bí mật công nghệ cho tình báo Nga.

9. Yên nghỉ tại bảo tàng

Theo kế hoạch ban đầu thì F-117 sẽ bị loại biên vào năm 2011 nhưng quyết định lại được Lầu Năm Góc đẩy lên sớm hơn vào năm 2008. Sau hơn 2 thập kỷ phục vụ, phi đội F-117 đã tiêu tốn của Không quân Mỹ hơn 1 tỷ USD mỗi năm cho công việc bảo trì.

Hiện nay, nhiều chiếc F-117 được trao tặng cho các bảo tàng không quân trên khắp nước Mỹ như tại Dayton, Ohio, Holloman, Nellis và Edwards.

F-117A Nighthawk: Thời "oanh liệt" nay còn đâu?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại