Sức mạnh Không quân Trung Quốc tăng vọt với Su-35
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 Flanker-E đã được đưa vào phục vụ Không quân Trung Quốc (PLAAF). Mẫu máy bay thế hệ 4 tiên tiến của Nga sẽ là sự tăng cường đáng kể cho PLAAF và có thể được Bắc Kinh sử dụng để tác động tới tình hình ở Biển Đông.
"Su-35 là máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng tác chiến đường không và tấn công chính xác các mục tiêu trên bộ/trên mặt nước" - Đại tá Wu Qian, Tổng Giám đốc Văn phòng Thông tin trực thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/4 năm nay.
"Hiện tại, các đơn vị không quân của PLAAF đã được trang bị máy bay chiến đấu Su-35" - ông Wu cho hay.
Máy bay chiến đấu Su-35. Ảnh: People's Daily
Do đã được đưa vào hoạt động, Su-35 sẽ tăng cường đáng kể cho lực lượng của Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận gần Đài Loan - nơi Bắc Kinh coi là "một tỉnh ly khai".
"Gần đây, PLAAF đã triển khai nhiều loại máy bay quân sự tiến hành các cuộc tập trận huấn luyện tác chiến thực ở không phận trên biển để nâng cao hơn nữa khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc.
Tất nhiên, vùng đảo mà các máy bay quân sự PLA đang tuần tra xung quanh chính là đảo Đài Loan của Trung Quốc" - ông Wu nói, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ hành động nếu Đài Loan tìm cách tuyên bố độc lập chính thức.
Theo tạp chí National Interest (NI), nếu điều này xảy ra, Su-35 sẽ trở thành một nhân tố nổi bật trong bất cứ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm chinh phục Đài Loan.
Ác mộng với Mỹ nếu Su-35 mang tên lửa PL-15
Su-35 Flanker-E được cho là mẫu máy bay chiến đấu mạnh nhất của PLAAF bên cạnh tiêm kích tàng hình J-20 (có vẻ sẽ không được đưa vào sản xuất hàng loạt ngay cả khi khả năng hoạt động của nó đã đạt tới một số cấp độ nhất định).
Đặc biệt, theo NI, nếu Su-35 trang bị các tên lửa không-đối-không tầm xa như PL-15, chúng có thể được sử dụng để tấn công các máy bay tiếp dầu của Mỹ và các máy bay phụ trợ khác rất quan trọng cho việc thực hiện các hoạt động của Không quân Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-3.
"Tên lửa PL-15 có thể được đưa vào hoạt động trong năm 2018, một số quan chức cấp cao của Không quân Mỹ đã xem đây là mối lo ngại lớn" - chuyên gia phân tích quân sự Doug Barrie đề cập trên tờ War on the Rocks, "Nó có thể có tầm bắn tối đa lên tới 200km, trang bị đầu dò tiên tiến sử dụng radar quét điện tử chủ động".
Đồ họa tên lửa PL-15 Trung Quốc. Ảnh: Daily Beast
Năm 2015, Tướng Herbert Carlisle, khi đó là chỉ huy Bộ Tư lệnh tác chiến của Không quân Mỹ, cho biết điều khiến Không quân Mỹ lo lắng không chỉ là tầm bắn của PL-15. Còn một vấn đề khác, đó là: Không quân Trung Quốc có thể phóng bao nhiêu tên lửa PL-15 trong 1 lần?
Nhờ được nâng cấp, tiêm kích J-11 (phiên bản "made in China" của chiến đấu cơ Flanker Nga) có thể mang tới 14 tên lửa, gồm 12 tên lửa cỡ như PL-15 và 2 tên lửa nhỏ hơn.
Trong khi đó, với cấu hình thông thường, tiêm kích F-22 của Mỹ chỉ mang được tối đa 6 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa Sidewinder với tầm bắn ngắn hơn.
Để duy trì ưu thế trước quân đội Trung Quốc và các đối thủ tiềm năng khác, Lầu Năm Góc có kế hoạch trang bị hàng trăm chiến đấu cơ thế hệ mới F-35. Song, với cấu hình tàng hình, F-35 thậm chí còn mang được ít tên lửa hơn cả F-22, với chỉ 2 tên lửa AIM-120.
"PL-15 chỉ là một trong những mối lo ngại", chuyên gia phân tích Peter Goon của Tổ chức tư vấn Air Power Australia nhận định, "điều đáng lo ngại hơn là tiêm kích F-35A chỉ có thể mang 2 tên lửa AIM-120 - đây sẽ là vấn đề khiến Tướng Carlisle 'mất ngủ'".
Theo ông Goon, không khó hình dung kết quả nếu các phi đoàn tiêm kích Mỹ giao chiến với các phi đoàn chiến đấu cơ Trung Quốc, khi chúng có thể mang số lượng tên lửa nhiều hơn gấp 7 lần máy bay Mỹ và mỗi tên lửa này đều ngang ngửa với loại tiên tiến nhất của Mỹ.
Ngoài PL-15, một loại tên lửa nguy hiểm hơn đã được nhìn thấy trên J-16 - một phiên bản Flanker nội địa khác của Trung Quốc, mẫu máy bay này được cho là có một số khả năng ngang ngửa với Su-35. Tuy nhiên, Su-35 vẫn có lợi thế tổng thể hơn hẳn phiên bản nhái của Trung Quốc.
"Một mẫu tên lửa không-đối-không với tầm bắn xa hơn đang được Trung Quốc phát triển", Barrie viết, "Cuối năm 2016, các bức ảnh xuất hiện trên internet cho thấy tiêm kích Thẩm Dương J-16 mang theo 2 tên lửa cỡ lớn.
Cấu hình của tên lửa này cho thấy nó là thiết kế nhằm mang lại khả năng tác chiến không-đối-không tầm rất xa, có thể tới 400km. Nó có thể được sử dụng để tấn công các máy bay tiếp dầu, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm, máy bay do thám và trinh sát tình báo ở khoảng cách rất lớn".
Theo NI, có thể nói, sự xuất hiện của Su-35 sẽ tăng cường đáng kể năng lực tác chiến của Trung Quốc và khiến các lực lượng Mỹ đau đầu hơn trong trường hợp nổ ra xung đột.
Tiêm kích siêu cơ động Su-35S.