Đưa J-20 lên tàu sân bay: Trung Quốc đang tự nhấn chìm tham vọng hải quân xuống đáy biển?

DK |

TQ có kế hoạch xây dựng ít nhất 4 cụm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. Tuy nhiên, việc lựa chọn J-20 cho tàu sân bay có thể sẽ khiến họ mất thêm ít nhất là 20 năm.

Trung Quốc tính đưa J-20 lên các tàu sân bay mới, "khai tử" FC-31?

Cuối tháng 8/2019, tờ Bưu điện Hoa Nam đưa tin Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã quyết định lựa chọn tiêm kích tàng hình J-20 (chứ không phải J-31) là máy bay chủ lực cho các tàu sân bay.

Một nguồn tin quân sự giấu tên tiết lộ rằng Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cơ quan ra quyết định lớn nhất của PLA, hiện ủng hộ việc sản xuất một biến thể của tiêm kích J-20 cho các tàu sân bay mới.

Tập đoàn hàng không vũ trụ Thành Đô là đơn vị phụ trách phát triển biến thể J-20 nói trên, mặc dù về kinh nghiệm với máy bay cất cánh từ tàu sân bay Tập đoàn Thẩm Dương SAC (đơn vị sản xuất J-15 - máy bay trên TSB Liêu Ninh) và J-31 được cho là có nhiều kinh nghiệm hơn.

Đưa J-20 lên tàu sân bay: Trung Quốc đang tự nhấn chìm tham vọng hải quân xuống đáy biển? - Ảnh 1.

Mặc dù cùng được thiết kế từ nguyên mẫu V/STOL (cất hạ cánh thẳng đứng và đường băng ngắn) Yak-141, nhưng J-31 hai động cơ không có khả năng V/STOL như F-35B.

Biến thể J-20 (còn được gọi là Uy Long) cất cánh từ mặt đất lần đầu tiên được đưa vào trang bị trong PLA vào năm 2017.

Việc sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu tàng hình đã bắt đầu vào cuối năm 2018 khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực chống lại việc triển khai F-22 và F-35 của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu việc lựa chọn J-20 được xác thực, nó sẽ đánh dấu sự kết thúc của một cuộc tranh luận kéo dài giữa những người ủng hộ J-20 và J-31 trong việc máy bay nào sẽ tốt hơn trên tàu sân bay.

Người ủng hộ J-20 nói rằng nó tiên tiến và đáng tin cậy hơn, còn những người ủng hộ FC-31 cho biết nó nhẹ và nhanh nhẹn hơn.

Những người Trung Quốc lạc quan thì cho rằng J-31 nhẹ hơn có thể được phát triển thành máy bay chiến đấu trên các tàu đổ bộ trực thăng tương tự như chiếc Type 071 mới được hạ thủy.

Nhưng một nguồn tin quân sự cho biết gần như không thể phát triển cả hai loại máy bay trong vài năm tới vì nguy cơ suy thoái kinh tế của Trung Quốc khi thương chiến với Mỹ tiếp tục leo thang.

Đưa J-20 lên tàu sân bay: Trung Quốc đang tự nhấn chìm tham vọng hải quân xuống đáy biển? - Ảnh 2.

Nếu không có các máy bay V/STOL, tàu đổ bộ Type 071 của Trung Quốc chỉ có thể hỗ trợ cất cánh các trực thăng vũ trang như Z-8 và Z9.

J-20 Trung Quốc đang đi theo "vết xe đổ" của Mỹ với F-22 và tàu sân bay lớp Ford

F-22 là máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới, và đương nhiên là trước khi phát triển V/STOL (máy bay cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng) F-35, người Mỹ đã tính đến chuyện đưa F-22 lên tàu sân bay.

Một biến thể F-22 cánh cụp - cánh xòe được cho là có khả năng hoạt động trên tàu sân bay đã được đề xuất với Hải quân Hoa Kỳ nhằm thay thế cho F-14 Tomcat.

Tuy nhiên chương trình này đã bị hủy bỏ năm 1993 do không cạnh tranh được với F/A-18 E/F Super Hornet. Lý do chủ yếu là do chi phí phát triển và sản xuất quá lớn so với ngân sách phân bổ cho Hải quân Hoa Kỳ.

Đưa J-20 lên tàu sân bay: Trung Quốc đang tự nhấn chìm tham vọng hải quân xuống đáy biển? - Ảnh 4.

Biến thể cất cánh từ tàu sân bay của F-22 "chết từ trong trứng nước".

J-20 được người Trung Quốc tuyên bố là có năng lực tương đương hoặc thậm chí nhỉnh hơn so với F-22, tuy điều này chưa thể kiểm chứng nhưng chúng ta có thể tham khảo một số thông số như sau.

J-20 và F-22 có kích thước tương tự nhau. J-20 dài 20,3 mét và có sải cánh 12,9 mét so với chiều dài 19 m và sải cánh 13,6m của F-22. Được làm bằng vật liệu hợp kim cả hai chiếc có trọng lượng rỗng (không mang vũ khí) khoảng 19 tấn.

Trọng lượng có thể tải được của J-20 lớn hơn một chút (khoảng 32 tấn so với 29 tấn của F-22), tuy nhiên máy bay của Mỹ có thể cất cánh với trọng lượng tối đa 38 tấn (hơn 2 tấn so với J-20).

Nguồn tin từ PLA cho biết các tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc sẽ được trang bị máy phóng điện từ tương tự như các tàu sân bay lớp Ford của Hải quân Hoa Kỳ.

Chúng cho phép các máy bay chiến đấu hạng nặng hơn cất cánh từ tàu sân bay do cung cấp lực đẩy mạnh hơn các hệ thống diesel trên các tàu sân bay kiểu cũ.

Tuy nhiên, hiện tại máy phóng điện từ được thử nghiệm trên tàu sân bay USS Gerarld R. Ford (CVN-78) của Mỹ gặp một số sự cố nghiêm trọng mà chính Hải quân Mỹ đã đánh giá là "ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận hành chiến đấu của CVN-78".

Đưa J-20 lên tàu sân bay: Trung Quốc đang tự nhấn chìm tham vọng hải quân xuống đáy biển? - Ảnh 5.

Sau các thử nghiệm thất bại, USS Gerarld R. Ford được cho là đã phải trở lại nhà máy đóng tàu để thực hiện quá trình tái thiết kế và thử nghiệm các trang bị trong đó có hệ thống phóng điện từ. Ảnh tháng 3/2019.

Trong lúc hệ thống phóng điện từ đầu tiên trên thế giới của Mỹ vẫn đang trong quá trình tái thiết kế để phù hợp với các TSB lớp Ford, thì việc Trung Quốc tự tin rằng họ sẽ có những máy phóng tương tự để hỗ trợ J-20 là điều khó có khả năng xảy ra.

Ngoài ra, yếu tố ngăn cản J-20 cất cánh từ tàu sân bay không chỉ là trọng lượng, mà còn là chiều dài.

Nếu J-20 muốn trở thành một máy bay chiến đấu nòng cốt của tàu sân bay, nó cần phải được tái thiết kế ngắn hơn và bao gồm một hệ thống cánh có thể thu gọn.

Với thiết kế ngắn hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến năng lực tác chiến tổng thế của J-20, đặc biệt là thiết kế khí động học và khoang chứa vũ khí.

Hiện tại J-20 cất cánh từ mặt đất chỉ có thể mang theo 4 tên lửa tầm xa và 2 tên lửa tầm ngắn (so với 8 tên lửa trên F-22 và Su-57) và biến thể cất cánh từ tàu sân bay có thể sẽ hạn chế về số lượng tên lửa mang theo hơn nhiều.

Đưa J-20 lên tàu sân bay: Trung Quốc đang tự nhấn chìm tham vọng hải quân xuống đáy biển? - Ảnh 7.

Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc mở cửa khoang chứa vũ khí cho thấy nó có thể mang theo 6 tên lửa.

Yếu điểm lớn nhất của J-20 và "tương lai u ám" của tàu sân bay Trung Quốc?

Một vấn đề lớn nhất mà J-20 gặp phải là máy bay thế hệ 5 của Trung Quốc vẫn phải dựa hoàn toàn vào động cơ AL-31F của Nga. Động cơ WS-15 được phát triển dành riêng cho J-20 vẫn chưa thể tin cậy và an toàn để thay thế cho động cơ Nga.

Động cơ Saturn AL-31F được phát triển những năm 1970 cho máy bay thế hệ 4 Su-27 cho tới thời điểm hiện tại đã tương đối lỗi thời và được cho là không cung cấp đủ lực đẩy cho các máy bay thế hệ 5 như J-20.

Đưa J-20 lên tàu sân bay: Trung Quốc đang tự nhấn chìm tham vọng hải quân xuống đáy biển? - Ảnh 8.

Động cơ AL-41F1S được trang bị trên Su-35 (và một số biến thể ban đầu của Su-57) được cho là phần công nghệ quan trọng nhất mà Trung Quốc muốn tiếp cận trong thời gian gần đây để hoàn thiện J-20.

Ngay cả khi động cơ WS-15 được đưa vào sử dụng, Trung Quốc vẫn cần thêm nhiều thời gian để hoàn thiện chiếc J-20 thành máy bay chiến đấu tàng hình đúng nghĩa chứ chưa nói tới máy bay chủ lực trên tàu sân bay.

Hải quân Trung Quốc có kế hoạch xây dựng ít nhất 4 cụm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030, 3 trong số đó sẽ phải duy trì khả năng tham chiến tại bất kỳ thời điểm nào.

Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc sẽ cần ít nhất 10 năm để phát triển máy bay chủ lực trên các tàu sân bay thế hệ mới, vì vậy J-15 sẽ vẫn là xương sống của tàu sân bay TQ trong ít nhất một thập kỷ ( nếu không phải là hai).

J-15 được đưa vào trang bị từ năm 2012. Chúng vẫn là những máy bay chiến đấu duy nhất trên tàu sân bay Liêu Ninh và Type 001A .

Máy bay chiến đấu J-15 cất và hạ cánh trên tàu sân bay của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại