Đột nhiên bị đau lưỡi: Chớ coi thường!

Thanh Tùng |

Ai cũng biết lưỡi là một cơ quan trong miệng, đóng vai trò rất quan trọng khi thực hiện các động tác như ăn, nuốt, và nói. Nhưng có nhiều căn bệnh ở lưỡi bạn cần phải cẩn thận.

Triệu chứng đau lưỡi sẽ làm cho bạn có cảm giác rất khó chịu nhưng nó không thường là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng này sẽ tự hết hoặc chỉ cần một vài can thiệp điều trị nhỏ, đơn giản.

Nhưng bên cạnh đó, nó còn là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng mà bạn không thể xem thường! Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về các tình huống hay gặp nhất khiến bạn bị đau lưỡi cũng như các bệnh lý nguy hiểm mà bạn cần phải cảnh giác dè chừng.

Cắn phải lưỡi hoặc chấn thương

Bình thường trong khoang miệng được "thiết kế" để luôn có đủ chỗ cho cả răng và lưỡi cùng hoạt động một cách nhịp nhàng, chính vì vậy trong các hoạt động thường ngày như ăn và nói sẽ rất hiếm khi bạn nào cắn phải lưỡi.

Nhưng trong các trường hợp đặc biệt như va chạm trong thể thao, vấp ngã, tai nạn giao thông, hoặc đơn giản khi bạn ăn quá nhanh thì lại khác. Lúc này hoạt động của răng và lưỡi trong khoang miệng sẽ không được đồng bộ với nhau, vô tình răng sẽ gây ra các tổn thương cho lưỡi nếu bạn cắn phải chúng.

Đột nhiên bị đau lưỡi: Chớ coi thường! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong các tình huống này, bình thường phải mất khoảng vài ngày đến hơn 1 tuần để tình trạng đau lưỡi của bạn tự hồi phục hoàn toàn. Súc miệng bằng nước muối ấm sẽ giúp bạn làm dịu bớt cơn đau và hết nhanh hơn.

Nấm miệng

Candida là một loại nấm sống thường trú ở miệng, cổ họng, và đường tiêu hóa. Bình thường, hệ miễn dịch của cơ thể giúp kiểm soát quá trình sinh sôi nảy nở của chúng.

Nếu có bất kỳ nguyên nhân nào gây rối loạn khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu, nấm Candida sẽ nhân cơ hội này mà tấn công và gây ra bệnh "nhiễm nấm". Hiện tượng này gặp nhiều nhất ở trẻ sơ sinh do miễn dịch chưa đầy đủ và người bị hội chứng suy giảm miễn dịch.

Nếu nấm Candida phát triển quá mức trong miệng sẽ gây ra bệnh nấm miệng. Triệu chứng của bệnh nấm miệng đặc trưng bởi sự xuất hiện của những mảng, đốm màu trắng hoặc vàng, gây ra cảm giác rất đau ở lưỡi và các vị trí khác trong miệng.

Loét miệng

Hầu hết tất cả chúng ta đều đã từng có cảm giác khó chịu, đau đớn khi có một vết loét nằm ở trong miệng, chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu nhưng các vị trí thường gặp nhất là môi, má và dưới lưỡi. Các vết loét có kích thước hình tròn, nhỏ, đáy trắng với bờ đỏ, mỗi khi bạn chạm vào hoặc đặc biệt là khi ăn uống, chúng sẽ gây đau đớn rất khó chịu.

Để tránh bị loét miệng, bạn cần phải đặc biệt lưu ý các nguyên nhân sau. Đó có thể là các thói quen ăn uống như ăn cay, áp lực cuộc sống, hoặc đôi khi là do tình trạng sinh lý thay đổi nội tiết tố (đặc biệt là ở người nữ).

Đột nhiên bị đau lưỡi: Chớ coi thường! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong hầu hết các trường hợp, loét miệng có thể tự lành mà không cần điều trị. Nếu vết loét làm cho bạn cảm thấy đau đớn, khó chịu có thể tự làm dịu bớt bằng cách súc miệng bằng nước muối.

U lưỡi

Một nguyên nhân gây đau lưỡi nữa mà bạn cần phải hết sức chú ý bởi tính chất nguy hiểm của nó. Đó là u lưỡi, khối u có thể xuất hiện dưới dạng một nốt cứng, hay những mảng trắng, đỏ trên lưỡi mà không tự hết sau thời gian dài.

Ngoài đau lưỡi, u lưỡi còn có các biểu hiện khác như tê cứng, đau khi nuốt, và chảy máu lưỡi nhiều mà không rõ nguyên nhân.

Khối u có thể là lành hoặc ác tính. Chính vì vậy nếu bạn phát hiện thấy mình có một khối u ở lưỡi, đó là thời điểm bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Vệ sinh răng miệng tốt giúp bạn phòng tránh được các nguyên nhân thông thường gây đau lưỡi

Giữ vệ sinh răng miệng tốt giúp bạn phát hiện sớm bất kỳ bất thường nào trên lưỡi để có phương pháp can thiệp kịp thời, ngoài ra còn giúp bạn phòng tránh các nguyên nhân thông thường gây đau lưỡi một cách hiệu quả.

Để vệ sinh răng miệng tốt, bạn cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:

• Đánh răng ít nhất là 2 lần 1 ngày với kem đánh răng có chứa fluoride

• Đi khám nha sĩ ít nhất 6 tháng 1 lần trong năm

• Chải lưỡi sẽ giúp bạn có một hơi thở thơm tho, tuy nhiên nếu chải lưỡi quá nhiều và thường xuyên sẽ dẫn tới kích thích.

• Bạn cần tránh xa những nước súc miệng có chứa cồn, đặc biệt nếu lưỡi bạn nhạy cảm hoặc đang bị khô miệng.

Đột nhiên bị đau lưỡi: Chớ coi thường! - Ảnh 3.

Đánh răng ít nhất là 2 lần 1 ngày với kem đánh răng có chứa fluoride

Triệu chứng đơn giản nhưng không nên bỏ qua

Mặc dù đau lưỡi thường sẽ tự hết, thế nhưng bạn không nên bỏ qua nếu triệu chứng này xuất hiện dai dẳng, đặc biệt là khi kèm theo các vấn đề khác như chảy máu hoặc khối u.

Nếu bạn nhận thấy đợt đau lưỡi lần này không giống như những lần khác, bạn nên đến khám bác sĩ hoặc nha sĩ. Viêm lưỡi và đau có thể là một dấu hiệu quan trọng của một bệnh lý nguy hiểm cần phải theo dõi sát và điều trị cụ thể.

*Theo Medicalnewstoday

Xem thêm:

12 dấu hiệu ban đầu của bệnh Trầm Cảm bạn nên biết (Nguồn: YouTube)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại