Giám đốc BV Ung bướu cảnh báo 3 dấu hiệu vùng đầu cổ phải nghĩ ngay đến ung thư lưỡi

Bảo Thy |

TS Hoàng Đình Chân cho biết ung thư lưỡi là bệnh có thể phát hiện và chẩn đoán sớm, tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn ở nước ta còn cao.

Chỉ một vết loét nhỏ bất ngờ bị cắt 1/3 lưỡi vì ung thư

Trường hợp của Nguyễn Văn Trường 32 tuổi trú tại Nam Định bị ung thư lưỡi giai đoạn cuối. Anh từng điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội và cho biết hết sức bất ngờ vì mình mắc phải căn bệnh ung thư lưỡi ở tuổi còn trẻ. Anh Trường làm nghề thợ điện nước ở Hà Nội, chưa lập gia đình.

Cách đây khoảng nửa năm, anh thấy lưỡi mình có vết loét nhỏ. Anh Trường nghĩ viêm miệng nên chủ quan mua thuốc uống và bôi thuốc. Tuy nhiên, vết loét ngày 1 to hơn mà không biết là bị làm sao.

Anh Trường chủ quan chẳng đi khám vì vết loét chỉ gây khó chịu không đau nhiều. Đến khi người có dấu hiệu sốt, đau vùng lưỡi anh Trường đi kiểm tra tại Bệnh viện Bạch Mai. Vừa khám lâm sàng bác sĩ đã chẩn đoán ung thư lưỡi.

Lúc nghe bệnh, anh Trường hoang mang, mặt tái nhợt đi. Anh không tin vào sự thật và kết quả sinh thiết niêm mạc ổ loét ở lưỡi là ung thư lưỡi biểu mô vảy.

Anh Trường bị cắt 1/3 lưỡi và đang điều trị xạ trị tại Bệnh viện K. Từ khi điều trị xạ trị, anh Trường bị tăng tiết nước bọt khiến anh lúc nào cũng mặc cảm tự ti vì nhổ nước bọt mọi nơi mọi lúc. Nhưng trường hợp của anh Trường vẫn may mắn vì bệnh ở giai đoạn 2 chưa phải giai đoạn cuối.

Anh Trường cho biết, kể từ 1 năm trước, lúc nào anh cũng có cảm giác có dằm ở lưỡi như xương cá găm vào nhưng anh đi kiểm tra bác sĩ không thấy xương nên thôi. Nhiều tháng sau chính vị trí có dằm xuất hiện vết loét nhỏ tý như đầu tăm và cứ to dần không đau đớn gì.

Trường hợp của ông Doãn Văn Kỳ trú tại Diễn Châu, Nghệ An kém may mắn hơn khi ông bị phát hiện ung thư lưỡi giai đoạn cuối.

Ông Kỳ bị loét ở viền lưỡi và đi khám tại một bệnh viện địa phương, bác sỹ chẩn đoán có thể bị ung thư khoang miệng và yêu cầu đến bệnh viện ung bướu để khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả, ông Kỳ bị ung thư lưỡi giai đoạn cuối.

Sau đợt điều trị hóa chất, thể trạng của ông Kỳ rất yếu. Vợ ông kể hầu như ông không ăn uống gì, từ cân nặng 60 kg, ông Kỳ chỉ còn 48 kg. Sức khỏe ngày càng hao hụt cộng với tâm lý lo lắng bệnh khiến ông Kỳ mất ngủ liên miên.

Chuyên gia cảnh báo 3 dấu hiệu ung thư lưỡi cần nhớ

Theo TS Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt bệnh ung thư lưỡi không phải là bệnh lạ, nhưng so với các bệnh ung thư khác nó chiếm tỷ lệ ít hơn.

Tuy nhiên, thời gian mấy năm trở lại đây, căn bệnh ung thư lưỡi xảy ra nhiều hơn so với các năm trước. Ung thư lưỡi là ung thư hốc miệng thường gặp nhất có tỷ lệ từ 22 – 39%. Trong đó tỷ lệ này xảy ra nhiều hơn ở nam giới.

Bệnh ung thư lưỡi là u ác tính nguyên phát tại lưỡi, chủ yếu là ung thư biểu mô vảy (chiếm >95%) và là ung thư thường gặp nhất trong các vùng thư vùng khoang miệng (chiếm 30 – 40%).

Giám đốc BV Ung bướu cảnh báo 3 dấu hiệu vùng đầu cổ phải nghĩ ngay đến ung thư lưỡi - Ảnh 1.

TS Hoàng Đình Chân chia sẻ về bệnh ung thư lưỡi

Bác sĩ Chân cho biết ung thư lưỡi thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới với tỉ lệ 3:1, độ tuổi thường mắc phải ung thư lưỡi là 50 – 60. Tại Việt Nam, chưa có xác nhận về số ca bị mắc ung thư lưỡi hiện nay nhưng chỉ biết rằng, số ca bị mắc tăng lên khá nhiều trong một vài năm trở lại đây.

TS Chân cho biết ung thư lưỡi là bệnh có thể phát hiện và chẩn đoán sớm, tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn ở nước ta còn cao.

Ba dấu hiệu lâm sàng ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư lưỡi mà bất cứ ai cũng cần nhớ:

Thứ nhất: Thường người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng đi qua nhanh.

Thứ hai: Lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Sờ thấy tổn thương rắn, chắc, không mềm như bình thường.

Thứ ba: Có hạch dưới cằm, hàm dưới, có thể có hạch cổ cả 2 bên.

Với những trường hợp có dấu hiệu toàn thân sốt do nhiễm trùng, cơ thể suy sụp, sút cân, đau nhiều, đặc biệt khi nói, nhai, nước bọt tiết ra nhiều, chảy máu, hơi thở hôi, có ổ loét ở lưỡi làm lưỡi bị hạn chế vận động, không di động được, vết loét có mủ, máu, bờ nham nhở, chảy máu khi va chạm hoặc có thể thâm nhiễm cứng, có hạch dưới cằm, hàm thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Để chẩn đoán ung thư lưỡi cần phải kết hợp nhiều phương pháp như hỏi kỹ bệnh sử, thăm khám lâm sàng một cách tỉ mỉ, phối hợp với cận lâm sàng, đặc biệt là sinh thiết vùng rìa tổn thương để chẩn đoán mô bệnh học. Ung thư lưỡi được điều trị bằng cách phẫu thuật, hóa trị và xạ trị

TS Chân cho biết, tiên lượng sống của bệnh ung thư lưỡi ở những người có khối u đường kính < 2cm: tỷ lệ sống trên 5 năm là 70 – 80%, những người có khối u đường kính > 2cm và <4 cm: tỷ lệ sống trên 5 năm là 50 – 60%.

Những người có khối u đường kính > 4cm: tỷ lệ sống trên 5 năm là 10 – 30%. Bệnh nhân chưa có di căn hạch thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 59%. Bệnh nhân có di căn một hạch duy nhất cùng bên, đường kính < 3cm, tỷ lệ sống trên 5 năm là 35%.

Khi bệnh đã di căn một hay nhiều hạch với đường kính < 6cm, tỷ lệ sống trên 5 năm là 27%. Những người có hạch di căn, đường kính > 6cm, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ còn 8%.

Ở giai đoạn cuối với bệnh ung thư lưỡi, bệnh nhân có cảm giác thương tâm hơn, bệnh nhân ăn nói không được, miệng có bướu to, người gầy rộc, đau đớn, bác sỹ sẽ phải điều trị bằng morphine giúp cho bệnh nhân giảm đau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại