Đại tá, kỹ sư Bùi Văn Cơ, với tư cách là thợ kỹ thuật trực tiếp phục vụ chiến đấu, rồi trưởng thành trên các cương vị chỉ huy kỹ thuật ở các đơn vị chiến đấu của Quân chủng PK-KQ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng các đồng đội làm công tác kỹ thuật đã trải qua những ngày khốc liệt, hào hùng. Với ông, ký ức về một thời "chia lửa" cùng phi công chiến đấu đến giờ vẫn vẹn nguyên…
Trong hơn 10 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng kỹ thuật Không quân đã phục vụ hàng trăm nghìn chuyến bay chiến đấu và huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật cho phi công bắn rơi 320 máy bay Mỹ các loại, cản phá hàng nghìn đợt tấn công khác của Không quân và Hải quân Mỹ.
Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng một số tài liệu đã sơ bộ đánh giá trong hơn 10 năm bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ chiến đấu, lực lượng Kỹ thuật Không quân nhân dân Việt Nam đã bảo đảm tốt máy bay và vũ khí cho gần 9.000 chuyến bay chiến đấu, 7.500 chuyến bay nhiệm vụ và 277.500 chuyến bay huấn luyện, với gần nửa triệu giờ bay.
Các con số thống kê tuy là rất lớn, nhưng cũng chưa nói hết được những đóng góp vô giá, đôi khi là âm thầm của lực lượng Kỹ thuật Không quân anh hùng.
Các kỹ sư, thợ kỹ thuật máy bay là những người bảo đảm kỹ thuật cho máy bay cất cánh và đánh thắng, nhưng đồng thời, họ là những người gần gũi nhất với các phi công, là người đóng nắp buồng lái, nói những lời cuối cùng động viên phi công trước khi máy bay lăn ra cất cánh, bước vào cuộc chiến sinh tử, lại là người đầu tiên đón các phi công chiến thắng trở về, và cũng là người đầu tiên rớm lệ, dõi nhìn về phương trời xa, chờ mong và tiếc thương đồng đội khi thấy chiếc máy bay và người phi công thân yêu của mình không trở về.
Đại đội trưởng, thợ máy Bùi Văn Cơ cùng tổ máy bay 5013 tiễn Trung úy Hoàng Tam Hùng trong trận không chiến ngày 28-12-1972, tổ trưởng máy bay Nguyễn Mạnh Nỏ, người đã chuẩn bị máy bay và tiễn phi công Vũ Xuân Thiều bước vào cuộc chiến sinh tử buổi tối ngày 28-12-1972, cũng như nhiều thợ máy khác, chắc vẫn nhớ như in hình ảnh cuối cùng của các đồng đội qua lớp kính buồng lái, với ánh mắt kiên nghị thể hiện quyết tâm chiến đấu hi sinh cho Tổ quốc.
Tối ngày 18-12-1972, khi địch dùng B-52 đánh phá vào Hà Nội, lực lượng Kỹ thuật, trực tiếp là tổ máy bay do đồng chí Nguyễn Văn Lân chuẩn bị máy bay, phi công Phạm Tuân đã kịp thời cất cánh.
Sự xuất hiện của MiG-21 bám sát đội hình B-52 khiến đội hình ném bom của Không quân Mỹ rối loạn, tạo điều kiện cho tên lửa, pháo phòng không lập công, bắn rơi máy bay B-52.
Cán bộ Kỹ thuật và Đài chỉ huy hạ cánh sân bay Nội Bài vẫn nhớ rõ, đêm 18-12-1972, sau khi Phạm Tuân hoàn thành nhiệm vụ bay về sân bay Nội Bài hạ cánh, lúc này sân bay đã bị Không quân Mỹ đánh hỏng, sau khi tiếp đất, máy bay của Phạm Tuân đã bị trườn vào hố bom, càng bị gãy, bộ đội Kỹ thuật đã nhanh chóng cứu phi công và đưa máy bay bị hỏng về sửa chữa.
Duyên nợ chẳng thể tách rời. Sau sự kiện 18-12-1972, MiG-21 đi cơ động nhiều hướng, máy bay 5121 do đồng chí Nguyễn Văn Lân làm tổ trưởng tại sân bay Yên Bái đêm 27-12-1972, sau khi hoàn thiện công tác kỹ thuật, phi công Phạm Tuân tiếp thu cất cánh chiến đấu, bắn rơi B-52 trong niềm hân hoan của tổ máy bay và đồng đội.
Trong huấn luyện, chiến đấu ở đơn vị, đội ngũ kỹ thuật Quân chủng luôn nêu cao tinh thần thực hiện tốt phong trào: "Máy bay 4 không" (không hỏng hóc, không vật ngoại lai, không rỉ sét, không bụi bẩn).
Song song với đó, đã rất quan tâm đến việc nghiên cứu, cải tiến khí tài. Một trong những đóng góp rất quan trọng đó là thông qua công tác bảo đảm kỹ thuật máy bay, các kỹ sư và thợ máy của ta đã phát hiện, tổng kết nhiều vấn đề kỹ thuật chưa phù hợp của máy bay MiG-17 và MiG-21, thông báo cho phía nhà máy của bạn Liên Xô để nghiên cứu cải tiến.
Ví dụ rõ nhất là các cải tiến về hệ thống ghế dù của MiG-21. Giai đoạn đầu, Liên Xô viện trợ cho Không quân Việt Nam loại MiG-21 (F-76), ghế ngồi của phi công và nắp buồng lái được liên kết thành buồng kín để tránh sức gió lớn, nhưng trên thực tế, khi không chiến, do máy bay bị thương, va đập, có trường hợp chốt khóa bị biến dạng không tách nắp buồng lái và ghế ra được, phi công hi sinh khi nhảy dù.
Nhà máy đã cải tiến, khi có sự cố, phi công nhảy dù, nắp buồng lái tách ra ngay, nhưng một điểm yếu khác lại bộc lộ, khi dù mở ngay sau khi rời buồng lái, địch có thể xông đến bắn hoặc thổi khí nóng làm cụp dù, gây thương vong cho phi công.
Sau đó, với các ý kiến đóng góp của ngành Kỹ thuật Không quân Việt Nam, các nhà máy sản xuất Liên Xô lại cải tiến một bước để đặt độ cao mở dù dưới 3 km, không cho máy bay Mỹ bám theo bắn dù.
Qua 3 lần cải tiến, các thế hệ máy bay MiG-21 sau đó đã có hệ thống ghế dù an toàn và hiệu quả hơn. Cùng với đó, sau khi có ý kiến đề nghị của cán bộ Kỹ thuật Việt Nam về hệ thống giá treo tên lửa bổ trợ cất cánh K-9, bạn đã nghiên cứu cải tiến hợp lí hơn.
Và còn rất nhiều sáng kiến nữa đã được các nhà khoa học, kỹ sư và thợ kỹ thuật của Không quân nhân dân Việt Nam thực hiện thành công, góp phần nâng cao hiệu quả huấn luyện và chiến đấu trong điều kiện rất khó khăn.
Hiện nay, Không quân Việt Nam bước vào giai đoạn mới, được đầu tư xây dựng, hiện đại hóa. Cùng với đội ngũ phi công trẻ, khỏe, nắm chắc khoa học kỹ thuật là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ kỹ thuật máy bay được đào tạo cơ bản, đủ khả năng bảo đảm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Dù là thời xưa hay thời nay, đội ngũ kỹ thuật vẫn luôn gắn bó với phi công, khăng khít như răng và môi vậy.
(Theo lời kể của Đại tá, kỹ sư Bùi Văn Cơ - Nguyên Phó trung đoàn trưởng Kỹ thuật Trung đoàn 927, Sư đoàn 371)