Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Tổ hợp chế tạo máy bay Đoàn Thanh niên Cộng sản bên sông Amur (Komsomolsk on Amur - KnAAPO) sẽ tập trung vào việc sản xuất tiêm kích đa năng Su-35S để bàn giao cho Không quân Nga, Trung Quốc và có thể là cả Indonesia, dây chuyền lắp ráp dòng chiến đấu cơ này sẽ phải chạy hết công suất mới kịp tiến độ giao hàng.
Trong khi đó, Su-30MK2 (và cả Su-30M2 - phiên bản nội địa dùng trong Không quân lẫn Hải quân Nga) vẫn không có thêm một hợp đồng mới nào, dự định đặt mua thêm 12 máy bay loại này của Không quân Venezuela khả năng rất lớn sẽ bị hủy bỏ, do quốc gia Nam Mỹ đang lâm vào khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng.
Bởi vậy, tấm ảnh mà các lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư, công nhân của KnAAPO chụp cùng 2 chiếc Su-30MK2 số hiệu 8593 và 8594 chuẩn bị bàn giao cho Không quân Nhân dân Việt Nam mang ý nghĩa lời chào chia tay một huyền thoại.
Cán bộ nhân viên Nhà máy KnAAPO chụp ảnh lưu niệm cùng 2 chiếc Su-30MK2 số hiệu 8593 và 8594 của Việt Nam
Khi đã ngừng sản xuất mới, liệu Nga có học tập Mỹ chuyển giao dây chuyền sản xuất tiêm kích F-16 cho các quốc gia đồng minh, để vừa thu hồi vốn đầu tư lại vừa có sẵn nguồn phụ tùng phục vụ cho những máy bay đang hoạt động trong không quân nước họ?
Trong quá khứ, Nga đã có ý định như vậy với nhà máy sản xuất xe tăng T-80 đặt ở Omsk, do số lượng niêm cất bảo quản quá dư thừa so với nhu cầu, Lục quân Nga lại chủ yếu vận hành dòng T-72/90 cho nên duy trì cơ sở này là không cần thiết, vì vậy nó đã phải đóng cửa vào năm 2006.
Sau đó có thông tin cho hay nếu nhận được đơn hàng đủ lớn, Nga sẵn sàng tháo cả dây chuyền mang sang nước đặt mua.
Vậy nếu trường hợp trên lặp lại với Su-30MK2, đây có phải dịp may hiếm gặp để một số quốc gia chớp thời cơ sở hữu món hàng thanh lý chất lượng cao nhằm xây dựng nền công nghiệp hàng không quân sự của mình?
Một chiếc Su-30M2 trên dây chuyền lắp ráp của KnAAPO
Tuy nhiên dễ nhận thấy rằng xe tăng và máy bay là hai loại vũ khí khác nhau, có sự chênh lệch rất lớn cả về giá lẫn số lượng có thể trang bị.
Ngoài Việt Nam, Venezuela cũng đang khai thác dòng tiêm kích đa nhiệm này, phi đội Su-30MK2 của Caracas có quy mô tương đối lớn nhưng có lẽ chỉ dừng lại ở 24 chiếc, họ không có nhu cầu mua quá nhiều hay muốn tự chủ đến mức phải "vác" cả dây chuyền lắp ráp về.
Đáp ứng được yếu tố quy mô chắc chỉ có Trung Quốc hoặc Ấn Độ, nhưng New Delhi lại lựa chọn dòng Su-30MKI trong khi Bắc Kinh đã sản xuất phiên bản "nội địa" J-16 mà nhiều chuyên gia quân sự nhận xét là còn tiên tiến hơn bản gốc nhờ radar mảng pha quét chủ động (AESA).
Với những lý do trên, nếu không được tận dụng để chế tạo một số thành phần cho Su-35S thì dây chuyền lắp ráp Su-30MK2 chẳng còn cách nào khác ngoài việc buộc phải dỡ bỏ để lấy chỗ cho dây chuyền sản xuất tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi T-50 (PAK FA).