Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 10/2023, đã có 2 vụ ngộ độc do ăn thịt cóc. Còn trước đó, tại tỉnh Điện Biên, Tuyên Quang, Gia Lai cũng đã xảy ra các vụ ngộ độc thịt cóc nghiêm trọng, trong đó có những ca tử vong. Không ít người vẫn thắc mắc, tại sao ăn cóc lại bị ngộ độc trong khi thịt cóc không chứa độc tố? Làm thế nào để hạn chế ngộ độc do ăn thịt cóc?
Các trường hợp ngộ độc do ăn cóc phải được cấp cứu kịp thời
PGS.TS Lê Đăng Quang- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam-chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết, loài cóc phổ biến ở nước ta là Bufo melanostictus (Asian common toad), lượng độc tính trong một con cóc có thể giết chết 4-5 người trưởng thành khỏe mạnh. Độc tố có trong cóc được hấp thụ rất nhanh qua đường tiêu hóa, triệu chứng ngộ độc thường xảy ra khoảng 1 giờ sau khi ăn, sớm hơn là từ 15 - 30 phút.
Khi ăn phải chất độc của cóc, sau vài giờ nạn nhân thấy chóng mặt, quay cuồng, đau như châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là nôn mửa dữ dội, kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, nhịp tim đập chậm lại, tuột huyết áp. Phần lớn tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp, suy gan.
Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời tại các cơ sở y tế.
Không ít người cho rằng, thịt cóc không chứa chất độc nên không phải lo sợ. Thế nhưng, trên thực tế, có những trường hợp chỉ ăn thịt cóc mà vẫn bị ngộ độc. PGS Lê Đăng Quang lý giải, "thịt cóc thì không độc tuy nhiên nếu làm không khéo thì độc tố từ nhựa cóc (chứa trong da cóc), trứng cóc, gan cóc có thể dính vào thịt cóc. Ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố từ nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc chắc chắn sẽ bị ngộ độc.
PGS.TS Lê Đăng Quang khuyến cáo, trong quá trình chế biến, vấn đề an toàn thực phẩm cần phải được đặc biệt quan tâm bởi đây là loài có chứa độc tố.
“Chọn những con cóc to, da cóc có màu đen hoặc vàng. Không sử dụng loại cóc tía (cóc có mắt màu đỏ) để ăn vì đây là loài có chứa nhiều độc tố. Chỉ dùng thịt, xương để chế biến thành thực phẩm và sơ chế thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật). Khi làm thịt cóc tránh để nhựa dính vào thịt cóc, tránh làm vỡ trứng cóc hoặc để sót trứng trong thịt, một điều cần ghi nhớ là cần phải rửa thịt cóc thật kỹ với nhiều nước, tốt nhất là dưới vòi nước chảy”- PGS Lê Đăng Quang nói.
Các trường hợp ngộ độc do ăn cóc phải được cấp cứu kịp thời
Người dân thì cho rằng, ăn thịt cóc, đặc biệt tốt cho trẻ vì thịt cóc chứa nhiều chất dinh dưỡng, chống còi xương. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Đăng Quang, nếu cân nhắc giữa lợi và hại, người dân không nên sử dụng thịt cóc.
“Tốt nhất và an toàn nhất là loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Hiện đã có nhiều loại sản phẩm dinh dưỡng chống còi xương và dinh dưỡng phù hợp với trẻ nhỏ được nghiên cứu bài bản từ các phòng thí nghiệm quốc gia, các công ty tập đoàn lớn được phép lưu hành là lựa chọn thay thế tốt cho việc sử dụng thịt cóc”- PGS Quang chia sẻ.
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo, để tránh ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các chế phẩm thịt cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành. Dùng những sản phẩm được chế biến từ thịt cóc có chứng nhận của Bộ Y tế để đảm bảo thịt cóc không có chứa độc tố.
Đầu tháng 10, nam thanh niên 24 tuổi sống tại Quảng Bình sau khi ăn thịt cóc 30 phút đã phải cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu ba Đồng Hới với triệu chứng khó thở, mạch chậm, đau bụng. Tuy được bác sĩ tích cực cấp cứu, nhưng người bệnh đã tử vong do tình trạng ngộ độc thịt cóc quá nặng.
Ngày 12/10, 3 mẹ con sống tại tỉnh Phú Thọ cũng phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì ăn thịt cóc. Nghe hàng xóm mách thịt cóc chữa còi xương, người mẹ mua về chế biến. Sau khi rán lên, 2 người con ăn phần thịt, người mẹ ăn trứng cóc. Khoảng 30 phút sau, cả 3 có dấu hiệu ngộ độc. Rất may, do được cấp cứu kịp thời, 3 mẹ con đã không bị nguy hiểm tính mạng