Sách “Hoàng đế nội kinh - Tố vấn” đề cập “… bậc hiền nhân, họ bắt chước theo lẽ vận hành của trời đất, mô phỏng theo cái tượng của mặt trời mặt trăng, sống theo sự thay đổi của Thiên vận, theo đúng lẽ nghịch tùng của âm dương, phân biệt rõ sự thay đổi của bốn mùa;… được như thế, họ cũng có thể làm tăng tuổi thọ đến chỗ cao nhất…”.
Như vậy, để có một sức khỏe tốt, ngoài việc ăn tốt, tinh thần tốt thì phải chú ý cần có một giấc ngủ tốt vì con người có vận động ban ngày thì sẽ có ngủ nghỉ ban đêm vậy.
Ngủ theo thời
Việc bắt chước theo lẽ vận hành của trời đất được lý giải: một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông; mỗi mùa có những đặc điểm khác nhau nên việc ngủ nghỉ cũng hoàn toàn khác nhau như cổ nhân có câu “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”.
Mùa xuân là mùa sinh sôi vạn vật, nên ngủ muộn dậy sớm (ngủ trung bình 6 - 7 giờ/ngày) để thưởng trọn quá trình sinh sôi và hưởng thụ được sinh khí mùa xuân; thời gian vận động trong ngày nhiều hơn để giải mộc khí mùa xuân. Mùa hạ vạn vật thịnh vượng vẫn nên ngủ muộn dậy sớm (ngủ trung bình 6 - 7 giờ/ngày) vì lúc này phải đợi tiêu hết cái nóng ngày hôm trước và hấp thu trưởng khí ngày hôm sau
Như vậy, mùa xuân - hạ một là sinh khí, một là trưởng khí đều tuân theo sự tăng trưởng của thời khí, thuộc tính chất của dương, vì vậy phải biết đạo dưỡng dương. Ngủ muộn hơn để tiêu bớt cái khí dương còn sót trong ngày, dậy sớm để hưởng thụ được dương khí mới sinh ra.
Mùa thu vạn vật thu liễm, thực vật cũng bước sang nửa quá trình của mình, không khí tĩnh lặng và sạch sẽ nhất, con người nên ngủ sớm dậy sớm (ngủ trung bình 7 - 8 giờ/ngày) để bảo tồn sinh khí cơ thể và hưởng được không khí trong lành; đến mùa đông, mọi thứ được giấu kín, người người nên ngủ sớm dậy muộn (ngủ trung bình 8 - 9 giờ/ngày) để không làm phiền dương khí trong cơ thể, vì dương khí mùa này âm ỉ hình thành, phải nhẹ nhàn mới dưỡng được quý khí.
Như vậy, mùa thu - đông một là thu khí, một là tàng khí đều tuân theo sự tích lũy của thời khí, thuộc tính chất của âm, nên cần biết đạo dưỡng âm. Ngủ sớm để bảo tồn dương khí ít ỏi, nuôi dưỡng vật chất cơ thể, tăng thời gian nghỉ ngơi là một phần của đạo dưỡng âm.
Giấc ngủ rất quan trọng trong suốt cuộc đời con người giúp loại bỏ mệt mỏi, hồi phục thể lực, tái tạo chức năng hoạt động thần kinh, tăng cường miễn dịch, tăng trưởng và phát triển cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa, làm da trẻ đẹp,… nhìn chung giấc ngủ là cần thiết để phục hồi sức khỏe con người.
Nên chuẩn bị trạng thái tốt nhất trước khi ngủ để có giấc ngủ ngon và đạt yêu cầu, quan trọng nhất là tạo thói quen đi ngủ đúng giờ giúp cơ thể tạo thành một phản xạ có điều kiện dễ vào giấc ngủ để có sức khỏe tốt hơn.
Mỗi mùa có một đặc trưng, người xưa quan sát những hiện tượng thiên nhiên quanh mình mà đúc kết thành kinh nghiệm dưỡng sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sự thay đổi âm và dương trong bốn mùa là gốc rễ của quá trình phát triển sinh trưởng thu tàng của tự nhiên, thích ứng với quy luật tự nhiên cũng là thích ứng với quy luật của sức khỏe sinh trưởng - phát triển - thu nhập - bảo tồn.
Giờ nào đi ngủ?
Quy luật tự nhiên đòi hỏi con người cần sự tinh tế để cảm nhận và thực hiện phù hợp với sự thay đổi sinh học của âm dương, y học cổ truyền quan niệm cơ thể trong trạng thái ngủ lúc 23 -1 giờ và 11 - 13 giờ. Bởi vì vào thời gian giữa trưa, âm và dương được chuyển giao (từ cực dương chuyển sang âm), âm dương và máu trong cơ thể là cực kỳ không cân bằng.
Vào lúc này, cơ thể cần tĩnh lặng có thể ngăn ngừa những thiệt hại do khí huyết biến động gây ra. Do đó, tốt nhất là đi ngủ trước 23 giờ. Nghỉ ngơi khoảng 30 phút vào buổi trưa sẽ giúp nâng cao hiệu quả làm việc.
Giá trị giấc ngủ ban đêm
Tại thời gian (23h00 - 1h00): đởm (túi mật) trong quá trình thịnh vượng nhất. Chúng ta phải nằm trên giường ngủ.
Y học cổ truyền cho rằng: “Can chi dư khí, hối vu đởm, tụ nhi thành tinh. Đởm vi trung chánh chi quan, ngũ tạng lục phủ thủ quyết vu đởm”, nghĩa là can khi thừa khí sẽ được chuyển về đởm, tích tụ thành tinh túy, lục phủ ngũ tạng phụ thuộc vào đởm (túi mật). Điều này cho thấy tầm quan trọng của túi mật.
Túi mật rất cần sự trao đổi chất. Mọi người đi ngủ trước thời gian này để túi mật có thể hoàn thành quá trình trao đổi chất hoàn hảo nhất. “Đởm hữu đa thanh, não hữu đa thanh”.
Nên ngủ thiếp đi 1 - 2 giờ trước thời gian này, não bộ sẽ được “làm mới” tốt và tăng hiệu suất làm việc cho ngày hôm sau. Ngược lại, thường ngủ sau 12 giờ đêm, túi mật không thể trao đổi chất bình thường và gây ứ đọng.
Thời gian (1h00 - 3h00): tại thời điểm này can là thịnh vượng nhất. Chúng ta phải ở trong trạng thái ngủ sâu.
“Can tàng huyết”, suy nghĩ và hành động của con người chủ yếu dựa vào can tàng huyết để duy trì, huyết dịch cũ cần được loại bỏ, huyết dịch mới cần được tái tạo; sự trao đổi chất này được can thực hiện vào thời gian này.
Y học cổ truyền cho rằng: “nhân ngọa tắc huyết quy vu can” nghĩa là người nằm xuống thì máu sẽ chảy về gan.
Nếu không đi ngủ, can vẫn còn phải sinh năng lượng để hỗ trợ hành động và suy nghĩ của con người, nên không thể hoàn thành quá trình chuyển hóa, do đó, không ngủ trước thời gian này, mắt sẽ thâm quầng (can khai khiếu ra mắt), tình chí mệt mỏi, nóng nảy và thiếu kiên nhẫn.
Thời gian (3h00 - 5h00): tại thời điểm này phế (phổi) phồn thịnh nhất. Đây là thời điểm tốt để nâng cao hiệu suất “làm mới” của phổi.
Phế hoạt “tăng” công suất đẩy doanh khí cùng máu đi khắp cơ thể, đẩy trọc khí từ phế ra, hấp thụ thanh khí vào. “Phế triều bách mạch”, khi máu được tái tạo, can đẩy máu tươi lên phế và thông qua phế cung cấp cho toàn thân. Cho nên, vào buổi sáng, sắc mặt hồng nhuận và tràn đầy sức sống.
Thời gian (5h00 - 7h00): tại thời điểm này thịnh vượng nhất của đại trường (ruột già). Vào thời điểm này, dậy sớm để đi vệ sinh dễ dàng hơn.