Mặc dù có xuất phát điểm sau Mỹ, nhưng bằng các hoạt động tình báo thành công và cả may mắn, Liên Xô đã nhanh chóng bắt kịp và cạnh tranh với phương Tây về loại vũ khí lợi hại được sử dụng trong không chiến nhiều thập kỷ sau đó...
Sự "tiến hóa" của không chiến
Kể từ khi bắt đầu được sử dụng trong chiến tranh, giới chức quân sự các cường quốc đã nhanh chóng nghĩ tới việc đối phó với máy bay bằng... máy bay có vũ trang, đánh dấu sự ra đời của khái niệm "tiêm kích". Phi công vận động tìm cách đặt máy bay tiêm kích của mình tương đối thẳng hàng với mục tiêu, dùng súng bắn hạ địch.
Kể cả sau khi máy bay tiêm kích phản lực ra đời và súng máy được thay thế bằng pháo tự động lắp trên máy bay, việc tham gia không chiến bằng súng, pháo vẫn có hạn chế do khoảng cách giao chiến chỉ dưới 1km, phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của phi công.
Vận tốc của các máy bay tiêm kích cũng ngày càng cao khiến giảm khả năng tác chiến của súng pháo. Do đó, việc nghiên cứu vũ khí để tăng khả năng bắn trúng, loại mục tiêu khỏi vòng chiến đấu nhanh gọn được đặc biệt chú trọng.
Một lựa chọn là rocket không điều khiển. Mặc dù có độ sát thương cao hơn súng, pháo nhưng do tốc độ bay chậm, độ chính xác kém, chúng chỉ phù hợp để tấn công các máy bay to, nặng và chậm chạp.
1943, các nhà khoa học Đức đã cho ra đời rocket có điều khiển X-4, chính là tên lửa không đối không đầu tiên trên thế giới. X-4 cho thấy tiềm năng to lớn của tên lửa có tầm tấn công xa hơn súng, khả năng "đeo bám" và tiêu diệt kể cả khi máy bay đối phương vận động tránh né.
Việc nghiên cứu tên lửa không đối không được đẩy mạnh ở cả Liên Xô và Mỹ, trở thành phương thức chiến đấu chủ yếu của máy bay tiêm kích trong không chiến cho đến ngày nay.
Cuộc chạy đua tên lửa thông minh
Tên lửa K-5 (NATO định danh là AA-1 "Alkali") được không quân Liên Xô trang bị từ năm 1957. Cũng giống tên lửa X-4, K-5 chỉ phù hợp để tấn công máy bay ném bom hạng nặng do phải phụ thuộc vào phi công dẫn đường cho tên lửa. Trong khi đó, tại Mỹ, sự phát triển của công nghệ dò tìm hồng ngoại dẫn đến sự ra đời của tên lửa AIM-9 "Sidewinder" vào năm 1952.
Được đặt tên theo một loại rắn độc đi săn bằng cách cảm nhận nhiệt độ cơ thể con mồi, tên lửa AIM-9 sử dụng đầu dò có thể "nhìn" thấy tín hiệu hồng ngoại phát ra từ luồng phản lực của động cơ máy bay đối phương và tự động điều khiển để lao vào nguồn phát đó.
Khả năng này khiến phi công không phải vận động máy bay bám theo mục tiêu, tên lửa có tầm bắn hiệu quả xa hơn nhiều pháo tự động, giúp tăng tính hiệu quả của máy bay tiêm kích trong không chiến lên nhiều lần.
Trong một khoảng thời gian ngắn thời kỳ thập niên 50, Liên Xô bị tụt hậu so với Mỹ về công nghệ tên lửa không đối không. Tuy nhiên, khoảng cách đó đã bị rút ngắn vào tháng 9-1958.
Vận may "có một không hai"
Trong sự kiện khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1958, diễn ra một số trận không chiến giữa không quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (khi đó là đồng minh của Liên Xô) và không quân chính phủ Đài Loan (Trung Quốc) được Mỹ hậu thuẫn.
Phía Mỹ đã bí mật cải tiến các máy bay F-86 "Sabre" viện trợ cho Đài Loan, bổ sung thêm khả năng mang tên lửa AIM-9, gây bất ngờ cho các máy bay MiG-17 của không quân Trung Quốc. Trước đó, không quân Trung Quốc chiếm ưu thế tuyệt đối trên bầu trời eo biển Đài Loan nhờ MiG-17 có khả năng vận động tốt và trần bay cao hơn F-86.
Tên lửa AIM-9 nâng cấp bị đánh cắp, Liên Xô đưa vào trang bị tên lửa K-13M cải tiến, có kíp nổ mới, tính năng vận động tốt hơn nhiều so với phiên bản trước đó. Ảnh: Bảo tàng Smithsonian
Sau khi chịu một số tổn thất bởi AIM-9, ngày 24-9-1958, trong một trận không chiến, một chiếc MiG-17 của không quân Trung Quốc bị trúng một quả tên lửa AIM-9. Rất may, quả tên lửa đã không phát nổ và... mắc lại trong thân chiếc máy bay.
Sau khi phi công hạ cánh an toàn, các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô nhanh chóng tháo rời tên lửa để nghiên cứu và nhận thấy rằng AIM-9 tiên tiến hơn nhiều so với tên lửa K-5 trong trang bị của không quân Liên Xô khi đó.
Chỉ hai năm sau, tên lửa K-13 (NATO định danh AA-2 "Atoll") ra đời, có kích thước và nguyên lý hoạt động tương tự với một số cải tiến về đầu dò hồng ngoại so với thiết kế tên lửa AIM-9 mắc lại trong thân chiếc máy bay MiG-17 năm 1958. Công nghệ dò hồng ngoại sau đó cũng được dùng để nâng cấp cho các tên lửa K-5.
"Người Viking" của tình báo Liên Xô
Một số nguồn tin cho rằng, việc phát triển tên lửa K-13 của Liên Xô có sự giúp sức của Đại tá Stig Wennerstrom trong lực lượng không quân Thụy Điển, người đã có 15 năm cung cấp thông tin cho Cục Tình báo quân đội Liên Xô (GRU).
Theo lời kể của cựu tướng tình báo GRU Vitaly Nikolsky, Wennerstrom trong thời gian hoạt động mang mật danh "Đại Bàng" nhưng Nikolsky gọi là "Người Viking" do gốc gác Bắc Âu của điệp viên này.
Ở thời điểm bắt đầu liên lạc với tình báo Liên Xô, Wennerstrom là Trưởng bộ phận không quân trong Bộ Quốc phòng Thụy Điển. Ông biết 5 ngoại ngữ trong đó có tiếng Nga, chơi nhiều môn thể thao, quen biết rộng trong giới chức quân sự và quan trọng hơn cả là có quyền tiếp cận với vô số các tài liệu mật của phương Tây.
Năm 1948, "Người Viking" được giao nhiệm vụ tháp tùng tùy viên quân sự Liên Xô Ivan Rybalchenko trong một chuyến đi vòng quanh Thụy Điển.
Theo lời kể của Wennerstrom, chuyến đi đã khiến ông trở thành bạn bè với Rybalchenko, từ đó ông đồng ý cung cấp thông tin về tình hình chiến lược và tiềm lực quân sự của Mỹ và các nước trong khu vực Bắc Âu cho phía Liên Xô.
GRU ấn tượng với những thông tin được Wennerstrom cung cấp đến mức đã phong cho "Người Viking" quân hàm cấp tướng tình báo quân đội Liên Xô.
Trong số hàng nghìn văn bản, tài liệu mà "Người Viking" đã chuyển cho GRU cho đến khi bị lộ vào năm 1963, có những bản vẽ chi tiết về đặc điểm kỹ thuật các hệ thống tên lửa đất-đối-không và không-đối-không của phương Tây trang bị trong quân đội Thụy Điển, bao gồm cả tên lửa AIM-9 "Sidewinder".
Cho đến nay, Stig Wennerstrom được biết đến là điệp viên Thụy Điển nổi tiếng nhất trong Chiến tranh Lạnh .
Điệp vụ "không tưởng": Gửi tên lửa qua đường bưu điện!
Trong hoạt động điệp báo, hiển nhiên nguồn thông tin quý giá nhất là những vũ khí, trang bị được lấy trực tiếp từ các mẫu vật "bằng xương bằng thịt" của đối phương. Tình báo Liên Xô đã làm được điều phi thường này theo cái cách không ai ngờ nhất.
Ở thời điểm đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh trong thập niên 60 của thế kỷ trước, nước Đức là vùng đệm phân chia hai khối NATO và Warsaw, nơi tập trung rất nhiều loại vũ khí quân sự tối tân do Mỹ trang bị để đề phòng chiến tranh tổng lực với khối các nước XHCN.
Trong số những trang bị này, các máy bay tiêm kích có gài sẵn tên lửa không-đối-không như AIM-9 và K-13 luôn được đặt trong tình trạng trực chiến sẵn sàng chiến đấu cao độ.
Khi biết rằng loại tên lửa không-đối-không AIM-9 của Mỹ được nâng cấp mới được triển khai ở Tây Đức, cơ quan tình báo Liên Xô KGB đã quyết định tổ chức đánh cắp một mẫu loại tên lửa mới nhất này của Mỹ để phục vụ công tác nghiên cứu vũ khí cho không quân Liên Xô.
Vào buổi tối nhiều mây ngày 22-10-1967, một chiếc xe Mercedes 4 chỗ ngồi đỗ lại bên ngoài một căn cứ quân sự của NATO ở Tây Đức. Từ trên xe, kiến trúc sư kiêm điệp viên KGB Manfred Ramminger cùng tài xế người gốc Ba Lan Josef Linowski bước xuống.
Căn cứ đó là sân bay quân sự Neuburg thuộc Tây Đức, nơi đồn trú các máy bay F104 "Starfighter" cùng nhiều kho tên lửa không-đối-không hiện đại nhất do Mỹ sản xuất, có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời phía Nam Tây Đức.
Bên trong căn cứ, Thượng sĩ Wolf-Diethard Knoppe, một phi công của không quân Tây Đức đã chờ sẵn. Với cái giá 20.000 mark Đức (khoảng 110.000 Euro ngày nay), Knoppe đồng ý giúp Ramminger đánh cắp một trong những loại vũ khí quan trọng nhất trong cuộc chiến tiềm tàng trên không với Liên Xô.
"Tiếng chó sủa vọng lại sau căn cứ. Thỉnh thoảng những chiếc Jeep chở lính rảo quanh để tuần tra" - Knoppe nhớ lại. Lợi dụng sương mù và sự bất cẩn của lính gác, hai điệp viên KGB cắt một đoạn hàng rào thép gai bao quanh căn cứ để tạo một lối vào.
Sau khi bàn bạc, Linowski tiếp cận nơi hẹn với Knoppe còn Ramminger chờ ở ngoài xe. Khi đã lọt vào bên trong căn cứ, Linowski gặp Knoppe và hai người lẻn vào một nhà kho chứa vũ khí cho máy bay, mở khóa và lấy đi một quả tên lửa AIM-9 phiên bản nâng cấp tiên tiến nhất khi đó.
"Chúng tôi khiêng nó (quả tên lửa) đi bằng cách nhấc đầu và đuôi, đặt lên một chiếc xe cút kít rồi đẩy nó ra bên ngoài hàng rào chỗ Ramminger chờ" - Knoppe thuật lại.
Lý do vì sao quả tên lửa nặng 85kg đặt trên xe cút kít, được đẩy đi dọc theo đường băng một căn cứ quân sự của NATO, đưa lên chiếc xe dân sự 4 chỗ chờ sẵn ngoài hàng rào mà không bị phát hiện cho đến nay vẫn còn là ẩn số.
Báo Rheinische Post bình luận rằng dù khi đó đang gần đến đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, chiếc
Mercedes của Ramminger hiển nhiên là không được trang bị tên lửa không-đối-không AIM-9 "Sidewinder"! Quả tên lửa dài tới 3 mét, do đó không thể giấu được hoàn toàn trong cốp hoặc băng ghế sau của xe.
Để vận chuyển, Ramminger đã đập vỡ cửa kính sau và nhét phần đầu quả tên lửa vào trong xe. Linowski chui vào xe, kéo phần đầu tên lửa gác lên giữa hai ghế trước. Để giấu đi phần thân và đuôi tên lửa lộ ra khỏi khung cửa kính vỡ, Ramminger cuốn vải đỏ quanh phần lộ ra ngoài xe, theo quy định của luật pháp Tây Đức khi đó, nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát.
Ramminger sau đó đem tên lửa về cất giấu tại nhà riêng ở thành phố Krefeld, gần biên giới với Hà Lan. Báo Chicago Tribune ngày 12-1-1976 ngạc nhiên nhận xét rằng: "Họ đã lái xe hơi chở nó (tên lửa) đi hết nửa chiều dài lãnh thổ Tây Đức!".
Đánh cắp được tên lửa đã khó rồi, nhưng làm thế nào để chuyển được nó về tổng hành dinh KGB ở Moscow còn khó hơn gấp bội. Dĩ nhiên là các cửa khẩu của Tây Đức khi ấy đều bị kiểm soát chặt chẽ, mọi hàng hóa có tính nhạy cảm đều bị kiểm tra kỹ lưỡng.
Ramminger cùng cộng sự đã nghĩ ra một phương thức vận chuyển khiến các cơ quan đặc vụ cũng như kiểm soát cửa khẩu của Tây Đức không thể nào nghĩ tới! Họ tháo rời tên lửa thành từng chi tiết để tiện cất giấu, tránh gây chú ý, sau đó, đóng gói các bộ phận tên lửa vào một chiếc thùng rồi mang đến trạm bưu điện gần nhất.
Tại đây, Ramminger sử dụng dịch vụ gửi hàng bằng đường hàng không đến... Moscow! Để tránh con mắt dò xét của nhân viên hải quan, ông khai báo rằng trong bưu kiện chứa "kim loại xuất khẩu chất lượng thấp". Người điệp viên KGB phải trả 79,25 đô-la Mỹ phí vận chuyển theo thời giá lúc đó. Không một ai kiểm tra có gì bên trong kiện hàng hoặc chú ý đến địa chỉ nhận nó.
Bưu kiện đặc biệt này được vận chuyển từ Frankfurt (Tây Đức) đến Paris (Pháp), rồi sau đó lạc đến Copenhaghen (Đan Mạch) do… nhầm lẫn. Nó quay trở lại Dusseldorf (Tây Đức) rồi mới được gửi lại đến địa chỉ nơi nhận là một văn phòng bình phong của KGB ở Moscow, chậm mất 10 ngày so với dự tính.
Riêng kíp nổ - bộ phận quan trọng nhất của tên lửa, được Ramminger mang trong hành lý xách tay tới tận tay sĩ quan liên lạc của KGB tại Moscow sau một chuyến bay. Viên sĩ quan này sau đó đã thốt lên: "Người anh em, anh là siêu nhân!".
Ramminger và cộng sự bị bắt vào năm 1968, nhận án 4 năm tù giam. Báo Die Zeit ngày 16-10-1970 từng viết về điệp vụ hy hữu này, nhận xét rằng "đó là phiên tòa xét xử gián điệp hài hước nhất từng xảy ra". Vài năm sau, vụ việc tên lửa AIM-9 nâng cấp bị đánh cắp, Liên Xô đưa vào trang bị tên lửa K-13M cải tiến, có kíp nổ mới, tính năng vận động tốt hơn nhiều so với phiên bản trước đó.