Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 15/9

Trung Hiếu |

Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 15/9/2022.

Chiến trường Ukraine. Ảnh: Anadolu.

Chiến trường Ukraine. Ảnh: Anadolu.

Đức: Còn quá sớm để nói cuộc phản công của Ukraine là bước ngoặt: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nhận định ngày 14/9 rằng còn quá sớm để khẳng định cuộc phản công của Ukraine trong những ngày gần đây là một bước ngoặt trong cuộc xung đột với Nga.

"Hiện khó có thể đánh giá bởi chúng tôi không biết Nga sẽ phản ứng như thế nào (trước chiến dịch phản công của Ukraine)", bà Christine Lambrecht nhận định với Reuters trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Bộ Quốc phòng Đức ở Berlin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố quân đội nước này đã giành lại khoảng 8.000 km2 lãnh thổ - một khu vực có diện tích tương đương với đảo Cyprus.

"Điều đó cho thấy Ukraine đang có vị trí chiến thuật tốt và có thể tiến hành các cuộc phản công mà trước đó nhiều người cho là không thể thực hiện", bà Lambrecht nói.

“Vũ khí Đức là yếu tố quyết định trong cuộc phản công của Ukraine”: Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng vũ khí của Đức đóng vai trò “quyết định” trong những cuộc phản công gần đây của Ukraine.

Thủ tướng Đức nhận định những bước tiến Ukraine đạt được trong các cuộc phản công sẽ chưa thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin dừng chiến dịch quân sự hiện tại.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili, ông Scholz đã nhấn mạnh một loạt vũ khí Đức giao cho Ukraine trước những lời chỉ trích rằng chính phủ của ông nên cung cấp xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder tới Kiev.

Nga không kích các cứ điểm của Ukraine, Kiev đẩy mạnh tiến công ở phía Nam: Nga đã tiến hành cuộc không kích nhằm vào một số mục tiêu quân sự của Ukraine trong khi Kiev tuyên bố tiếp tục tiến công ở khu vực phía Nam vào ngày 14/9.

Hai Thượng nghị sỹ Mỹ giới thiệu dự luật coi Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố: Hai Thượng nghị sỹ Mỹ ngày 14/9 đã giới thiệu một dự luật coi Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố. Vấn đề này đang được Ukraine thúc đẩy, tuy nhiên, vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Dự luật trên đã được giới thiệu bởi Thượng nghị sỹ Dân chủ Richard Blumenthal và Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham. Các Thượng nghị sỹ này cho rằng Nga nên bị liệt vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố vì điều này sẽ gửi đi 1 tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ đối với không chỉ Ukraine mà các đồng minh của Mỹ đồng thời gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Kosovo tuyên bố sẽ tìm cách gia nhập EU: Kosovo - vùng đất ly khai khỏi Serbia, bày tỏ ý định xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm nay.

“Ngoại trưởng” Kosovo hôm 14/9 nói với truyền thông địa phương rằng Kosovo sẽ nộp đơn xin gia nhập EU vào cuối năm 2022 nhằm giành quyền tiếp cận các lợi ích của vị thế ứng viên EU.

Cụ thể, ông Donika Gervalla-Schwarz nói với KlanKosova TV như sau: “Chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ xin gia nhập trong năm nay. Chúng tôi cũng thông báo các đối tác quốc tế của chúng tôi rằng mục tiêu của chúng tôi là xin gia nhập trong năm nay, vì chúng tôi muốn hưởng vị thế ứng viên EU”.

Tổng thống Nga điện đàm với Tổng thư ký LHQ António Guterres: Theo Điện Kremlin, ngày 14/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thảo luận về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc và tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhie.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã đặc biệt chú ý vào việc thực hiện các thỏa thuận trọn gói được ký tại Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen và xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Cả hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo nhu cầu lương thực của các quốc gia ở Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh như một vấn đề ưu tiên.

Châu Âu “chất chồng khó khăn” vì thiếu khí đốt Nga: Giá năng lượng tăng cao, sản lượng sản xuất sụt giảm, nền kinh tế châu Âu bên bờ vực suy thoái, vì thiếu khí đốt do không có nguồn cung từ Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen thừa nhận, trong cuộc chiến trừng phạt và năng lượng với Nga, người dân châu Âu phải chấp nhận hi sinh.

Giá khí đốt của Anh và Hà Lan tăng mạnh khi Liên minh châu Âu (EU) bỏ qua đề xuất áp giá trần với mặt hàng khí đốt Nga, khỏi các kế hoạch chống lại chi phí năng lượng đang tăng lên.

Các kế hoạch “kìm hãm” giá năng lượng chỉ bao gồm đánh thuế từ lợi nhuận thu được từ các công ty và cắt giảm việc sử dụng điện trên toàn Khối.

Tổng thống Ukraine “không bị thương nghiêm trọng” sau vụ va chạm ô tô: Tổng thống Ukraine Zelensky “không bị thương nghiêm trọng” sau vụ va chạm ô tô ở thủ đô Kiev ngày 14/9, CNN đưa tin.

Tuyên bố từ thư ký báo chí của ông Zelensky cho biết, một chiếc xe dân sự đã va chạm với xe chở tổng thống và các xe hộ tống. Các nhân viên y tế tháp tùng ông Zelensky đã cấp cứu cho người lái xe ô tô và đưa lên xe cứu thương.

Lãnh đạo tình báo Nga chỉ trích tình báo trung ương Mỹ CIA: Sergey Naryshkin - người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) vừa chỉ trích lịch sử 75 năm của CIA đầy các bê bôi, khiêu khích và hoạt động can thiệp vào các nước khác.

Ông Naryshkin chia sẻ mình sẽ không gửi lời chúc mừng nào tới Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập cơ quan này. Lý do ông đưa ra cho động thái này là các hoạt động gây tranh cãi của CIA và các “khiêu khích của tổ chức này đối với các quốc gia có chủ quyền”.

Hôm 14/9, ông Naryshkin đăng một bài viết nói về sinh nhật của CIA vào ngày 18/9. Vào ngày này năm 1947, Tổng thống Mỹ khi ấy là Harry Truman đã ký Đạo luật An ninh Quốc gia - đây là một trong các công cụ lập pháp có hiệu quả nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại