Nhiều người cho rằng đi bộ cũng được coi là “tập thể dục”, mỗi ngày chỉ cần đi bộ vài vòng là có thể đạt được hiệu quả giảm cân rõ rệt.
Trên thực tế, việc đi dạo bộ mà nhiều người hay áp dụng chỉ là cách giúp tăng cường vận động, hiệu quả không thể đạt được như bạn tham gia tập thể dục với cường độ trung bình hoặc cao.
Không phải việc đi bộ nào cũng có thể đạt được hiệu quả về thể chất. Việc đi bộ có thể đạt được hiệu quả tập luyện và có lợi cho thể chất hay không còn phụ thuộc vào 3 khía cạnh dưới đây.
Phụ thuộc vào tốc độ
Đó là tốc độ không được quá chậm.
Đi bộ được chia thành đi bộ với tốc độ bình thường và đi bộ nhanh. Chỉ có đi bộ nhanh mới có thể phát huy tác dụng trong việc tập thể dục ở một mức độ nhất định. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy việc đi bộ chậm hiếm khi có hiệu quả.
Theo một nghiên cứu kéo dài 8 năm về việc tập thể dục liên quan đến tim mạch do Đại học Harvard ở Mỹ thực hiện trên hơn 70.000 phụ nữ trong độ tuổi 40-65 tuổi, đi dạo bộ hầu như không có tác dụng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim, trong khi đi bộ nhanh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim từ 35% - 40%.
Phụ thuộc vào thời gian
Thời gian không quá dài hoặc quá ngắn. Hầu hết các học giả tin rằng mỗi lần đi bộ không nên dưới 40 phút, vì đi bộ tiêu tốn khoảng 50 kcal/1km, ban đầu sử dụng đường và sau đó là chất béo. Nếu thời gian đi bộ quá ngắn sẽ không đạt được mục đích tiêu mỡ, hạ lipid máu.
Phụ thuộc vào tần suất
Ngoài việc chú ý đến thời gian và tốc độ của mỗi lần đi bộ, bạn cũng nên chú ý đến số lần đi bộ mỗi tuần.
Đi bộ không dưới 4 lần một tuần sẽ có lợi hơn. Một khảo sát trên 7.500 người cho thấy, những người đi bộ trên 4 lần/1 tuần có tỉ lệ HDL có lợi hơn 10% so với những người đi bộ ít hơn 3 lần/1 tuần.
Những điều cần chú ý để đi bộ an toàn
- Môi trường đi bộ cần an toàn, cụ thể là tránh những khu vực ô nhiễm không khí hoặc có những chướng ngại vật gây nguy hiểm cho bạn.
- Chọn đi bộ trên đường bằng phẳng, tránh đường gồ ghề.
- Chọn một đôi giày đi bộ thích hợp và an toàn.
- Chọn thời điểm luyện tập và cường độ phù hợp.