Đến Lầu Năm Góc còn chối bỏ, Mỹ vẫn "nhét" tiêm kích F-35 vào tay đồng minh như món quà

Bảo Lam |

Có một thực tế rằng, Lầu Năm Góc ở thời điểm hiện tại vẫn chưa "sẵn sàng" trao sự tin tưởng cho tiêm kích F-35, trong khi đó Mỹ lại muốn bán cho đồng minh càng nhiều càng tốt.

Chẳng thế mà gần đây các quan chức Lầu Năm Góc liên tục có những hoạt động quảng bá tích cực nhằm đánh bóng tên tuổi cho chiến đấu cơ tương lai F-35 Lightning II, và mô tả nó là loại máy bay đa năng có thể thay thế cho một loạt mẫu tiêm kích đánh chặn, tiêm kích bom cho đến cường kích đang được Mỹ và đồng minh sử dụng.

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo mới đây Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ - chuyên phụ trách các vấn đề mua sắm và cung ứng bà Ellen Lord cho biết, F-35 về tổng thể là chiếc máy bay "tốt", nhưng Lầu Năm Góc chưa sẵn sàng cho một kế hoạch mua sắm hàng loạt.

Tuyên bố trên của bà Lord khiến truyền thông phải đặt dấu hỏi lớn về chiếc chiến đấu cơ đắt đỏ nhất lịch sử nước Mỹ và tại sao Lầu Năm Góc lại chối bỏ "chiếc máy bay tốt nhất trong lịch sử"?

Lý giải cho vấn đề này, bà Lord cho biết, đây không phải là lời từ chối hoàn toàn, mà lúc này Quân đội Mỹ chưa sẵn sàng mua sắm ồ ạt tiêm kích F-35 khi nó chưa qua bài kiểm tra thuộc chương trình thử nghiệm khả năng của chiếc máy bay trong mọi tình huống nguy hiểm. Đây có thể là một tin không vui đối với Tập đoàn Lockheed Martin "cha đẻ" của F-35.

Đến Lầu Năm Góc còn chối bỏ, Mỹ vẫn nhét tiêm kích F-35 vào tay đồng minh như món quà - Ảnh 1.

Hiện tại chỉ có khoảng 60 chiếc F-35 được đưa vào biên chế cho các đơn vị không quân của Quân đội Mỹ, và tương lai của chiếc máy bay này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Ảnh: NPR Illinois.

Và như để trấn an nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Quân đội Mỹ, bà Lord cho rằng, dù có nhiều trở ngại chương trình F-35 vẫn đang tiến lên phía trước, với những gì chiến đấu cơ này đã thể hiện trong các đơn vị không quân, Lầu Năm Góc cảm thấy hài lòng về các diễn biến tích cực hiện tại.

Trước đó, Lầu Năm Góc và Lockheed Martin đã thống nhất một mốc thời gian cụ thể là 13 tháng để đánh giá lại khả năng sẵn sàng của F-35 cho việc biên chế hàng loạt, tuy nhiên đây chỉ là thời gian để các bên chuẩn bị cho việc nối lại các buổi thảo luận về kế hoạch mua sắm F-35 trong tương lai.

Theo bà Lord, chương trình F-35 diễn ra không mấy suôn sẻ, các máy bay tham gia quá trình kiểm tra không tốt nhất như Lầu Năm Góc kỳ vọng.

Tuyên bố trên của bà Ellen Lord gần như đã thừa nhận rằng tiêm kích F-35 hiện nay đang ở mức "xanh và non", nên gần như không thể biên chế chúng cho các đơn vị không quân của Quân đội Mỹ.

Hơn nữa, Lầu Năm Góc hoài nghi về khả năng Lockheed Martin có thể khắc phục hết đống lỗi trên chiếc tiêm kích tàng hình này chỉ trong 1 năm. Cần phải lưu ý rằng, những vấn đề của F-35 liên quan tới khả năng phòng vệ và điều khiển trong các điều kiện khắc nghiệt. Nói cách khác, liên quan tới những chức năng tối quan trọng của một chiếc máy bay chiến đấu.

Một vấn đề khác cần nói đến là Mỹ đã bán hàng trăm chiếc F-35 cho các đồng minh tham gia vào chương trình phát triển chiến đấu cơ này. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã phải cắn răng tiếp nhận một chiếc tiêm kích đầy lỗi đến bản thân Không quân Mỹ còn tạm thời vẫn từ chối biên chế.

Trong bối cảnh đó, không thể loại trừ khả năng bằng cách này người Mỹ sẽ tận dụng kinh nghiệm vận hành của các đồng minh để hoàn thiện chiếc máy bay cho quân đội Mỹ. Như vậy, người Mỹ đang dùng chính tiền của mình để biến đồng minh thành "những con chuột bạch".

F-35: Dự án máy bay đục khoét ngân sách khủng khiếp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại