Nếu cơ thể đột nhiên xuất hiện các cơn đau bất thường, không rõ nguyên nhân, mọi người cần cẩn trọng vì đôi khi các cơn đau ở một số vùng cơ thể đặc thù có thể cảnh báo cả ung thư lẫn đột quỵ.
Đau nhức ở 5 vùng cơ thể cảnh báo bệnh tật
1. Đau đầu
Đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như dấu hiệu cảnh báo u não hoặc đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não.
Đa số các bệnh nhân mắc ung thư não đều có triệu chứng đau đầu. Khi khối u trong não phát triển và tăng kích thước, nó có thể chèn ép lên các dây thần kinh và các mô quan trọng trong não, từ đó gây ra các cơn đau đầu dữ dội hoặc đau âm ỉ không rõ vị trí. Cơn đau có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn ngay cả khi đã uống thuốc giảm đau. Cơn đau nhức đầu có thể trầm trọng hơn vào buổi sáng hoặc khiến bạn thức giấc vào giữa đêm.
Ngoài ra, nhồi máu não cũng có thể gây ra tình trạng đau đầu trong quá trình phát triển của bệnh, khi mạch máu não bị tắc nghẽn và hẹp đi chúng có thể gây rối loạn tuần hoàn cục bộ. Thời gian thiếu máu cục bộ kéo dài có thể gây ra tình trạng đau nhức đầu dữ dội đi kèm với các dấu hiệu như rối loạn ngôn ngữ và ý thức, mắt mờ.
Trong cả 2 trường hợp kể trên, khi xuất hiện dấu hiệu đau đầu, mọi người cần cần tiến hành thăm khám sớm để làm rõ nguyên nhân, điều trị kịp thời để tránh não bị thương tổn thêm.
Đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như dấu hiệu cảnh báo u não hoặc đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não.
2. Đau bụng
Đau tức vùng bụng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau bao gồm cả đau dạ dày, xơ gan và ung thư.
Thông thường, đau tức bụng có thể cảnh báo tình trạng đau dạ dày hoặc viêm loét dạ dày. Nhưng trong một số trường hợp đau tức vùng bụng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày. Các cơn đau bụng cảnh báo ung thư dạ dày thường đi kèm với triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, ợ nóng quá mức, chán ăn, nôn ra máu,...
Ngoài ra, ung thư tuyến tụy cũng có thể gây đau bụng nếu khối u đè lên các cơ quan hoặc dây thần kinh. Một số bệnh nhân báo cáo rằng cơn đau ở vùng bụng của họ nằm ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, nhưng một số bệnh nhân khác lại cho biết họ xuất hiện các cơn đau dữ dội. Các cơn đau có thể không xuất hiện liên tục hoặc cơn đau có thể dữ dội hơn khi ăn uống, khi ăn các thực phẩm giàu chất béo hoặc khi nằm xuống.
Theo Cleveland Clinic, xơ gan có thể gây ra tình trạng đau tức ở vùng bụng. Có tới 82% người bị xơ gan cho biết cơ thể họ xuất hiện các cơn đau ở vùng bụng và hơn một nửa số người nói rằng cơn đau của họ kéo dài.
Đau tức vùng bụng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau bao gồm cả đau dạ dày, xơ gan và ung thư.
3. Đau lưng
Tình trạng đau lưng có thể xảy ra khi ngồi không đúng tư thế hoặc do hoạt động quá sức, trong trường hợp này các cơn đau sẽ nhanh chóng biến mất nếu nghỉ ngơi hợp lý và đầy đủ. Tuy nhiên, trường hợp cơn đau lưng kéo dài không thuyên giảm có thể cảnh báo ung thư tuyến tụy, ung thư phổi di căn hoặc ung thư cột sống.
Khi các khối u ở phổi hoặc ở tuyến tụy phát triển chúng có thể đè lên cột sống và dây thần kinh gây ra tình trạng đau thắt lưng.
Với ung thư cột sống, nếu khối u nằm ở phần dưới cột sống, nó có thể gây đau ở lưng dưới. Theo thời gian, cơn đau này có thể tăng lên và cũng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể như hông, chân, bàn chân hoặc cánh tay. Một số triệu chứng tiềm ẩn khác của ung thư cột sống bao gồm yếu cơ, đi lại khó khăn, tê liệt.
Trường hợp cơn đau lưng kéo dài không thuyên giảm có thể cảnh báo ung thư.
4. Đau vùng hạ sườn phải
Đau vùng hạ sườn phải có thể cảnh báo các vấn đề về gan hoặc ung thư gan, ung thư túi mật, ung thư tuyến tụy. Cơn đau xảy ra do áp lực của khối u lên các cấu trúc hoặc dây thần kinh khác ở hạ sườn phải gần khu vực của gan. Các cơn đau có thể xảy ra vào ban đêm, gây ra đau âm ỉ từng cơn hoặc đau dai dẳng.
5. Đau chân
Các cơn đau chân đi kèm với tình trạng chuột rút có thể cảnh báo các vấn đề về sức khỏe tim mạch. Đau chân có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh động mạch ngoại biên - căn bệnh làm tăng nguy cơ mắc đau tim và đột quỵ.
Tiến sĩ Adam Staten, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), Anh cho biết: “Cơn đau chân xuất hiện vào ban đêm có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng động mạch ngoại biên tương đối nghiêm trọng. Trong giai đoạn đầu, bệnh động mạch ngoại biên có thể gây ra các cơn đau chân khi hoạt động hoặc chuột rút ở bắp chân khi đi bộ.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các động mạch có thể trở nên hẹp hơn, khiến lượng máu chảy xuống chân chậm hơn, các cơ bắp cũng không nhận đủ máu để hoạt động bình thường, các cơn đau và chuột rút có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, hoặc vào ban đêm vì máu lưu thông đến chân sẽ bị ảnh hưởng khi bạn nằm thẳng”.
Các cơn đau chân đi kèm với tình trạng chuột rút có thể cảnh báo các vấn đề về sức khỏe tim mạch.