Trên mạng xã hội hiện có nhiều thông tin về việc ăn đậu đen để chữa ung thư, cao huyết áp, tiểu đường... Đây là những thông tin chưa được kiểm chứng một cách toàn diện và chính xác.
Đậu đen, nguồn dưỡng chất cao
Đậu đen, hắc đậu, thúa đăm (tiếng Tày). Tên khoa học: Vigna cylindrical skeels (Dolichos catjang Burn f),họ:Fabaceae. Công dụng: giải nhiệt, trị phong thấp, giảm đau. Đậu đen quanh năm, toàn thân không có lông. Lá kép gồm 3 lá chét mọc so le, có lá kèm nhỏ, lá chét giữa to và dài hơn là chét hai bên. Hoa màu tím nhạt, quả giáp dài, tròn, trong chứa từ 7-10 hạt màu đen. Trong đậu đen, có loại đậu đen trắng long, đậu đen xanh lòng.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, thành phần hóa học của đậu đen khá đa dạng. Vỏ đậu đen có chất màu anthoxyanozit. Đậu đen có 24,2% protit, 1,7% chất béo, 53,3% gluxit, 2,8% tro. Hàm lượng muối khoáng là: 56mg% canxi: 354mg% P; 6,1mg% sắt; 0,06mg% carten; 0,51% vitamin B, vitamin PP; 3mg% vitamin C.
Hàm lượng axit amin thiết yếu trong đậu đen khá cao: 100g đậu đen có 0,97g lysine; 0,31g mentionin; 0,31g tryptophan; 0,16g phenylalanine; 1,09g alanin; 0,97g valin; 1,26g lenxin; 1,11g izoleuxin; 1,72g acginin và 0,75g histidin
Hạt đậu đen có giúp giảm cân?
Theo các nghiên cứu khoa học, đậu đen chứa isoflavone có khả năng điều chỉnh, chuyển hóa chất béo. Thực phẩm chứa isoflavone và anthocyanin rất tốt cho sức khỏe, nhưng chưa chắc hỗ trợ giảm cân.
Chìa khóa của vấn đề là cần giảm lượng calo nạp vào và tăng lượng calo tiêu hao qua hoạt động thể chất, không nên thần thánh hóa một loại thực phẩm hay thuốc nào. Nguyên tắc giảm cân cần chú trọng về mặt dinh dưỡng và vận động. Các thực phẩm họ đậu chứa isoflavone, anthocyanin. Có nhiều trong các loại rau củ có màu tím như: khoai lang tím, dâu tằm, cà tím, bắp cải tím, nho, mận, dâu tây, mâm xôi…
Không có loại thực phẩm nào hoàn hảo, không có loại thuốc nào có thể trị bách bệnh, và hạt đậu đen cũng không phải thần dược trị bách bệnh.
Cần ăn uống đa dạng, nếu sử dụng đậu đen liên tục dài ngày sẽ không tốt cho sức khỏe. Đối với huyết áp, đậu đen chứa lượng natri thấp, có lợi cho huyết áp.
Cần cẩn trọng khi dùng
Uống nước đậu đen chỉ nên sử dụng như món nước giải khát, mỗi tuần sử dụng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 100-250ml, vừa đủ, không gây cảm giác no. Không dùng nước đậu đen thay thế nước uống hàng ngày, vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất trong cơ thể.
Nước đậu đen nên được uống bình thường, không pha thêm đường. Người có bệnh tiểu đường không nên pha đường vào nước đậu đen. Nước đậu đen có tác dụng lợi tiểu, người có bệnh về thận cần thận trọng khi sử dụng.
Thời gian lý tưởng để sử dụng đậu đen với các thực phẩm khác là cách nhau khoảng 4 tiếng đồng hồ. Bởi trong đậu đen có chứa phytat, sẽ ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể.
Phytat gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho (không nên dùng nước đậu đen để uống các loại thuốc có chứa sắt, kẽm, can, đồng, canxi hoặc sử dụng thực phẩm có chứa các chất này )…
Người mắc bệnh viêm đại tràng, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Hàm lượng protein trong đậu đen cao khiến cho người già, trẻ em hay người có thể trạng yếu, sẽ khó tiêu thụ hết lượng protein trong đậu đen. Khi uống nước đậu đen dễ gây ra vấn đề về tiêu hóa, đầy bụng, đau bụng.
Trên thực tế, không có loại thực phẩm nào hoàn hảo, không có loại thuốc nào trị bách bệnh. Hạt đậu đen cũng không ngoại lệ.
Khi có các vấn đề sức khỏe, người bệnh cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt, vận động. Tìm đến sự thăm khám, điều trị, tư vấn của các chuyên gia, thầy thuốc có kiến thức, kinh nghiệm; thay vì tin và áp dụng các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.