Đau bụng dữ dội, nữ sinh 20 tuổi đi khám phát hiện thận giãn ứ nước: Nguyên nhân là do ngại làm 1 điều

Ngọc Minh |

Nữ sinh viên được gia đình đưa tới viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội.

Thận giãn ứ nước vì ngại làm 1 điều

Nữ sinh Phương Anh (tên nhân vật đã được thay đổi), 20 tuổi tại Hà Nội khi đang đi học tại giảng đường thì đột nhiên xuất hiện cơn đau bụng. Bệnh nhân được gia đinh đưa đi khám trong tình trạng đau bụng dữ dội.

Phương Anh cho biết cách đây 6 tháng, cô có tiền sử mắc sỏi thận hai bên, sỏi niệu đạo bên phải. Thời điểm đó cô gái trẻ có uống thuốc theo đơn bác sĩ. Khi đỡ đau, Phương Anh ngại đi tái khám và cũng không theo dõi gì thêm.

Trước khi vào viện khoảng 3 tiếng, Phương Anh đột ngột xuất hiện cơn đau bụng dữ dội ở mạn sườn trái, đau lan sang thắt lưng trái và xuống cả bộ phận tiết niệu sinh dục, kèm theo đó là tình trạng tiểu rắt, nước tiểu hồng, buồn nôn nhưng không nôn, không sốt, đại tiện bình thường.

Đau bụng dữ dội, nữ sinh 20 tuổi đi khám phát hiện thận giãn ứ nước: Nguyên nhân là do ngại làm 1 điều- Ảnh 1.

Hình ảnh bể thận của bệnh nhân giãn độ II (ảnh BSCC).

BSCKI. Hoàng Minh Toại - Chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, kết quả khám toàn thân của bệnh nhân cho thấy các chỉ số sinh tồn bình thường, bụng mềm, chướng nhẹ, vùng bụng có phản ứng, khi nhấn vùng mạn sườn trái bệnh nhân có cảm giác đau nhói.

Bệnh nhân được chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác. Kết quả siêu âm cho thấy đài bể thận trái giãn ứ nước độ II do sỏi niệu quản trái 1/3 giữa, sỏi thận phải, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ cho dùng thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ tại phòng khám. Sau 3 giờ dùng thuốc bệnh nhân đỡ đau bụng nhưng vẫn còn tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu hồng.

Theo bác sĩ Toại, bệnh nhân trước đó đã có tiền sử sỏi thận hai bên và sỏi niệu đạo bên phải. Bệnh nhân cũng từng được điều trị cấp cứu do có cơn đau quặn thận. Tuy nhiên, sau khi điều trị và thấy hết đau, bệnh nhân đã không đi tái khám và cũng không điều trị dứt điểm bệnh nữa.

"Đợt này, bệnh nhân xuất hiện cơn đau bên trái mạn sườn nên đã vào cấp cứu. Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân có sỏi niệu đạo bên phải, thận giãn ứ nước. Nguyên nhân là do bệnh nhân chủ quan, không đi khám định kỳ, không theo dõi nên đã khiến tình trạng bệnh trở nặng", bác sĩ Toại nói.

Bác sĩ Toại cho hay, để tránh các biến chứng nguy hiểm của sỏi thận như mất chức năng thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm thận bể thận, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị cấp cứu và theo dõi thêm.

Sau 5 ngày điều trị, sỏi niệu quản đã di chuyển ra ngoài theo đường nước tiểu mà không phải can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân không còn đau đớn.

Đau bụng dữ dội, nữ sinh 20 tuổi đi khám phát hiện thận giãn ứ nước: Nguyên nhân là do ngại làm 1 điều- Ảnh 2.

Bác sĩ Toại đang khám cho bệnh nhân.

Điều trị sỏi niệu quản thế nào?

Theo bác sĩ Toại, đa phần sỏi niệu quản có kích thước nhỏ hơn 5mm, có thể di chuyển theo nước tiểu xuống bàng quang và đi ra ngoài một cách tự nhiên. Trường hợp của bệnh nhân Phương Anh là một ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, với những trường hợp sỏi lớn hoặc sỏi nhỏ nhưng góc cạnh sắc nhọn, không thể di chuyển qua niệu quản dù đã được điều trị nội khoa tích cực, các bác sĩ sẽ phải tiến hành can thiệp ngoại khoa.

Sỏi niệu quản nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm như giãn đài bể thận ứ nước gây mất chức năng thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm thận bể thận. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Dũng, Nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô cho hay, sỏi niệu quản nếu không được điều trị sẽ gây biến chứng nguy hiểm như ứ nước ở thận, giãn đài bể thận.

Tuy nhiên, ở trường hợp của bệnh nhân Phương Anh, trên hình ảnh chụp CT cho thấy sỏi niệu quản kích thước nhỏ 4x5mm, đều, trơn, nhẵn, đồng thời không thấy hình ảnh viêm niệu quản phía trên và phía dưới. Điều này chứng tỏ thành niệu quản trơn nên khi điều trị nội khoa sỏi sẽ trôi xuống.

Trường hợp của bệnh nhân Phương Anh xuất hiện các triệu chứng lâm sàng rầm rộ, tức là sỏi đã chạy. Khi sỏi chạy sẽ gây ra tình trạng đau đớn kèm tiểu ra máu, thậm chí gây nhiễm trùng.

Theo chuyên gia, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ sỏi niệu quản như: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, nước tiểu đục, có mủ, đau mỏi lưng… mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Qua trường hợp của bệnh nhân Phương Anh, bác sĩ Toại cũng lưu ý những người có bệnh lý thận cần phải tái khám và kiểm tra sức khoẻ định kỳ, tránh trường hợp gặp biến chứng mới vào viện cấp cứu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại