Đặc nhiệm Nga chiến đấu ở Syria: Đột kích mở đường, thọc sâu, đánh hiểm

Tú Anh |

Một trong những mục đích chính của Nga trong việc thành lập lực lượng đặc nhiệm KSSO là nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả tác chiến của các chiến dịch đặc biệt ở nước ngoài.

Kể từ khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria, nhiều chuyên gia theo dõi chiến sự tại đây đã không ngừng tập trung sự chú ý tới vai trò của các lực lượng đặc nhiệm Nga tham gia hoạt động trên mặt trận này.

Diễn biến liên quan mới nhất là ngày 10/5/2019, Al Masdar News công bố một số bức ảnh cho thấy các lực lượng đặc nhiệm Nga đang hoạt động ở phía Tây Bắc Syria.

Tuy nhiên, những bức ảnh trên vẫn chưa lột tả được hết "rường cột" của các lực lượng đặc biệt được Nga triển khai tới đây, nếu thực sự họ đến từ Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Tinh nhuệ Bí mật (Komandovaniye Sil Spetsialnykh Operatsiy - KSSO).

Sự phát triển, công tác huấn luyện và các dạng nhiệm vụ mà đội quân tinh nhuệ được đào tạo đặc biệt này dường như có liên quan tới những gì mà Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov gọi là "Chiến lược các hành động có giới hạn".

Chiến lược này chủ trương sử dụng sức mạnh quân sự vượt ra ngoài biên giới Nga để bảo vệ các lợi ích của đất nước. KSSO hoàn toàn phù hợp với chiến lược tổng thể này vì nó được xây dựng chủ yếu để thực thi các nhiệm vụ bên ngoài nước Nga.

Đặc nhiệm Nga chiến đấu ở Syria: Đột kích mở đường, thọc sâu, đánh hiểm - Ảnh 1.

Lực lượng đặc nhiệm Nga hoạt động ở Syria

Những chiến binh ưu tú

Việc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga quan tâm đến việc tìm cách tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng đặc nhiệm đã có từ cách đây hơn hai thập kỷ, trước cả chương trình cải cách năm 2008 sau cuộc xung đột giữa Nga và Georgia.

Trong giai đoạn thành lập KSSO (2009 - 2013), lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga đã tổ chức nghiên cứu một cách sâu rộng về sự phát triển, quá trình huấn luyện cũng như các phương pháp được lực lượng đặc biệt của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới sử dụng.

Cuối cùng, vào tháng 3/2013, KSSO đã chính thức ra mắt và đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga (CGS).

Về cơ cấu tổ chức, KSSO gồm có Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt, Trung tâm về các mục đích đặc biệt, Trung tâm các lực lượng hoạt động đặc biệt (Senezh), Trung tâm huấn luyện chuyên gia và Trung tâm cứu hộ khẩn cấp Số 561.

KSSO hoạt động trên ba lĩnh vực chính: Thực hiện các chiến dịch đặc biệt; triển khai các chiến dịch đặc biệt trên biển; và chống khủng bố.

Các sĩ quan của KSSO được đào tạo tại Trường Sĩ quan Đổ bộ Đường không Ryazan (Khoa Tình báo Quân đội Đặc biệt và Phòng Các lực lượng Đặc nhiệm) và Học viện Chỉ huy Quân sự Novosibirsk (Khoa Tình báo Đặc biệt và Phòng Tình báo Đặc biệt và Huấn luyện Đổ bộ Đường không).

Nguồn tuyển dụng của KSSO chủ yếu đến từ lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz thuộc Tổng cục tình báo Quân đội (GRU), đơn vị Alfa của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), và lực lượng đặc nhiệm dù.

Đặc nhiệm Nga chiến đấu ở Syria: Đột kích mở đường, thọc sâu, đánh hiểm - Ảnh 2.

Các lực lượng đặc nhiệm Nga tham gia chiến đấu ở Hama, Syria

Đột kích mở đường cho các chiến dịch quân sự Nga ở nước ngoài

Từ năm 2009 - 2013, chỉ huy đầu tiên của KSSO là một trong những người sáng lập lực lượng này, Đại tá Oleg Martyanov. Từng là một cựu chiến binh tình báo quân sự, chỉ huy đại đội đặc nhiệm Nga ở Afghanistan, Martyanov sau đó đã được điều động đến hầu hết các điểm nóng có sự tham gia của Quân đội Nga rồi sau đó phục vụ tại Bộ tham mưu của GRU.

Năm 2014, Tổng thống Vladimir Putin đã bổ nhiệm Thiếu tướng Alexei Dyumin làm tư lệnh của KSSO. Tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Vô tuyến Điện tử Quân sự Voronezh, tướng Dyumin trước đó từng làm việc cho Phòng thông tin của Tổng thống trực thuộc FSB. Ông cũng từng giữ chức Phó giám đốc Cơ quan An ninh của Tổng thống, cũng là một bộ phận của FSB.

Mục đích chính của Nga trong việc thành lập KSSO là nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả chỉ huy các lực lượng đặc biệt, triển khai sử dụng ở nước ngoài và tập trung huấn luyện kỹ năng hiệp đồng theo nhóm.

KSSO tập trung nâng cao tính cơ động và hiệu quả cho các chiến dịch, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu hoạt động trong các điều kiện sa mạc và rừng núi. KSSO được cho là có quyền tiếp cận nguồn lực và sự hỗ trợ lớn hơn so với GRU Spetsnaz.

Tuy vậy, lực lượng này dường như vẫn thực hiện các nhiệm vụ khá giống với GRU Spetsnaz, chẳng hạn như điều chỉnh hỏa lực, thu thập thông tin tình báo ở tuyến sau của kẻ thù, trừ khử các mục tiêu riêng lẻ, tiến hành hoạt động phá hoại và chống phá hoại.

KSSO đã từng được triển khai để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, Syria và lần đầu tiên được công chúng để ý tới là khi can dự vào hoạt động sáp nhập Bán đảo Crimea cuối tháng 2 và tháng 3/2014.

Tại Syria, KSSO đã được sử dụng để huấn luyện Quân đội Chính phủ Syria (SAA), thực hiện các hoạt động đặc biệt tại địa phương và hỗ trợ cho chiến dịch không kích của các lực lượng không quân - vũ trụ Nga.

Số lượng các nhân viên KSSO được triển khai ở Syria tất nhiên được giữ bí mật nhưng theo ước tính công khai, con số này cũng không quá 250 thành viên ở giai đoạn cao trào của chiến dịch không kích.

Đặc nhiệm Nga chiến đấu ở Syria: Đột kích mở đường, thọc sâu, đánh hiểm - Ảnh 4.

Đặc nhiệm Nga đã giữ vai trò chủ chốt trong chiến dịch giải phóng Aleppo

Thời điểm thành lập KSSO trùng khớp với những thay đổi về cơ cấu tổ chức trong toàn bộ Lực lượng Vũ Nga khi tiến hành cải cách và hiện đại hóa. Nó cũng phù hợp với những thay đổi trong tư duy của Nga về phương tiện và phương pháp tiến hành chiến tranh hiện đại.

KSSO đã được thử nghiệm và kiểm tra khả năng chiến đấu, đặc biệt là ở Syria và được cho là khá hiệu quả và năng động, dựa vào nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

Các thành viên KSSO không chỉ được đào tạo chuyên sâu mà còn được trang bị nhiều loại vũ khí tốt, có thể tiếp cận với hầu hết các loại vũ khí cá nhân hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc, trinh sát, phương tiện di chuyển, áo giáp, mũ bảo hiểm và thiết bị lặn chất lượng cao.

Quá trình phát triển, huấn luyện, tổ chức và trang bị cho KSSO đã chứng đỏ Bộ tổng Tham mưu Quân đội Nga đặc biệt coi trọng vai trò của lực lượng này, nhất là với các kế hoạch hỗ trợ và thực hiện các chiến dịch ở nước ngoài.

Xét tới bản chất vai trò mà KSSO đảm nhiệm cũng như mức độ mà lực lượng này có thể hỗ trợ cho học thuyết "tiến hành các hành động có giới hạn" trong kế hoạch quốc phòng tổng thể của Nga, rõ ràng đây sẽ là tổ chức đi tiên phong khi Nga triển khai các chiến dịch quân sự ở ngoại quốc trong tương lai.

Lực lượng đặc nhiệm quân đội Nga bất ngờ xuất hiện ở Deir Ezzor

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại