S-300PMU2 rầm rập ra bờ biển vùng Vịnh: Đạn đã lên nòng - Nhưng Mỹ sẽ rút quân, hạ nhiệt?

Chỉ Nhàn |

Với việc điều tên lửa S-300PMU2 tới bờ biển, Iran đang chuẩn bị mọi phương án để đối phó với các cuộc tấn công tiềm năng của Không quân và Hải quân Mỹ.

Iran sẵn sàng nhả đạn, tăng sức nóng

Một tài khoản Youtube vừa đăng tải đoạn video đoàn xe Quân đội Iran chở thành phần khí tài tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU2 tới bờ biển Vịnh Péc-Xích để bảo vệ các cơ sở chiến lược khỏi một cuộc tấn công tiềm tàng của Mỹ.

Đoạn phim được cho là ghi lại ở thành phố Asalouy, nằm ở phía Nam tỉnh Bushehr.

Đây có thể được coi là động thái mới nhất của Quân đội Iran phản ứng với các hành động mạnh mẽ gần đây của chính quyền Tổng thống Trump.

Sự hiện diện của S-300PMU2 chắc chắn sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng vệ trước các đòn tấn công từ hướng biển nhắm vào mục tiêu chiến lược của Iran.

Mỹ lại hạ nhiệt

Mặc dù chưa trải qua thực chiến, cũng như sự im lặng đáng thất vọng tại mặt trận Syria, thế nhưng rõ ràng với S-300, phía Mỹ sẽ phải thận trọng hơn khi mà hiện ở Trung Đông họ không còn tiêm kích tàng hình F-22.

Thay vào đó, trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln chỉ có các máy bay tiêm kích hạm F/A-18. Ngoài ra, còn có tên lửa Tomahawk trên các tàu khu trục Aegis và nhất là "pháo đài bay" B-52 có thể triển khai tên lửa hành trình AGM-86.

Với những mục tiêu như vậy, S-300PMU2 với tính năng tác chiến của mình là hoàn toàn có thể đánh chặn.

Riêng với B-52 nếu chỉ sử dụng cho mục đích phóng tên lửa hành trình thì rất khó để phòng không Iran có thể tiêu diệt "từ trong trứng nước".

Và nhiều khả năng Mỹ giả sử có tiến hành cuộc phiêu lưu quân sự mới cũng sẽ không dùng B-52 ném bom rải thảm nếu như không chắc rằng đã loại bỏ hoàn toàn năng lực phòng không đối phương.

Dẫu vậy, dù với bất cứ loại mục tiêu nào, F/A-18, Tomahawk hay AGM-86, S-300PMU2 chỉ cần bắn hạ được một số lượng vừa phải cũng đã tạo tiếng vang lớn.

Vấn đề chỉ còn lại là, liệu Mỹ có thực sự tiến hành một cuộc không kích sau màn "diễu võ giương oai" vừa rồi, hay chẳng qua đây chỉ là "đòn gió".

S-300PMU2 rầm rập ra bờ biển vùng Vịnh: Đạn đã lên nòng - Nhưng Mỹ sẽ rút quân, hạ nhiệt? - Ảnh 2.

Đoàn xe chở đạn S-300PMU2 đang di chuyển tới bờ biển vùng Vịnh.

Bởi cho tới thời điểm hiện tại, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln vẫn chưa tiến vào vùng vịnh Péc-xích qua eo biển Hormuz.

Điều này được thể hiện qua đoạn video được hải quân Mỹ công bố hôm 17/5 cho thấy, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung với các tàu chiến Mỹ trên biển Ả Rập, khu vực cách vịnh Péc-xích hơn 1.000 km.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không công khai lý do vì sao nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln trì hoãn tiến vào vịnh Péc-xích.

Song theo giới chuyên gia, khả năng vịnh Péc-xích là khu vực khá hẹp so với hoạt động của tàu sân bay USS Abraham Lincoln.

Dẫu vậy, lý giải trên có lẽ chưa thuyết phục, không loại trừ khả năng rất cao căng thẳng Mỹ - Iran sẽ tạm dừng ở đây. 

Hai bên sẽ sớm bước vào giai đoạn đàm phán hòa hoãn, sẽ tạm thời chưa có cuộc chiến nào.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ - Iran căng thẳng, kể từ sau năm 1979, chuyện hai bên ra tuyên bố như sắp "đánh nhau đến nơi" xảy ra "như cơm bữa".

Nói chung một cuộc chiến lúc này giữa Mỹ - Iran là không nên xảy ra, Washington và Tehran chắc chắn hiểu điều đó.

"Chảo lửa Trung Đông" lúc này đã quá nóng với cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, Afghanistan và Syria, đẩy Iran vào hỗn loạn sẽ ảnh hưởng sâu tới lợi ích của nhiều bên.

Theo một số nguồn tin không chính thức, vào năm 2016 Iran đã nhận được ít nhất 4 tiểu đoàn S-300PMU2 từ Nga sau một thời gian dài chờ đợi vì vướng các vấn đề về lệnh cấm vận của Liên Hợp quốc.

Các hình ảnh rò rỉ cho thấy bộ khí tài S-300PMU2 của Iran bao gồm đài radar nhìn vòng 96L6E, đài điều khiển hỏa lực 30N6E2 và xe phóng tự hành kiểu 5P85TE2.

"Thần hộ mệnh" của Iran trang bị đạn tên lửa 48N6E2 có tầm phóng cực đại 200km, độ cao tác chiến đến 27km và có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Tên lửa S-300PMU2 di chuyển ra bờ biển vùng Vịnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại