Thế giới phải "ngả mũ bái phục" hệ thống Iron Dome của Israel: Tại sao?

Anh Tú |

Iron Dome hiện đang là hệ thống phòng thủ được sử dụng nhiều nhất thế giới với kỷ lục đánh chặn lên tới 1.500 đầu đạn kể từ thời điểm nó được đưa vào trang bị năm 2011.

Gần 700 quả rocket dồn dập nã xuống lãnh thổ Israel

Trong hai ngày 4 - 5/5/2019, các tay súng ở Dải Gaza đã bắn hơn 690 quả rocket và đạn cối vào lãnh thổ Israel. Vụ tấn công đã khiến 3 thường dân thiệt mạng và làm bị thương 130 người khác, buộc các phương tiện truyền thông Israel phải đặt ra câu hỏi liệu liệu rằng hệ thống đánh chặn Iron Dome ("Vòm Sắt") của họ đã mất tác dụng?

Thế nhưng, đối ngược với sự hoài nghi trên, những số liệu thống kê cho thấy, Iron Dome đã hoạt động đặc biệt tốt. Tất nhiên, Israel cũng vẫn phải đánh giá lại mức độ đánh chặn mà nước này kỳ vọng trong các cuộc xung đột tương lai.

Các đợt tập kích ồ ạt rõ ràng đã làm giới quan sát lo lắng. Mặc dù cuộc tấn công chỉ diễn ra 2 ngày nhưng lượng đầu đạn và số người thương vong không kém gì chiến dịch "Operation Cast Lead" kéo dài 23 ngày hồi năm 2008. Các tay súng Gaza thậm chí còn tự hào khoe rằng họ đã chế áp thành công một số tổ hợp Iron Dome của Israel bằng chiến thuật "giội mưa" rocket.

Tuy nhiên, Quân đội Israel (IDF) cũng đã tuyên bố về thành công của chính mình khi thông báo rằng Iron Dome đạt tỷ lệ đánh chặn tới 86%. Tính tổng thể, IDF đã đánh chặn được khoảng 240 (35%) số tên lửa và đạn pháo và chỉ có 35 quả đạn (5%) rơi xuống các khu vực đông dân cư. Số còn lại (60%) đã rơi xuống các vùng nông thôn.

Thế giới phải ngả mũ bái phục hệ thống Iron Dome của Israel: Tại sao? - Ảnh 1.

Khói bốc lên khi Iron Dome đánh chặn rocket từ Dải Gazab ở gần thị trấn miền Nam Sderot

Iron Dome đã lập kỷ lục: Đánh chặn thành công 1.500 đầu đạn

Thành phố Ashdod là một ví dụ điển hình cho cả hai quan điểm nêu trên. Từ 7 - 8h tối ngày 5/5, khoảng 117 quả rocket đã phóng sang hướng thành phố này. Giả sử, 60% rơi xuống các khu vực trống trải, thì các tổ hợp phòng thủ Iron Dome của Israel sẽ phải tập trung vào đánh chặn 40% còn lại, tức khoảng 47 tên lửa.

Nếu những quả rocket đó được phóng đi đồng thời cùng một lúc thì việc ngăn chặn chúng gần như không thể. Nhưng nếu chúng được phóng rải rác trong một giờ, việc đánh chặn sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Thực tế diễn ra gần đúng với tuyên bố của Israel khi chỉ có một rocket sống sót để tấn công thành phố. Nhưng cũng thật không may, điều đó là đủ khiến một công dân Israel thiệt mạng khi anh ta chạy tìm nơi trú ẩn.

Tuy nhiên, việc bắn hạ được 35% tất cả các tên lửa mới là con số ấn tượng. Kết quả này tốt hơn nhiều so với con số 31% trong chiến dịch "Operation Pillar of Defense" năm 2012 và 16% của chiến dịch "Operation Protective Edge" năm 2014.

Tỷ lệ thành công cao hơn như vậy một phần là do các chiến binh Hamas đã cố tình khai hỏa gần các tổ hợp Iron Dome, thay vì trốn tránh chúng. Điều này cũng phản ánh những cải tiến công nghệ thời gian gần đây giúp Iron Dome đánh chặn hiệu quả cả những đạn cối rất khó tiêu diệt.

Tỷ lệ đánh chặn 86% cũng rất đáng nể. Kết quả gần tương đương với tỷ lệ 85% của chiến dịch "Pillar of Defense" và chỉ thấp hơn một chút so với 90% của "Protective Edge".

Thế giới phải ngả mũ bái phục hệ thống Iron Dome của Israel: Tại sao? - Ảnh 2.

Binh lính Israel trú ẩn trong lúc Iron Dome khai hỏa đánh chặn tên lửa Grad tấn công từ Gaza

Tỉ lệ đánh chặn thành công cao cho thấy chiến thuật tập kích ồ ạt của Hamas đã không thành công như tổ chức vũ trang này tuyên bố. Nhưng ngược lại, tỉ lệ đánh chặn có giảm đôi chút cũng khẳng định một vài quả rocket thực tế đã lọt qua được lá chắn của Iron Dome.

Cho dù chỉ là số ít thì nó cũng tạo ra sự khác biệt. Tỷ lệ đánh chặn giảm 4 điểm % có nghĩa là tỷ lệ lọt lưới cũng sẽ gia tăng 4 điểm %. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 40% rocket rơi trúng những khu vực đông dân cư. Đây chính là sự trớ trêu của các hệ thống đánh chặn mạnh mẽ: Dù chỉ để lọt số ít đầu đạn tấn công thì thiệt hại vẫn có nguy cơ rất lớn.

Chính từ cách nhìn nhận về thương vong như thế này mà hệ thống phòng vệ của Israel đã bị chỉ trích. Nếu tính theo số đầu đạn thì tỷ lệ tử vong và bị thương trong cuộc đụng độ lần này lớn gần gấp 5 lần so với năm 2014 và gần bằng 2012.

Một phần nguyên nhân của tỷ lệ thương vong gia tăng là bởi mức độ sát thương của một số ít đầu đạn lọt qua mạng lưới phòng thủ của Israel đã được cải thiện. Điều này phần nào đó cho thấy kích cỡ trung bình của đạn rocket tấn công đã gia tăng. Chẳng hạn như loại rocket mới của phong trào vũ trang Jihad tuy có tầm bắn giới hạn nhưng đầu đạn lại năng tới 250 kg.

Tỷ lệ sát thương qua mỗi phát bắn cũng có thể là do phản ứng của dân cư có sự khác biệt. Ví dụ, các chiến dịch kéo dài của năm 2008, 2012 và 2014 khiến Israel kịp thời điều chỉnh hoạt động thường nhật để giảm nguy cơ thương vong.

Thế giới phải ngả mũ bái phục hệ thống Iron Dome của Israel: Tại sao? - Ảnh 3.

Iron Dome đánh chặn tên lửa Grad phóng đi từ Dải Gaza

Ngược lại, cuộc xung đột ngắn ngày vừa qua khiến dân cư Israel tưởng rằng họ vẫn đang hoạt động ở chế độ thời bình. Một số có thể đã không tuân theo hướng dẫn từ Chính phủ Israel và dựa quá nhiều vào khả năng bảo vệ của Iron Dome.

Tới đây, lại nảy sinh một bài học lớn hơn: Không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào lại hoàn hảo cả. Israel đã liên tục cải tiến các tên lửa đánh chặn như đã từng chứng kiến qua tỷ lệ thương vong giảm trong các năm 2012 và 2014.

Tuy nhiên, Hamas cũng sẽ tìm kiếm các giải pháp để vượt qua mạng lưới phòng thủ của Israel như đưa vào trang bị các mẫu thiết kế rocket và chiến thuật mới, cùng với các công cụ khác như bóng bay gây cháy nổ hoàn toàn có khả năng vượt qua hệ thống Iron Dome của Israel.

Bài học này không chỉ giới hạn ở cuộc xung đột Israel - Gaza. Lục quân Mỹ cũng đang mua 2 hệ thống Iron Dome và Thủy quân Lục chiến Mỹ dường như cũng đang bày tỏ quan tâm. Những giới hạn tương tự cũng áp dụng cho các kế hoạch phòng thủ đối phó với các mối đe dọa khác, trong đó có Triều Tiên và Trung Quốc.

Nhưng dù thế nào thì hiệu quả đánh chặn của Iron Dome là không thể phủ nhận. Theo thống kê của liên doanh Raytheon - Rafael, "Vòm Sắt" hiện đang là hệ thống được sử dụng nhiều nhất thế giới với kỷ lục đánh chặn 1.500 đầu đạn tấn công ở tỷ lệ thành công lên tới 90% kể từ thời điểm nó được đưa vào trang bị năm 2011.

Video giới thiệu khả năng tác chiến của Iron Dome

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại