Căn bệnh thầm lặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo GS Nguyễn Lân Việt – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch học, ở nước ta các bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh lý tim mạch nói riêng đang có khuynh hướng tăng lên khá rõ rệt.
Theo một điều tra từ năm 2008, tỷ lệ tăng huyết áp (THA) ở người trưởng thành ở nước ta là 25,1%, nghĩa là cứ 4 người lớn có 1 người bị THA. Tại một số địa phương theo những điều tra gần đây tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.
Bên cạnh THA còn phải kể đến nhiều bệnh lý khác như: các bệnh lý động mạch vành, bệnh van tim, các rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, các bệnh tim bẩm sinh, các bệnh lý của động mạch và tĩnh mạch chi dưới v.v… đều hiện diện với tỷ lệ cao.
GS Nguyễn Lân Việt
Giáo sư Việt cho biết, THA là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất trong cộng đồng, cứ 4 người trưởng thành lại có 1 người bị THA. THA có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau như:
- Tim: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim …
- Mắt: tổn thương ở đáy mắt như xuất huyết, xuất tiết, phù gai thị…
- Não: tai biến mạch máu não với nhiều mức độ khác nhau như tê chân, nói ngọng, méo miệng, liệt nửa người, bán mê , hôn mê …
- Thận: đái ra protein niệu, suy thận …
- Mạch máu lớn: phình động mạch chủ, tách thành động mạch chủ v.v…
Trong khi đó 90 đến 95% các trường hợp THA là không rõ nguyên nhân. Chủ yếu THA hay gặp ở người lớn tuổi do tình trạng thoái hóa, xơ cứng động mạch làm cho sức cản thành mạch tăng lên và HA tăng cao.
Chỉ có 5 – 10% các trường hợp THA là có thể do một số nguyên nhân cụ thể như: hẹp eo động mạch chủ, viêm cầu thận mạn,sỏi thận, u lớp cầu của vỏ thượng thận, u tủy thượng thận, hẹp động mạch thận, do dùng một số thuốc gây giữ muối và giữ nước nhiều trong cơ thể.
Đặc biệt, GS Việt nhấn mạnh một số người khi bị THA thì có thể có một số triệu chứng cơ năng như đau đầu, chóng mặt, mờ mắt, ù tai v.v… nên buộc họ phải đi khám bệnh và qua đó mới phát hiện ra mình bị THA.
Ngược lại có nhiều người, mặc dù số đo HA khá cao nhưng lại không thấy có biểu hiện bất thường nào cả. Đây là những trường hợp rất nguy hiểm vì có thể xảy ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp v.v… bất cứ lúc nào trong khi "hệ thống chuông báo động" của họ bị trục trặc mà không có cảnh báo gì cho họ cả.
Trong lịch sử y học Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp là người nổi tiếng, các chuyên gia đầu ngành cũng đột tử mà nguyên nhân chủ yếu do tăng huyết áp,
95 % đột quỵ liên quan đến tăng huyết áp: Phòng bệnh thế nào?
Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Phú Bằng, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ là một rối loạn cục bộ lên não. Có thể phân loại thành nhồi máu não chiếm đa số (80%) và xuất huyết não (20%). Trong vùng nhồi máu có thể phát triển ổ xuất huyết gọi là chuyển xuất huyết, đặc biệt khi vùng nhồi máu rộng.
Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 70.000 trường hợp đột quỵ. Yếu tố nguy cơ chung cho cả đột quỵ và bệnh tim do xơ vữa là tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao nhất.
Chăm sóc và điều trị huyết áp chính là cách phòng đột tử tốt nhất
Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu trên 754 bệnh nhân đột quỵ ở Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy: 95% bệnh nhân bị đột quỵ có kèm tăng huyết áp. Trong số đó 48,5% bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết và 51% bệnh nhân trong số này đã tử vong sau 28 ngày điều trị; 43,5% bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu và 20% đã tử vong sau 28 ngày điều trị.
Tỷ lệ người bị đột quỵ trên 53 tuổi chiếm 76%. Có thể nói phần lớn bệnh nhân đột quỵ là người cao tuổi và hầu hết có tăng huyết áp. Chỉ có 8% trong số họ là không xác định được nguyên nhân.
Theo các chuyên gia giải pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả nhất là kiểm soát tăng huyết áp đúng, đủ và lâu dài. Điều trị tăng huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ theo y lệnh của bác sỹ chuyên khoa, có chỉ định uống thuốc theo đơn cụ thể.
Song song với việc tuân thủ điều trị để ngăn ngừa đột quỵ do tăng huyết áp phải lưu ý đến tầm quan trọng của thay đổi lối sống như: giảm cân, giảm muối và mỡ bão hòa, giảm lượng calorie trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và uống rượu ở mức cho phép, bổ sung đủ calci, kali, magne, chất xơ, ngừng hút thuốc lá.
Thay đổi lối sống đã được chứng minh có hiệu quả giảm mức huyết áp từ 10 – 20 mmHg, những thay đổi này đôi lúc tương đương với hiệu quả của một liều thuốc điều trị hạ áp.
Bài thuốc quý chữa bệnh cao huyết áp, mỡ máu kỳ diệu chỉ từ 2 nguyên liệu có sẵn trong bếp