Ảnh: wikipedia
Hành tây thuộc chi allium, cùng họ với tỏi, hẹ. Các nghiên cứu cho thấy hành tây chứa ít calo, giàu kali, vitamin B6 và vitamin C. Dưới đây là một số lợi ích dinh dưỡng hàng đầu mà hành tây mang lại cho cơ thể con người.
1. Hành tây giúp cải thiện sức khỏe tim mạch
Theo nhiều nghiên cứu, một loại hợp chất thực vật polyphenol có tên quercetin trong hành tây giúp hạ huyết áp và chỉ số triglyceride. Chỉ số triglyceride, hay còn gọi là chỉ số chất béo trung tính trong mạch máu, càng cao thì nguy cơ xơ vữa động mạch càng lớn. Xơ vữa động mạch chính là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Hành tây có màu càng sẫm, như hành tây đỏ, chứa lượng quercetin càng lớn.
2. Hành tây giàu chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống viêm
Hành tây là một trong những loại thực phẩm cung cấp hàm lượng flavonoid cao nhất. Flavonoid có đặc tính chống oxy hóa rất tốt. Hợp chất này quét những gốc tự do có nguy cơ hủy hoại DNA, đồng thời giúp phục hồi và bảo vệ các tế bào bị tổn thương trong cơ thể.
Ngoài ra, chế độ ăn giàu flavonoid còn giúp kiểm soát huyết áp cao, giảm tỷ lệ đau tim đột ngột, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng cường hình thành xương và ức chế quá trình tiêu xương.
Hành tây có tác dụng tăng cường miễn dịch. Ảnh minh họa.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Hóa Thực phẩm, hành tây chứa ít nhất 25 loại flavonoid khác nhau. Trong đó, hành đỏ và hành vàng giàu chất chống oxy hóa nhất so với các loại hành tây khác. Chất chống oxy hóa trong hành vàng nhiều gấp 11 lần so với hành trắng.
Chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm và ngăn chặn tác hại của các gốc tự do, nhờ đó tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
3. Hành tây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh vai trò quan trọng của hành tây trong việc ngăn ngừa ung thư. Theo một nghiên cứu của Đại học Guelph (Canada), hành tây, đặc biệt là hành tím, có hàm lượng quercetin và anthocyanin rất cao. Do đó, loại hành này có hiệu quả nhất trong việc giảm các tế bào ung thư ruột kết và ung thư vú.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Phòng chống Ung thư cho thấy hành tây rất giàu organosulfur và flavonoid - những hợp chất có các thành phần ức chế khối u.
Cách chế biến hành tây để có hiệu quả phòng bệnh tốt nhất
Ảnh: Getty Images
Hành tây vàng có vị ngọt đậm nhất nên thường được thêm vào các món salad. Hành tây nướng hoặc áp chảo cũng rất ngon. Ngoài ra, món bánh mỳ kẹp thịt chắc hẳn sẽ đậm vị hơn nếu có thêm vài lát hành tây nướng hoặc sống.
Thêm hành tây đỏ vào các món bánh hoặc vào bất kỳ món chính nhiều thịt nào cũng giúp cho món ăn thơm ngon và đẹp mắt hơn.
Một công thức khác đơn giản và ngon lành là thái hành tây ra đĩa, phết dầu ô liu, nêm muối và tiêu rồi nướng qua cả hai mặt.
Những ai không nên ăn hành tây?
Hành tây có thể khiến một số người bị đầy hơi. Ảnh minh họa.
Hành tây rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải là món ăn phù hợp với tất cả mọi người. Hành tây có thể khiến một số người bị đầy hơi, chướng bụng, táo bón và tiêu chảy.
(Nguồn: Real Simple)