Ảnh minh hoạ.
Sả là một loại thảo mộc có nguồn gốc từ Sri Lanka và Nam Ấn Độ nhưng hiện nay đã được trồng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sả không chỉ là một loại gia vị nấu ăn mà còn được coi là một dược liệu quý. Sả có chứa nhiều dinh dưỡng và khoáng chất có lợi cho cơ thể như sắt, canxi, vitamin C, các vitamin nhóm B. Sả cũng có một loạt các hợp chất thực vật hoạt động như chất chống oxy hoá bao gồm axit chlorogenic, isoorientin, beta-carotene và swertiajaponin.
Theo Đông y, cây sả có vị the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm tiết mồ hôi, lợi tiểu và tiêu thực. Sả được coi là một vị thuốc hỗ trợ điều trị các triệu chứng khó chịu về đường hô hấp khi nhiễm Covid-19 và được sử dụng dưới dạng xông hoặc pha trà.
Dưới đây là 10 lợi ích sức khỏe mà sả có thể mang lại cho cơ thể bạn.
1. Giải tỏa lo lắng
Nhiều người thường có thói quen nhấm nháp 1 cốc trà nóng để thư giãn và trà sả thực sự là một lựa chọn phù hợp.
Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (New York, Hoa Kỳ), ngửi mùi sả rất có lợi cho những người đang bị căng thẳng, lo âu. Các nhà khoa học hiện vẫn đang thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác để khẳng định lợi ích này.
Trà sả giúp giải toả căng thẳng. Ảnh: Pinterest.
2. Giảm cholesterol
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Công nghệ & Nghiên cứu Dược phẩm, việc sử dụng các chiết xuất từ sả có tác dụng làm giảm cholesterol.
Nếu bạn đang có ý tưởng giảm cân, hãy thêm trà sả vào thực đơn hàng ngày của mình. Hoá chất thực vật polyphenol có trong sả giúp tăng tiêu hao năng lượng trong cơ thể và đốt cháy chất béo.
3. Hỗ trợ điều trị cảm lạnh và cảm cúm
Sả có đặc tính chống nấm và chống vi khuẩn có thể phòng ngừa và giảm các triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm. Hơn nữa, sả rất giàu Vitamin C, rất tốt cho việc tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Sả có tác dụng giảm các triệu chứng của cảm lạnh, cảm cúm. Ảnh: Pinterest.
Một cốc trà sả, thêm một ít đinh hương, trà xanh, nghệ có thể giúp làm loãng đờm nhầy tích tụ trong đường hô hấp.
Sả kết hợp cùng hương nhu, bạch đậu khấu cũng được dùng để chữa cảm lạnh.
4. Giảm triệu chứng đau họng
Viêm họng là tình trạng viêm niêm mạc họng do các vi khuẩn, tụ cầu xâm nhập. Sả có đặc tính kháng khuẩn chống lại các vi khuẩn gây bệnh này. Đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn của sả có tác dụng giảm tắc nghẽn hệ thống hô hấp, kích thích đào thải vi khuẩn gây hại và giúp giảm đau họng.
5. Giảm nguy cơ mắc ung thư
Chiết xuất từ sả có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư gan. Sả có chứa một hợp chất gọi là citral có thể tiêu diệt các tế bào ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt,...
Sả có chứa nhiều chất chống oxy hoá. Ảnh minh hoạ.
6. Ngăn ngừa nhiễm trùng, tăng miễn dịch
Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, sả có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng.
Nghiên cứu cho thấy loại thảo mộc này có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh tưa miệng, một bệnh nhiễm nấm thường ảnh hưởng đến những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, chẳng hạn như những người bị nhiễm HIV.
Với tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng, sả có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
7. Tăng cường sức khỏe răng miệng
Ở nhiều nơi, người dân thường lấy thân cây sả nhai như một phương pháp để cải thiện sức khỏe răng miệng và giữ cho miệng luôn sạch sẽ.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học Thực phẩm (Hoa Kỳ) đã xác nhận lợi ích này của cây sả. Các tác giả đã xem xét 12 loại thảo mộc và nhận thấy chiết xuất từ sả là một trong những chất ức chế mạnh nhất sự phát triển của vi khuẩn răng miệng trong mẫu thí nghiệm, trong đó có các vi khuẩn gây sâu răng như Streptococcus sanguinis.
Sả có tác dụng làm sạch miệng. Ảnh minh hoạ.
8. Giảm đau, hạ sốt
Theo một nghiên cứu, sả có tác dụng giảm các triệu chứng đau. Uống trà sả có thể giúp bạn giảm các cơn bốc hỏa, giảm đau bụng kinh và chứng chuột rút.
Người Hy Lạp và La Mã thường coi trà sả là phương pháp điều trị hạ sốt tối ưu.
9. Tăng lượng hồng cầu
Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy uống trà sả mỗi ngày trong vòng 1 tháng có thể làm tăng nồng độ huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm máu của 105 người tham gia vào 3 mốc thời gian: ngày đầu tiên, ngày thứ 10 và 30 trong thời gian nghiên cứu. Kết quả cho thấy, trà sả giúp thúc đẩy quá trình hình thành các tế bào hồng cầu.
Các nhà khoa học cho rằng đặc tính chống oxy hóa của sả có thể đóng một vai trò trong việc kích thích sản sinh hồng cầu.
Có thể sấy khô lá sả để dùng dần. Ảnh minh hoạ.
10. Lợi tiểu, giảm đầy hơi
Uống trà sả có tác dụng lợi tiểu, kích thích thận thải ra nhiều nước tiểu hơn bình thường.
Theo một nghiên cứu quy mô nhỏ trên Tạp chí Dinh dưỡng Thận (Hoa Kỳ), trà sả làm tăng lượng nước tiểu nhiều hơn các loại đồ uống khác.
Tác dụng lợi tiểu này có lợi đối với những trường hợp giữ nước dẫn đến đầy hơi. Đây là một triệu chứng phổ biến của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
Công thức trà sả
Bạn hoàn toàn có thể tự là trà sả tại nhà chỉ trong vòng vài phút đồng hồ.
Trà sả rất dễ làm. Ảnh minh hoạ.
Nguyên liệu: Củ sả rửa sạch, để ráo nước.
Cách làm:
- Cắt củ sả thành các miếng dài từ 2 - 3 cm.
- Đun sôi một cốc nước.
- Đổ nước sôi ngập số sả đã cắt ở trên, đậy kín trong vòng 5 phút.
- Lọc hỗn hợp, chỉ lấy lại nước để uống.
Bạn có thể uống trà sả mỗi ngày, bắt đầu với 1 cốc và tăng dần trong những ngày sau đó, tuỳ theo sở thích.
(Tổng hợp: Medical News Today, Parenting)