Chuyên gia Nga: Mỹ muốn đẩy Moscow vào cuộc xung đột quy mô lớn qua vụ ám sát tướng Iran

Bảo Lam |

Một trong những mục tiêu mà Mỹ đặt ra khi quyết định ám sát Thiếu tướng Iran Qasem Soleimani đó là kéo Nga vào một cuộc xung đột mới trong khu vực.

Vì sao Mỹ muốn kéo Nga vào cuộc đối đầu quân sự với Iran?

Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích địa chính trị (Nga) - Valery Korovin chia sẻ với hãng thông tấn FAN, một trong những mục tiêu mà Mỹ tự đặt ra khi quyết định ám sát Thiếu tướng Iran Qasem Soleimani đó là kéo Nga vào một cuộc xung đột mới trong khu vực, từ đó làm suy yếu Moscow như cách mà họ từng làm với Liên Xô trong cuộc chiến Afghanistan.

"Về cơ bản Nga không quan tâm tới cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran hiện tại, khi cố gắng khoanh vùng hiện diện quân sự của mình bên trong biên giới Syria. Nhưng bằng cách này hay cách khác, Washington vẫn sẽ kéo Moscow vào một cuộc xung đột quy mô lớn trong khu vực bằng một cuộc chiến ở các quốc gia láng giềng với Syria", Ông Korovin nhận định.

Chuyên gia Nga: Mỹ muốn đẩy Moscow vào cuộc xung đột quy mô lớn qua vụ ám sát tướng Iran - Ảnh 1.

Thông qua cái chết của tướng Soleimani, Mỹ muốn đẩy Nga vào cuộc xung đột với Iran trong khu vực từ đó khiến cả Trung Đông rơi vào hỗn loạn, đồng thời làm suy yếu tiềm lực của Moscow. Ảnh: The Times of Israel.

Ông Korovin cũng nhấn mạnh, "Nước Nga không quan tâm, và rõ ràng Moscow đã làm mọi cách để hạn chế tối đa nguy cơ bị kéo vào một cuộc xung đột quy mô lớn trong khu vực sau khi chúng tôi chính thức can thiệp quân sự vào Syria (2015). Ai đó đứng sau vụ ám sát tướng Soleimani đang muốn kích động Nga mở rộng các hoạt động quân sự ra ngoài biên giới Syria".

Bên cạnh đó, theo ý kiến của ông Korovin, ở một góc độ nào đó sự kiện Mỹ ám sát Tư lệnh Lực lượng Quds của Iran có lợi chính sách đối ngoại của Nga đối với khu vực Trung Đông.

"Chỉ cần Moscow loại bỏ những nguy cơ khiến mình bị kéo vào cuộc đối đầu giữa Mỹ - Iran thì đây sẽ cơ hội tốt cho nước Nga nâng cao vị thế của mình trong khu vực," Chuyên gia này cho biết.

"Cái chết của tướng Suleimani sẽ làm căng thẳng trong khu vực ngày càng leo thang, hậu quả của nó vô cùng khôn lường. Người Mỹ một lần nữa ngông cuồng châm ngòi cho một cuộc chiến mới ở Trung Đông, bội ước khi mở "chiếc hộp Pandora", cho phép những thế lực đen tối trỗi dậy, mà sớm hay muộn chúng cũng quay đầu chống lại chính họ", ông Korovin viết.

Vụ ám sát chưa từng có tiền lệ của Mỹ

Chuyên gia người Nga cũng tiết lộ rằng, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tiến hành những vụ ám sát các quan chức hay lãnh đạo cấp cao của những nước có chính sách đi ngược lại lợi ích của Washington. Tuy nhiên, vụ ám sát tướng Soleimani của Iran được xem là vụ việc chưa từng có tiền lệ.

Theo ông Korovin, Quân đội Mỹ hay các cơ quan tình báo của nước này hiếm khi thực hiện các vụ ám sát công khai như hôm 3/1 vừa qua tại Bagdad, và đây càng không phải là cách hành xử thường thấy của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Chuyên gia Nga: Mỹ muốn đẩy Moscow vào cuộc xung đột quy mô lớn qua vụ ám sát tướng Iran - Ảnh 3.

Đoạn video ghi lại khoảnh khắc tên lửa Mỹ bắn trúng chiếc xe SUV chở Thiếu tướng Qasem Soleimani vừa rời khỏi sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1. Ảnh: Metro.

Về cơ bản CIA thích "dọn dẹp" những người ngáng đường mình bằng cách tạo dựng các vụ tai nạn xe hơi, sử dụng các loại virus mang mầm bệnh chết người hoặc đầu độc... miễn sao mọi đầu mối không dẫn đến người Mỹ. Còn việc sử dụng tên lửa đến ám sát lãnh đạo cấp cao của một quốc gia được cộng đồng quốc tế công nhận sẽ mang lại nhiều hệ lụy không lường trước được.

Vụ ám sát tướng Soleimani còn cho thấy Mỹ đang muốn đặt ra luật chơi của riêng mình ở khu vực Trung Đông và họ có thể "loại bỏ" bất cứ ai dám cản đường hay làm phương hại đến lợi ích của nước Mỹ trong khu vực.

"Tới thời điểm hiện tại, nước Mỹ đã cởi bỏ hoàn toàn chiếc mặt nạ của một chiến binh bảo vệ công lý, vì dân chủ, vì nhân quyền và dần trở thành một kẻ hung bạo, hiếu chiến và sẵn sàng chà đạp lên luật pháp quốc tế", ông Korovin nói.

Theo vị chuyên gia Nga, giờ đây Iran đã được cởi trói và có quyền đáp trả tương xứng, vì họ không còn bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế trong việc trả thù. Điều này đồng nghĩa với việc Tehran hoàn toàn có thể tiến hành ám sát một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hoặc đồng minh của nước này trong khu vực.

Thiếu tướng Qasem Soleimani - Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), được xem là nhân vật số 2 ở Tehran, một trong những tướng lĩnh gần gũi nhất với lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Tướng Soleimani còn được coi là “vị tư lệnh trong bóng tối” đứng sau chính sách đối ngoại của Tehran ở khu vực Trung Đông.

Nhà thờ Hồi giáo Jamkaran ở thành phố thánh Qom của Iran lần đầu tiên trong lịch sử treo "cờ đỏ" và thề trả thù cho tướng Soleimani.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại