Chuyên gia Nga: Đòn tấn công của Iran chỉ mang tính biểu tượng, TT Trump mới là người cầm ngòi nổ chiến tranh

Hải Vy - Quốc An |

"Tôi cho rằng Iran sẽ không thể chống lại Mỹ một cách hiệu quả, tương tự như tình cảnh của Iraq hồi năm 2003" - chuyên gia Grigory Trofimchuk nhận định.

Rạng sáng hôm qua (8/1), Iran đã tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq để trả đũa vụ ám sát tướng cấp cao Qasem Soleimani, đồng thời đe dọa sẽ tấn công vào tận lãnh thổ Mỹ nếu Washington thực hiện các hành động quân sự đáp trả.

Trong bài phát biểu tối cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nước Mỹ không hề chịu tổn thất về người trong cuộc tấn công của Iran và nhận định rằng Iran đã chùn bước.

Thay vì tiến hành trả đũa qua lại bằng vũ lực, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố Washington sẽ lập tức áp cấm vận kinh tế bổ sung lên chính quyền Iran và "mức cấm vận nặng nề này sẽ được giữ nguyên nếu Iran không thay đổi thái độ của mình".

Để có cái nhìn đa chiều về những sự kiện vừa diễn ra, Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Grigory Trofimchuk - nhà phân tích chính trị, quốc phòng hàng đầu của Nga, người đạt giải Nhì Giải thưởng về thông tin đối ngoại năm 2018.

Màn trả đũa mang tính biểu tượng

Bình luận về cuộc tấn công trả đũa của Iran, ông Trofimchuk nhận định rằng các tên lửa mà Iran bắn vào hai căn cứ của Mỹ chỉ là một đòn đáp trả mang tính biểu tượng cho cái chết của Tướng Soleimani. Chính Teheran cũng ngay lập tức tuyên bố rằng "hành động tự vệ đã hoàn tất".

Trước đó đã có những lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh giữa hai phía, song ông Trofimchuk cho rằng điều đó khó có khả năng xảy ra.

"Tôi cho rằng Iran sẽ không thể chống lại Mỹ một cách hiệu quả, tương tự như tình cảnh của Iraq hồi năm 2003. Washington nhận thức được rõ điều này, hơn nữa họ còn ở quá xa Iran để dấn vào bất kỳ cuộc chiến thực sự nào giữa hai phía" - ông Trofimchuk nói với Trí Thức Trẻ.

Theo vị chuyên gia, trong trường hợp xấu nhất, Mỹ sẽ hành động như những gì họ đã từng làm ở Nam Tư và một số khu vực khác, đó là tiến hành các cuộc tấn công từ xa mà không cần điều động binh lính đến tận chiến trường. Những hành động như vậy khó có thể gọi là chiến tranh.

"Do đó, vấn đề chỉ còn là khi nào Tổng thống Trump sẽ quyết định tiến hành các cuộc tấn công tương tự nhằm trực tiếp vào lãnh thổ Iran. Nếu Tổng thống Mỹ không phải là ông Trump thì những quyết định như vậy trong Nhà Trắng rất có thể đã được đưa ra.

Từ khi ông Trump nhậm chức, đã có những điều kiện tiên quyết cho 3 cuộc chiến (ở Iran, Triều Tiên và Venezuela) được đưa ra, nhưng trong 3 năm làm tổng thống, ông Trump vẫn chưa quyết định hành động thực sự.

Ông Trump là tổng thống đầu tiên của Mỹ liên tục đe dọa bằng lời nói và điều này làm tổn hại đến hình ảnh quyền lực của Mỹ bởi từ lâu họ chưa bao giờ đe dọa suông một ai cả.

Tôi xin nhắc lại, mức độ leo thang của tình hình Mỹ-Iran hiện nay chỉ phụ thuộc vào mình ông Trump, vì chính Iran - nước chưa sở hữu các loại vũ khí hạt nhân cần thiết - có thể thực sự bị đe dọa. Câu hỏi đặt ra ở đây: Thời điểm nào sẽ được Nhà Trắng coi là thích hợp để bắt đầu cái gọi là quá trình cải tổ bộ máy chính trị của Iran?" - ông Trofimchuk nêu quan điểm.

Chuyên gia Nga: Đòn tấn công của Iran chỉ mang tính biểu tượng, TT Trump mới là người cầm ngòi nổ chiến tranh - Ảnh 1.

Xử lý ảnh: Đỗ Linh

Nga sẽ không bị lôi kéo vào cuộc xung đột Iran

Đề cập tới ý kiến cho rằng một trong những mục tiêu Mỹ đặt ra khi quyết định ám sát tướng Soleimani là nhằm kéo Nga vào một cuộc xung đột mới trong khu vực, từ đó làm suy yếu Moscow như cách họ từng làm với Liên Xô trong cuộc chiến Afghanistan, ông Trofimchuk khẳng định Nga sẽ không bị lôi kéo vào cuộc xung đột Iran.

Theo vị chuyên gia, Nga tất nhiên có liên quan đến tình hình leo thang của cuộc xung đột Mỹ-Iran, nếu xét đến các đợt triển khai mang tính địa lý và chiến lược của Iran. Song, ông cũng lưu ý rằng ở đây không đề cập tới yếu tố kinh tế bởi nó sẽ bao gồm cả những quốc gia khác trong khu vực, như Azerbaijan.

Nga, Iran và Azerbaijan mới chỉ hợp tác trong một dự án giao thông lớn duy nhất, đó là hành lang giao thông quốc tế Bắc-Nam (INSTC).

"Năm 2006, sau kết quả của một hội nghị đặc biệt, tôi đã đưa ra một báo cáo nói về những gì có thể xảy ra sau khi Washington loại bỏ Iran.

Phía Iran đã muốn dịch lại và phát hành báo cáo này tại đất nước của họ, nhưng vì một số lý do nào đó mà họ không thể thực hiện được.

Vấn đề chính là với việc giải phóng các lực lượng thân Mỹ tới phía nam vùng Caspi, toàn bộ liên kết chính trị - quân sự ở khu vực rộng lớn nối Trung Á và Kavkaz qua Biển Caspi sẽ thay đổi.

Tình hình cũng sẽ thay đổi đáng kể đối với từng quốc gia, như với chính Azerbaijan, bởi ở phía bắc Iran có hàng chục triệu người dân tộc Azerbaijan, trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, họ rất có thể sẽ trở thành người tị nạn.

Bản thân Nga sẽ không bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Iran, như ở Afghanistan. Còn Trung Quốc khó có thể chiến đấu vì Iran.

Nhưng trong trường hợp nào thì Trung Quốc cũng ở rất xa, còn Nga lại ở gần. Do đó, bất cứ hành động nào của Mỹ nhằm tái định hình không gian hậu Xô Viết đều sẽ có ảnh hưởng tới lợi ích tức thời của họ. Khi nhận ra điều đó, Washington sẽ tìm cách kéo Nga vào một cuộc chiến tranh thực sự" - chuyên gia Trofimchuk nhận định.

Iran công bố video tấn công tên lửa vào các căn cứ Mỹ tại Iraq. Nguồn: Telegraph

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại