Chuyên gia: Mỹ và NATO đừng dại dột coi thường pháo đài phòng thủ của Nga!

Trung Phạm |

Không phận Nga hiện nay không những được bảo vệ bởi các hệ thống tên lửa tuy cũ nhưng vẫn rất uy lực từ thời Liên Xô mà còn được che chắn bằng những công nghệ tiên tiến nhất.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Trong khi Quân đội Mỹ tập trung nguồn lực đầu tư vào các công nghệ tàng hình phục vụ cho mục đích chọc thủng hệ thống phòng không của đối phương thì Nga lại không ngừng phát triển những công nghệ phòng thủ để đáp trả mối đe dọa này.

Do đó, bất cứ kế hoạch chiến trang nào của NATO nhằm vào không phận Nga đều buộc phải tính toán tới các khả năng giảm thiểu nguy cơ thiệt hại khi phải đối diện với một môi trường tác chiến chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2/AD) hết sức tinh vi mà Moscow đã thiết lập.

Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã đầu tư rất nhiều nguồn lực xây dựng một hệ thống phòng không tích hợp, được thiết kế thành nhiều lớp bổ trợ cho nhau trên các tầng phòng thủ, từ tầm xa, tầm trung cho tới tầm gần.

Không phận Nga hiện nay không những được bảo vệ bởi các hệ thống, tuy cũ nhưng vẫn rất hiệu quả từ thời Liên Xô, mà còn được che chắn bằng những công nghệ mới nhất.

Cuộc tập trận Vostok 2018 gần đây là một minh chứng rõ ràng cho điều đó khi Nga đã huy động một hệ thống phòng không tích hợp để đáp trả một cuộc tấn công mô phỏng bằng lực lượng không quân vũ trụ quy mô lớn.

Cuộc tập trận có sự tham gia của một loạt hệ thống phòng không với các tầm tấn công khác nhau, từ tầm xa như S-300 hay mới hơn nữa là S-400, cho tới tổ hợp tầm trung Buk và tầm gần Tor và Pantsir-S1.

Mạng lưới phòng không hiện đại của Nga gồm nhiều hệ thống được thiết kế để đối phó nhiều chủng loại mục tiêu ở các trần hoạt động khác nhau như máy bay không người lái, phi cơ chiến đấu và tên lửa hành trình.

Việc Nga cho điều động các hệ thống này để đáp trả đòn tấn công ồ ạt từ trên không là một thông điệp rõ ràng mà Moscow muốn gửi tới NATO: Nước Nga thực sự là một trận địa mìn cài sẵn, luôn sẵn sàng đối với bất cứ thế lực nào dám mạo hiểm xâm phạm.

Chuyên gia: Mỹ và NATO đừng dại dột coi thường pháo đài phòng thủ của Nga! - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-300 phóng tên lửa tại Hội thao Quân sự Quốc tế 2017. Ảnh: Reuters

Những pháo đài bất khả xâm phạm

Không quân Mỹ là một trong những lực lượng tiên tiến nhất thế giới có bề dày kinh nghiệm đối phó với các hệ thống phòng không của kẻ thù bằng các chiến thuật tác chiến điện tử tối tấn, công nghệ tàng hình và tên lửa hành trình, chẳng hạn như Tomahawk.

Tuy nhiên, phần lớn các hệ thống phòng không mà Không quân Mỹ từng phải đối điện là những hệ thống đã có tuổi từ thời Liên Xô chứ không phải những mạng lưới uy lực như hiện nay được Nga triển khai bảo vệ biên giới và không phận.

Theo chuyên gia Adam Cabot của Tạp chí The National Interest, đừng thấy những hạn chế mà Quân đội Nga bộc lộ qua cuộc chiến ở Chechnya hay Georgia năm 2008 mà "dại dột" đánh giá thấp những pháo đài phòng không Nga đã hiện đại hóa và triển khai để đối phó với phương Tây, lực lượng vốn có thiên hướng ỷ lại vào sức mạnh không quân.

Một minh chứng tuyệt vời cho tính hiệu quả của hệ thống phòng không mặt đất chính là cuộc chiến Yom Kippur năm 1973.

Thay vì đánh giá thành công chỉ dựa vào số lượng máy bay Israel bị bắn hạ trong cuộc xung đột với Ai Cập, một tài liệu giải mật của CIA đã chỉ ra mức độ hiệu quả mà các hệ thống tên lửa đất đối không do Liên Xô chế tạo trong các sứ mệnh chế áp chiến dịch không kích của Israel.

Tài liệu này chỉ rõ, các lực lượng mặt đất của Ai Cập đã tránh được những thiệt hại to lớn trong một số trường hợp mà Không quân Israel đã không dám đụng đến khu vực phòng thủ chính của Cairo.

Chuyên gia: Mỹ và NATO đừng dại dột coi thường pháo đài phòng thủ của Nga! - Ảnh 2.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Reuters

Những thách thức mà máy bay Israel phải đối diện năm 1973 chỉ là một phần nhỏ mà NATO sẽ phải đối đầu nếu như khối này dám mạo hiểm xâm nhập không phận nước Nga.

Các hệ thống phòng không Nga chiếm ưu thế về tầm tấn công, độ chính xác và khả năng cơ động. S-400 là một minh chứng. Đây là một hệ thống cơ động cao, được cho là có tầm bắn lên tới 400 km.

Nếu được triển khai ở Kaliningrad, tầm tấn công của S-400 không những bao trùm lên toàn bộ các quốc gia Baltic mà còn cả phần lớn diện tích lãnh thổ Ba Lan. Do đó, bất cứ một lực lượng mặt đất nào của Nga, nếu hiện diện ở những vùng lãnh thổ này sẽ đều được đặt trong tầm bảo vệ của S-400.

Theo chuyên gia Adam Cabot, thời gian qua Nga đã đầu tư đáng kể công sức và nguồn lực để xây dựng một mạng lưới phòng thủ A2/AD mà nòng cốt của nó chính là hệ thống phòng không tích hợp thuộc dạng tiên tiến và uy lực bậc nhất thế giới. Đó là một thực tế có lẽ không cần phải bàn cãi.

Hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga thực chiến

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại