F-117 gãy cánh ở Serbia: "Bóng Ma" cũng phải gục ngã trước tên lửa Nga

Trung Phạm |

Người chỉ huy bắn hạ F-117 là Đại tá Serbia Zoltán Dani, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Tên lửa Phòng không 250 có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Belgrade của Nam Tư cũ.

8 giờ tối ngày 27/3/1999, một máy bay chiến đấu màu đen với dáng vẻ kỳ dị xé toạc bầu trời đêm Serbia. Đó chính là chiếc F-117 Nighthawk, loại máy bay ném bom tàng hình đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt động mang số hiệu Vega-31 và được gọi bằng biệt danh "Bóng Ma".

Vài phút trước đó, nó vừa thực hiện xong phi vụ thả hai quả bom điều khiển laser Paveway tấn công các mục tiêu gần Thủ đô Belgrade của Nam Tư cũ. Trung tá Dale Zelko, phi công điều khiển chiếc F-117 Nighthawk này là một cựu binh dày dặn kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Ngày 21/2, 12 chiếc Nighthawk đã được triển khai tới căn cứ Aviano ở Italy để tham gia chiến dịch Sức mạnh đồng minh (Allied Force) - chiến dịch ném bom của NATO với mục đích gây sức ép buộc Belgrade phải rút quân ra khỏi tỉnh Kosovo sau cáo buộc Tổng thống Slobodan Milosevic đã đàn áp dân thường Albani.

Thời điểm đó, Quân đội Quốc gia Nam Tư (JNA) trang bị hỗn hợp nhiều loại tên lửa đất đối không (SAM) S-75 và S-125 được chế tạo từ những năm 1950 và 1960 cùng các hệ thống SAM cơ động 2K12 Kub và tiêm kích hai động cơ MiG-29 Fulcrum.

Các phương tiện này bộc lộ một mối đe dọa tương đối với phi đội máy bay chiến đấu của NATO, buộc chúng phải hoạt động ở trần bay cao hơn và phải được hộ tống bởi các máy bay chế áp điện tử như EA-6B Prowler.

Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, do điều kiện thời tiết xấu, Prowler đã phải nằm yên dưới mặt đất. "Bóng Ma" và các máy bay tháp tùng được điều động thay thế do chúng có tiết diện phản xạ radar nhỏ hơn nên giảm bớt nguy cơ bị phát hiện và bắn hạ.

Đột nhiên, Zelko phát hiện thấy hai đốm sáng rọi thẳng vào đám mây bên dưới, chiếu tới vị trí của ông với vận tốc ước tính gấp 3,5 lần vận tốc âm thanh. Đó chính là các tên lửa dẫn đường radar V-601M bắn đi từ hệ thống phòng không S-125M Neva.

Được đẩy bằng động cơ nhiên liệu rắn hai tầng, một trong những quả tên lửa có chiều dài 6 m đó bay gần tới mức khiến chiếc Vega 31 phải rung lắc khi chúng vọt qua. Nhưng quả tiếp theo đã kích nổ đầu đạn nặng 154 pound (70 kg), bắn trúng máy bay của Zelko.

Hậu quả là, "Bóng Ma" mất lái lao đầu xuống dưới đất. Trong lực mạnh tới mức Zelko chỉ kịp bật ghế lái nhảy thoát khỏi chiếc Nighthawk xấu số.

F-117 gãy cánh ở Serbia: Bóng Ma cũng phải gục ngã trước tên lửa Nga - Ảnh 1.

Hai binh sĩ Mỹ bảo vệ một chiếc máy bay tàng hình F-117 tại Căn cứ Không quân Spangdahlem phía Tây Nam Bonn, Đức ngày 4/4/1999. Ảnh: Reuters

Tên lửa "cổ lỗ" Liên Xô đã quật ngã F-117 như thế nào?

Làm thế nào mà một hệ thống tên lửa "cổ lỗ sĩ" của Serbia có thể bắn hạ chiếc máy bay tàng hình tối tân này?

Đối thủ của Zelko đêm đó là Đại tá Serbia Zoltán Dani, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Tên lửa Phòng không 250 có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Belgrade của Nam Tư.

Dani hội tụ đầy đủ phẩm chất của một chỉ huy chiến trường "máu lửa", người trước đó đã dày công nghiên cứu các chiến thuật chế áp hỏa lực phương Tây. Ông liên tục di chuyển các tổ hợp phòng không Neva, ngược hoàn toàn với cách bố trí ở những địa điểm cố định mà các đơn vị tên lửa của Iraq và Syria đã thực hiện ở Trung Đông.

Dani ra lệnh cho các kíp chiến đấu của mình chỉ được kích hoạt các radar chỉ thị mục tiêu mỗi lần không quá 20 giây, sau đó lại lập tức di chuyển đến vị trí mới, ngay cả khi chưa hề khai hỏa.

Bình thường, S-125M không được xem là hệ thống SAM cơ động nhưng Zoltan đã yêu cầu đơn vị thục luyện rút ngắn thời gian tái triển khai các tên lửa này xuống chỉ còn 90 phút (thời gian tiêu chuẩn là 150 phút).

Trong khi các tổ hợp tên lửa di chuyển như coi thoi từ vị trí này qua vị trí khác, Dani cũng cho thiết lập các trận địa SAM giả, radar đánh lừa mục tiêu từ các tiêm kích MiG để chuyển hướng tên lửa tấn công của NATO.

Chính nhờ chiến thuật đánh lừa này và liên tục di chuyển, đơn vị của Zoltan đã không để mất bất cứ một tổ hợp SAM nào cho dù có tới 23 tên lửa HARM từ các máy bay chiến đấu của NATO tấn công lữ đoàn của ông.

Trước đó, Dani đã phát hiện ra rằng radar trinh sát tầm xa P-18 (mã định danh NATO: Spoon Rest-D) biên chế cho đơn vị của ông có thể bám bắt được các máy bay Nighthawk trong phạm vi 15 dặm khi điều chỉnh ở băng tần thấp nhất có thể, ở mức mà trên thực tế, các bộ thu cảnh báo radar của NATO không thể căn chỉnh để phát hiện ra chúng.

Tuy nhiên, khi đặt ở chế độ băng tần thấp thì các radar lại thiếu tính chính xác và không đạt được chế độ khóa mục tiêu. Thế nhưng, giới điều khiển bay NATO lại lập trình cho các máy bay tàng hình của họ bay theo tuyến cố định có thể phát hiện được.

Nguy hiểm hơn, người Serbia đã xâm nhập được mạng lưới liên lạc của NATO và đo đó có thể nghe được các cuộc điện đàm giữa máy bay Mỹ và máy bay phát radar trên không dẫn hướng cho chúng, nhờ đó Dani đã lập được bản đồ chính xác hành trình của máy bay đối phương.

Viên chỉ huy Tiểu đoàn 3 đã quyết định tấn công các máy bay tàng hình bằng cách triển khai các tổ hợp S-125M ở góc ngắm bắn khi các máy bay NATO trên đường quay trở về Italy. Điểm mấu chốt ở đây là các máy bay tàng hình có thể bị phát hiện bằng radar tấn công băng tần cao ở khoảng cách ngắn.

Dani cho biết, ông đã được các điệp viên ở Italy thông báo rằng các máy bay Prowler sẽ không cất cánh trong ngày hôm đó, vì vậy ông mạo hiểm cho tái kích hoạt radar chỉ thị mục tiêu lần thứ hai thay vì di chuyển ngay lập tức, nhưng không hiệu quả.

Cuối cùng, trong nỗ lực lần thứ 3, một tổ hợp S-125M đã khóa được "Bóng Ma" khi nó chỉ ở vị trí cách xa có 8 dặm. Thời cơ ngàn vàng đã đến khi chiếc F-117 mở cửa khoang vũ khí để thả bom khiến tiết diện phản xạ radar của nó tăng lên.

F-117 gãy cánh ở Serbia: Bóng Ma cũng phải gục ngã trước tên lửa Nga - Ảnh 2.

F-117 Nighthawk bay trên sa mạc Nevada. Ảnh: KQ Mỹ

Cựu thù và tình bạn

Sau khi nhảy dù khỏi máy bay, Zelko trối dưới một mương nước và đã may mắn không bị bắt trong chiến dịch lùng sục của Serbia. Tối hôm sau, Zelko được một đội tìm kiếm cứu nạn của Không quân Mỹ cứu thoát bằng một chiếc trực thăng MH-60G Pave Hawk.

Sau này, thêm một chiếc F-117 nữa bị tấn công vào ngày 30/4 nhưng nó chỉ bị hư hại và đã trở lại căn cứ an toàn.

Sau khi trúng tên lửa, "Bóng Ma" lao xuống đất Nam Tư gần làng Budanovci. Ngày nay, nhiều mảnh vỡ của F-117 vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Không quân Serbia ở Belgrade. Tuy nhiên, nhiều bộ phận khác được cho là đã "bay" sang Nga và Trung Quốc để phục vụ cho các chương trình chế tạo máy bay không người lái của hai nước này.

Sự kiện chiếc F-117 bị bắn hạ là một tình huống khó xử với Không quân Mỹ mặc dù may mắn nó đã không gây chết người. Cho tới nay, vụ việc vẫn thường xuyên được viện dẫn như một minh chứng cho thấy các máy bay tàng hình tối tân vẫn có thể "dễ dàng" bị bắn hạ bởi các hệ thống SAM cổ lỗ từ thời Liên Xô.

Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Chiến thuật sử dụng radar băng tần thấp của Zoltan để phát hiện máy bay tàng hình từ khoảng cách xa vẫn là mấu chốt của các chiến thuật chống tàng hình ngày nay. (Cách khác nữa là sử dụng cảm biến hồng ngoại, mặc dù bị hạn chế tác dụng ở khoảng cách từ 30 - 60 dặm).

Tuy nhiên, bắt được một phương tiện bằng radar băng tần cao hay vũ khí tầm nhiệt ở khoảng cách đủ gần để bắn hạ một máy bay tàng hình vẫn là một thách thức rất lớn.

Nhưng sau tất cả, phi cơ tàng hình vẫn có thể bị phát hiện. Hơn nữa, Dani đã may mắn có được thông tin tình báo tốt về hành trình bay của F-117, qua đó cho phép ông bố trí tên lửa ở rất gần góc tiếp cận Vega-31. Mặt khác, Nighthawk được thiết kế từ những năm 1970 nên có tiết diện phản xạ radar lớn hơn F-22 và F-35 hiện nay.

Bài học rút ra ở đây là máy bay tàng hình không thực sự "vô ảnh", đến mức không thể phát hiện được, và đối thủ vẫn có thể tìm được cách tấn công hoặc đẩy chúng vào góc chết.

Zelko và Dani sau này đã gặp lại nhau trong những bối cảnh thân thiện hơn. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Tên lửa Phòng không 250 quay trở lại với nghề làm bánh ở quê nhà Skorenovac. Hai địch thủ cũng đã cùng nhau tham gia một một phim tài liệu về sự gặp gỡ của họ và chia sẻ về tình bạn sau này.

F-117A Nighthawk: Thời "oanh liệt" nay còn đâu?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại