Ngày 23/7, thông qua một tài liệu chính thức được Liên Hợp Quốc (LHQ) phê chuẩn, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một khái niệm mới về an ninh tập thể cho Vịnh Ba Tư.
Theo đó, Moscow nhấn mạnh rằng tiến trình xây dựng một hệ thống an ninh ở Vịnh Ba Tư nên bắt đầu bằng "các cuộc tham vấn song phương và đa phương giữa các bên liên quan, gồm cả các nước trong khu vực và ngoài khu vực", cùng các tổ chức như Hội đồng Bảo an LHQ, Liên đoàn các quốc gia Ả Rập, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.
Bước tiếp theo sẽ là một hội nghị quốc tế về an ninh và hợp tác ở Vịnh Ba Tư, rồi thành lập một tổ chức chuyên trách nhưng chắc chắn không phải là mô hình giống như Liên đoàn Ả Rập, bởi thể chế này đã không phát huy được tác dụng như kỳ vọng.
Sáng kiến của Nga được nhìn nhận là đề xuất tiến tới thành lập một dạng tổ chức tương tự hoặc chủ yếu là để bổ sung cho Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - một cơ chế về an ninh, kinh tế và chính trị.
Bộ Quốc phòng Mỹ tất nhiên không thích thú gì với đề xuất này.
Gần đây, khi tư lệnh Hải quân Iran Hossein Khanzadi đến thăm St Petersburg tham dự lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Iran và Bộ Quốc phòng Nga đã ký một bản ghi nhớ chưa từng có.
"Bản ghi nhớ này có thể được coi là một bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran và Moscow theo quỹ đạo phòng thủ", ông Khanzadi tuyên bố.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Iran do Nga cung cấp trong một buổi lễ duyệt binh ở Tehran
Kết quả trực tiếp rõ nhất là trước tháng 3/2020 Moscow và Tehran sẽ cùng phối hợp tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung ở tất cả các địa điểm trên Eo biển Hormuz.
Tư lệnh Hải quân Iran Khanzadi phát biểu trên hãng thông tấn IRNA: "Cuộc tập trận có thể được tổ chức từ phía Bắc Ấn Độ Dương, đến Vịnh Ô-man, qua Eo biển Hormuz và vào Vịnh Ba Tư".
Hải quân Mỹ, lực lượng đang sốt sắng thúc đẩy kế hoạch thành lập một liên minh quốc tế đảm bảo "tự do hàng hải" ở Eo biển Hormuz chắc chắn sẽ không vui vẻ gì với hoạt động trên của Iran và Nga.
Ông Khanzadi cũng nhấn mạnh, Tehran và Moscow luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng ở Biển Caspi. Các cuộc tập trận chung giữa hai nước đã diễn ra ở Caspi trong quá khứ nhưng chưa bao giờ được tổ chức trên Vịnh Ba Tư.
Những gì mà Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev phát biểu tại cuộc hội đàm 3 bên cùng với Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton và Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat ở Jerusalem là không thể nhầm lẫn.
"Iran luôn luôn là đồng minh và đối tác của chúng tôi, vì vậy chúng tôi luôn phát triển quan hệ trên cả cơ sở song phương và trong cả các thể chế đa phương."
Tuyên bố mạnh mẽ này khiến những suy đoán vô căn cứ cho rằng Moscow đang "phản bội" Tehran trên nhiều mặt trận, từ cuộc chiến kinh tế toàn diện do chính quyền Donald Trump áp đặt cho tới việc giải quyết vấn đề Syria là hoàn toàn không có cơ sở.
Theo chuyên gia phân tích địa chính trị độc lập Pepe Escobar, Nga hiện đang thúc đẩy một kế hoạch hoàn toàn trái ngược với các biện pháp trừng phạt, đe dọa và chiến tranh kinh tế của phương Tây, qua đó đưa quan hệ giữa Moscow và Tehran ngày càng trở nên gần gũi và gắn bó lợi ích với nhau hơn.
Vì vậy, Pepe Escobar cho rằng nếu Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây mạo hiểm tấn công Iran thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tấn công vào các lợi ích của chính Nga.
Iran triển khai các hệ thống tên lửa S-300 tới gần Vịnh Ba Tư