Tổng thống Donald Trump đang sử dụng thuế quan như một công cụ để đánh vào các đối tác thương mại mà ông cho rằng đang làm tổn thương khách hàng Mỹ.
Với Bắc Kinh, vấn đề này đang gây ra những tác động không hề nhỏ với lực lượng Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), buộc họ phải cắt giảm các kế hoạch đóng tàu đầy tham vọng hiện nay.
Tờ South China Morning Post dẫn lời một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết, "căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ cần phải cẩn trọng với số tiền dự định bỏ ra cho việc phát triển các tàu chiến mới".
Những năm vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh tham vọng khuếch trương sức mạnh bằng cách đóng mới hàng loạt tàu chiến, gồm cả tàu sâu bay nhằm hỗ trợ cho các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông và thách thức sức mạnh của Hải quân Mỹ trên khắp các đại dương.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, tính tới cuối năm ngoái, PLAN đã có 300 tàu chiến so với con số 287 của Mỹ.
Tuy nhiên, con số đó không phản ánh chính xác cán cân sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc bởi vì Hải quân Mỹ sở hữu các nhóm tác chiến tàu sân bay lớn mà cho đến nay chưa có quốc gia nào có thể đủ sức thách thức, xét về sức mạnh quân sự thuần túy và khả năng khuếch trương ra toàn cầu.
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc huấn luyện tác chiến trên biển. Ảnh: USNI
Lực lượng hải quân hai quốc gia đã từng đối đầu nhau ở Biển Đông. Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động qua lại trên vùng biển này để đảm bảo quyền "tự do hàng hải".
Trung Quốc luôn cảnh giác với khả năng Mỹ sẽ can thiệp trong trường hợp chiến tranh nổ ra với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn coi là một tỉnh không thể tách rời của mình và không chấp nhận tuyên bố quyền độc lập.
Nguồn tin của South China Morning Post cho biết, chi phí cơ bản để đóng một tàu sân bay trang bị vũ khí công nghệ cao, các hệ thống điều khiển, liên lạc và máy bay chiến đấu tiên tiến sẽ rơi vào khoảng 50 tỷ Nhân Dân Tệ (7,2 tỷ USD). Con số này với các tàu khu trục Type 055 sẽ là hơn 6 tỷ NDT.
Ngoài chi phí đóng, nguồn ngân sách để duy trì và sửa chữa các tàu chiến này sẽ là một gánh nặng bổ sung cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế này, chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030, trong đó sẽ có 3 nhóm sẵn sàng chiến đấu tại bất kỳ thời điểm nào.
Hiện tại, Trung Quốc có hai tàu sân bay: tàu Liêu Ninh lớp Kuznetsov của Liên Xô mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 1998, được PLAN đưa vào sử dụng từ tháng 9/2012 và Type 001A - tàu sân bay đầu tiên được chế tạo trong nước.
Mặc dù hiện đại hóa quân đội và nâng cấp tiêu chuẩn vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng về dài hạn rõ ràng Bắc Kinh cần phải xem xét lại chiến lược chi tiêu quốc phòng của mình trước bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết.
Video Trung Quốc phô diễn sức mạnh hải quân