Sử dụng điện thoại để truy cập mạng xã hội, game online quá 2 tiếng/ ngày sẽ có nguy cơ trầm cảm
Sống ở thời đại công nghệ số, điện thoại luôn là vật bất ly thân của mỗi người mà trong đó các mạng xã hội, những trò chơi online là nơi để giao lưu, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Vì vậy, không ít chị em sau sinh đã quá say mê, quên ăn, quên ngủ sống chung với chúng và cho đó là trò giải trí, giảm stress trong thời gian ở cữ.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. BS Cao cấp Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, Học viện Quân Y, Bệnh viện Quân Y 103 phân tích: "Theo nghiên cứu của Trung Quốc và một số nước trên thế giới, chỉ cần sử dụng mạng hoặc game online 2 tiếng/ngày, liên tục trong một tháng thì được coi là nghiện internet, nghiện game".
PGS.TS. BS Cao cấp Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, Học viện Quân Y, Bệnh viện Quân Y 103.
Giống như các loại nghiện chất (rươụ, cà phê, thuốc lá, ma tuý) thì nghiện hành vi như: game, mạng xã hội, nghiện quyền lực...đều ảnh hưởng đến vấn đề về tâm lý.
Nghiện tức là khi bản thân tham gia chơi thì cơ thể sẽ tiết ra một số chất làm cho con người hưng phấn, vui vẻ, thích thú. Lúc không chơi thì trong người không còn chất kích thích đó, gây khó chịu, buồn bực và điều này thúc đấy người chơi phải tiếp tục đẻ thoản mãn niềm vui.
Vì vậy, khi chơi game hoặc truy cập internet, mạng xã hội quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, cơ thể mệt mỏi, đầu óc căng thẳng...Điều này dễ đến trầm cảm và một số bệnh lý khác.
Hiện nay, nhiều phụ nữ sau sinh thường xuyên ôm điện thoại buôn chuyện, truỵ cập mạng xã hội... nghĩ rằng để giảm stress nhưng nó lại sinh ra nhiều vấn đề về tâm sinh lý. Không chỉ bị trầm cảm mà phụ nữ sau sinh còn có thể nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác như: rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu."
Trên trang Khoa học cũng đã từng đưa ra một nghiên cứu được đại học Pittsburgh tiến hành trên 1.787 người trưởng thành tình nguyện có độ tuổi từ 19 đến 32 tuổi.
Theo đó mỗi ngày họ truy cập các trang mạng xã hội trung bình 60 phút và trung bình 30 lần/tuần. Kết quả ghi nhận những người nghiện mạng xã hội dễ bị trầm cảm hơn những người dùng thông thường 2,7 lần và 1,7 lần so với người có tần suất truy cập ít hơn.
Họ cho biết nguyên nhân của vụ việc không đơn giản như chúng ta đã nghĩ, nó bao gồm những mối liên kết rất phức tạp: Nhiều người cảm thấy chán nản và vùi mình vào mạng xã hội với hi vọng lắp đầy khoảng trống trong đầu (trong lòng). Và đây là nguyên nhân khiến họ bị trầm cảm và ngày càng lún sâu hơn.
70% phụ nữ sau sinh bị trầm cảm không được tư vấn, điều trị
Theo PGS.TS Cao Tiến Đức, 80% bệnh nhân trầm cảm trên thế giới chưa được khám và điều trị. Thậm chí, có nhiều bệnh nhân tử vong nhưng vẫn chưa biết nguyên nhân là trầm cảm.
Do chủ quan và không quan tâm đến sức khoẻ tâm thần nên hầu hết người dân nói chung, phụ nữ sau sinh nói riêng không chịu tìm hiểu, coi nhẹ hoặc bỏ qua bệnh trầm cảm.
Bệnh trầm cảm sau sinh được chia nhiều cấp độ: nhẹ, vừa, nặng và rất nặng. Bệnh có thể tự khỏi sau một vài tuần. Vì thế, nhiều chị em sau sinh có dấu hiệu trầm cảm, sau thời gian không thấy bệnh nữa và nghĩ rằng, bản thân đã điều trị được chứng trầm cảm của mình.
Tuy nhiên nếu không được thăm khám, điều trị theo dấu hiệu bệnh thì có thể tái phát và bệnh sẽ nặng hơn, gây hậu quả nghiêm trọng mà không lường trước được.
Đồng quan điểm, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho biết, trầm cảm sau sinh nhẹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt nhưng nếu không được khám sàng lọc và điều trị kịp thời thì bệnh tiến triển khá nhanh và nguy hiểm. 70% phụ nữ sau sinh bị trầm cảm mà không được tư vấn, điều trị.
"Đa số mọi người nhắc đến sức khoẻ tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng thường sợ bị dị nghị, kỳ thị, người thân xấu hổ với hàng xóm xung quanh, người thân .Vì vậy, không dám đến khoa, bệnh viện tâm thần tư vấn và khám, điều trị mà chấp nhận chịu đựng. Điều đó càng làm gia tăng số lượng bệnh trầm cảm sau sinh", BS Thu chia sẻ.
Có thể phòng ngừa trầm cảm sau sinh từ xa bằng những điều đơn giản nhất
PGS.TS Cao Tiến Đức cho biết, để phòng ngừa chứng trầm cảm sau sinh, các chị em cần phải bồi dưỡng sức khoẻ chung trước và trong khi mang bầu, chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý.
Rèn luyện ý chí, nghị lực, tinh thần trước khi làm mẹ. Tức là phải tìm hiểu, khi làm mẹ sẽ phải làm gì, chịu đựng những gì, trải qua những gì... Và tập xác định những việc đó bình thường, chứ không nên cảm thấy là tra tấn, cực khổ.
Bên cạnh đó, theo BS Thu, chị em nên chủ động đi tư vấn tâm lý, khàm sàng lọc trước, trong hoặc sau sinh để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
TS.BS Nguyễn Kim Dung - Phụ trách khoa Sản khoa, bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp khuyên rằng, sau khi sinh, người mẹ cũng có thể tách con khoảng 1 tuần để dành cho mình nghỉ ngơi, hồi phục sức khoẻ và tinh thần. Để làm được điều này, cần sự chia sẻ, hỗ trợ của người thân trong gia đình.