Giáo sư y khoa hướng dẫn cách để bạn có thể tự chữa bệnh trầm cảm cho chính mình

Vân Hồng |

Giáo sư Lý Hồng Phu, chuyên gia tâm lý và thần kinh (Trung Quốc) chia sẻ những giải pháp giúp bạn tự chữa trầm cảm cho chính mình, nhanh chóng vượt qua những thời khắc khó khăn.

Chứng trầm cảm vốn là một bệnh lý thần kinh phổ biến với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Mức độ mắc bệnh cao hay thấp thể hiện thông qua hành vi và thái độ của người bệnh và có thể để lại những hậu quả khó lường.

Trầm cảm được chia thành 2 mức độ, cảm thấy bị trầm cảm và đã mắc chứng trầm cảm. Trong trường hợp nhẹ, người rơi vào trạng thái này nên tự nhận biết và điều chỉnh bản thân kịp thời để tránh bệnh nặng.

Giáo sư Lý Hồng Phu, chuyên gia tâm lý và thần kinh (Trung Quốc) chia sẻ những giải pháp giúp bạn tự chữa trầm cảm cho chính mình, nhanh chóng vượt qua những thời khắc khó khăn.

1. Tập thể dục hoặc làm những việc yêu thích

Những người mắc bệnh trầm cảm có một đặc điểm chung là ít vận động, thiếu hoạt bát hoặc thiếu giao lưu. Theo giáo sư Phu thì nếu rơi vào trạng thái trầm cảm, trước hết bạn nên tập thể dục. Đây được xem là cách hiệu quả hơn việc uống thuốc.

Buổi sáng nên dậy sớm, làm việc và vận động theo cách mà bạn cảm thấy tiện lợi. Vào buổi sáng, không khí trong lành hơn, bạn có thể làm những việc mình cảm thấy yêu thích, thông qua đó có thể thức tỉnh các tế bào, thả lỏng bản thân, từ đó tâm trí sẽ được thư giãn, là cách tự vỗ về bản thân, xoa dịu các cảm giác tiêu cực.

Giáo sư y khoa hướng dẫn cách để bạn có thể tự chữa bệnh trầm cảm cho chính mình - Ảnh 1.

2. Hãy ra ngoài để giao du nhiều hơn

Những người tự nhốt mình ở nhà, tránh tiếp xúc với mọi người là những biểu hiện thường gặp của trầm cảm, và đây là điểm sai lầm đầu tiên cần phải thay đổi.

Những người mắc bệnh trầm cảm thường cảm thấy tâm trạng đi xuống, tự đánh giá bản thân quá thấp, so sánh với người khác và thấy bản thân thua kém họ, làm việc gì cũng không tốt, cuộc sống thất bại. Từ đó bản thân tự rút lui khỏi xã hội, sống ẩn mình và bệnh càng trở thêm nặng hơn, trở thành một cái vòng luẩn quẩn không thoát ra được.

Muốn thay đổi vòng luẩn quẩn ấy thì buộc phải đi ra ngoài, tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè, tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc đi du lịch. Dù cho ban đầu, bạn có thể cảm thấy khó khăn, nhưng theo thời gian, bạn sẽ bớt đi sự mặc cảm, dần dần lấy lại sự tự tin và vui vẻ hơn.

3. Tập thở thư giãn

Tập thở đúng là một trong những phương pháp điều trị các bệnh liên quan đến tâm trạng, tim mạch, thần kinh. Chất lượng hơi thở quyết định chất lượng cuộc sống. Hít thở xuất hiện từ thời khắc bạn chào đời cho đến khi kết thúc cuộc đời, vì thế nó vô cùng quan trọng.

Về mặt tâm lý, tập trung vào các bài tập thở là một trong những cách kết nối cơ thể và tâm trí, xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực, giúp bạn trở về với con người thật của mình để lắng nghe bản thân mong muốn điều gì.

Từ góc độ y học, hơi thở quyết định quá trình hô hấp, nhịp tim, nhu động ruột, hệ thần kinh… nên việc tự kiểm soát hơi thở có tác dụng vô cùng tốt trong việc sửa chữa và hoàn thiện lại những lỗi hỏng trong hệ thần kinh, mà không có dụng cụ y tế hay loại thuốc nào có thể thay thế được.

Việc tập thở có thể thực hành vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ, nhẹ nhàng nhắm mắt lại trong lúc tập luyện, tập trung vào hơi thở, không để cho bất kỳ một suy nghĩ nào nảy sinh trong đầu.

Mỗi lần tập thở có thể kéo dài trong 10 phút, nếu có thời gian bạn có thể tăng dần lên 20-40 phút. Sau khi tập thở xong, bạn sẽ thấy cơ thể hoàn toàn thay đổi, tâm trạng và nhịp tim đều tốt lên bội phần.

Giáo sư y khoa hướng dẫn cách để bạn có thể tự chữa bệnh trầm cảm cho chính mình - Ảnh 2.

4. Ngồi thiền, thư giãn sâu

Thiền là một hoạt động vô cùng tốt đối với tâm trí, tâm trạng và sức khỏe. Thông qua thiền, có thể làm giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm và cảm xúc tiêu cực khác, thường xuyên thực hành thiền định sẽ nâng cao nhận thức và giúp đỡ ở những bệnh nhân bị trầm cảm có được cảm hứng sống mới mẻ, tích cực hơn.

GS Phu chỉ ra rằng mặc dù thiền định có rất nhiều mức độ khác nhau, nhưng phương pháp mà ông đề xuất ở đây là thực hành thiền định đơn giản, chỉ bạn dành thời gian ngồi thiền trong bình tĩnh, thoải mái, dễ chịu, sau đó dùng não để tưởng tượng ra những điều tốt đẹp từ đó thay đổi tâm trạng, thay đổi suy nghĩ, cải thiện cảm xúc nhanh chóng.

5. Tự điều chỉnh cảm xúc

Trầm cảm là khi bạn thường xuyên đắm mình trong cảm xúc tiêu cực do mình tự suy diễn hoặc quy chụp, mặc dù đôi khi nghĩ điều đó là vô lý, nhưng vẫn không thể thoát ra khỏi cảm giác đó.

Để thực sự thay đổi nhận thức này, bạn cần phải liệt kê những điều mà bạn cảm thấy không hài lòng, từ đó phân tích xem những sai lầm đó cần phải thay đổi ở mức độ nào để điều chỉnh lại tâm trạng.

Sau khi nhận ra những cảm xúc bột phát thái quá của mình thông qua việc ghi chép, bạn sẽ dần dần điều chỉnh được và giải thoát khỏi nó một cách nhẹ nhàng.

Giáo sư y khoa hướng dẫn cách để bạn có thể tự chữa bệnh trầm cảm cho chính mình - Ảnh 3.

6. Nhờ sự giúp đỡ của người khác

Khi bạn nhân ra tâm trạng của mình xấu đi theo thời gian, bạn rơi vào vòng xoáy sâu thăm thẳm của sự căng thẳng, hãy nói chuyện này cho người thân và bạn bè để chia sẻ cảm xúc, từ đó nhờ họ giúp đỡ cách tốt nhất để cùng bạn vượt qua.

7. Đọc sách báo nhiều hơn

Hãy lựa chọn những quyển sách tốt, đọc một số sách về tâm lý học, triết học, bao gồm cả sách thuộc lĩnh vực Đạo giáo, Phật giáo có thể cải thiện trí tuệ và sự hiểu biết của chúng ta.

Thông qua việc chuẩn bị kiến thức và sự hiểu biết về cuộc sống và trải nghiệm những kinh nghiệm quý giá từ người khác sẽ giúp bạn hiểu rõ những khó khăn và thuận lợi trong cuộc sống. Từ đó có thể giải quyết được những vướng mắc của bản thân dễ dàng hơn, hạn chế rơi vào trầm cảm.

Giáo sư y khoa hướng dẫn cách để bạn có thể tự chữa bệnh trầm cảm cho chính mình - Ảnh 4.

*Theo Health/PCLady

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại