Chuyên gia giải mã cách ăn giúp người Nhật sống thọ, ít bệnh: Người Việt thừa sức làm được

Ngọc Minh |

Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, chế độ ăn là chìa khóa quan trọng giúp người Nhật tăng tuổi thọ, giảm gánh nặng bệnh tật.

Bữa ăn của người Nhật, ảnh minh hoạ.

Bữa ăn của người Nhật, ảnh minh hoạ.

Đa dạng trong ăn uống

Nhật Bản nổi tiếng là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới. Theo các chuyên gia, một trong những bí quyết giúp cho người Nhật sống khỏe mạnh và có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới là chế độ dinh dưỡng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết: "Dinh dưỡng của Nhật theo tôi là tốt nhất thế giới. Vì người dân Nhật ai cũng có kiến thức và am hiểu về dinh dưỡng. Chính dinh dưỡng tốt giúp họ có sức khỏe tốt, đó là lý do tuổi thọ trung bình của người Nhật thuộc top cao nhất thế giới. Tôi còn nhớ có lần sang Nhật công tác, trên TV tại Nhật cũng thường xuyên có các chương trình giáo dục về dinh dưỡng".

Ưu điểm của bữa ăn của người Nhật là đa dạng thực phẩm. Người Nhật cũng ăn cá và rong biển nhiều. 

Chuyên gia giải mã cách ăn giúp người Nhật sống thọ, ít bệnh: Người Việt thừa sức làm được - Ảnh 1.

Bữa ăn của người Nhật rất đa dạng, ảnh minh hoạ.

"Đa dạng ở đây là rau phải có 3-4 loại rau, mỗi thứ một chút. Ví như rau sẽ có chút súp lơ, ít nấm, cà rốt, dưa chuột… Rau xanh xuất hiện rất nhiều trong bữa cơm của người Nhật.

Cơm của Nhật ngoài gạo còn có một chút đậu, ngô và trộn thêm rong biển. Thức ăn trong mâm cơm của người Nhật rất đa dạng. Cá luôn chiếm phần lớn số thức ăn chính và thực tế người Nhật ăn rất nhiều cá. Tuy nhiên, họ không hề bỏ qua các thực phẩm khác như gà, lợn, bò. Dù mỗi món chỉ chế biến một ít, nhưng rất đa dạng về thực phẩm trong mâm cơm.

Với người Nhật, canh miso rất phổ biến, món canh này xuất hiện ở cả những gia đình nghèo và  những người có điều kiện. Bát canh miso của họ cũng kết hợp rất nhiều thực phẩm như cá bào, đậu phụ, rong biển, hành lá…", PGS Lâm phân tích.

Đặc biệt, người Nhật Bản cũng rất hay ăn đậu phụ lên men, món ăn rất tốt cho sức khoẻ. Món ăn này có tác dụng chống mỡ máu cao và đột quỵ. Hiện nay, một số loại thuốc phòng đột quỵ cũng được làm từ đậu phụ lên men.

"Nhìn bề ngoài có thể thấy bữa cơm của người Nhật rất cầu kỳ với nhiều món ăn, tuy nhiên đó chính là khoa học, thể hiện kiến thức dinh dưỡng của người dân Nhật Bản rất tốt. Chính việc ăn đa dạng thực phẩm này sẽ giúp cơ thể không bị thiếu hụt chất, vì thế họ dự phòng bệnh tật rất tốt, nhất là bệnh không lây nhiễm.

Bản thân tôi làm việc tại Nhật, ăn cơm ở đó dù không ăn nhiều nhưng không cảm thấy đói, vì mình ăn đủ chất và vi chất. Trường hợp không ăn đủ chất thì đói rất nhanh, đói ở đây chính là đói vi chất, dù trong bữa ăn có thể cảm thấy bụng đã no", PGS Lâm cho biết.

Người Việt Nam có thể học hỏi được gì? 

Được thiên nhiên ưu đãi nên thực phẩm ở Việt Nam cũng rất đa dạng và phong phú, thậm chí hơn cả Nhật. Nhưng PGS Lâm cho rằng nhiều người chưa có đủ kiến thức về dinh dưỡng.

"Thực tế, nhiều người biết chế độ ăn của người Nhật là tốt, muốn học theo nhưng không làm được đến nơi, đến chốn. Tôi đã từng gặp nhiều bà mẹ khi đưa con tới khám dinh dưỡng "khoe" con ăn theo kiểu Nhật. Nhưng khi khám và kết quả xét nghiệm thì suy dinh dưỡng và thiếu chất", PGS Lâm nói.

Theo PGS Lâm, việc thực hiện theo chế độ ăn nào đó sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện sống, văn hóa ăn uống, kiến thức về dinh dưỡng, chứ không đơn thuần là "chỉ bê công thức của người khác về áp dụng".

Chuyên gia giải mã cách ăn giúp người Nhật sống thọ, ít bệnh: Người Việt thừa sức làm được - Ảnh 2.

Người Nhật ăn rất nhiều cá, ảnh minh hoạ.

Người Nhật có kiến thức về dinh dưỡng rất tốt. Trong các gia đình ở Nhật Bản luôn có một người nội trợ, có trách nhiệm lên thực đơn cho các bữa ăn hàng ngày.

"Họ là người có kiến thức dinh dưỡng rất tốt, thậm chí là phải đi học về dinh dưỡng chỉ nhằm mục đích phục vụ cho việc ăn uống của gia đình. Đó là lý do vì sao bữa ăn của người Nhật nhiều món ăn, đa dạng về thực phẩm, rất cân đối về dinh dưỡng.

Không chỉ gia đình, tại các trường học, việc lên thực đơn, cân đối dinh dưỡng cũng rất được chú trọng. Hay ngay ở hàng quán ăn cũng vậy, menu luôn có sẵn lượng calo để mọi người lựa chọn sao cho phù hợp với bản thân.

Tôi đã từng ăn một bát mỳ ở quán tại Nhật Bản, số lượng thịt của họ rất ít, chỉ có vài lát. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng và lượng calo không hề thiếu. Điều này rất khác với ở Việt Nam, thịt rất nhiều nhưng rau thì ít", PGS Lâm nói.

Hiện nay, trong mâm cơm truyền thống của người Việt, thông thường chỉ có một món mặn, một món rau và một món canh. Tuy nhiên, PGS Lâm cũng nhận định rằng việc ăn đa dạng thực phẩm còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, thời gian của mỗi gia đình dành cho việc nấu nướng.

"Ngay như bản thân tôi là chuyên gia dinh dưỡng, bữa cơm cũng chỉ có 2 món rau là cùng, thức ăn mặn cũng hôm cá, hôm thịt kết hợp với ít trứng, ít đậu. Dù rất muốn nấu đa dạng thực phẩm nhưng thời gian có hạn", PGS Lâm nói.

Do thực phẩm ở Việt Nam rất phong phú đa dạng, người Việt muốn sống thọ và khỏe mạnh như người Nhật không hề khó, PGS Lâm nói. Tuy nhiên, muốn làm được như người Nhật, mọi người cần phải thay đổi từ trong tư tưởng và suy nghĩ.

"Đừng cho rằng việc nấu ăn là việc phụ, hãy coi đó là việc chính và rất quan trọng. Ngoài ra, cần phải nâng cao sự hiểu biết, kiến thức về dinh dưỡng để khi chế biến, bố trí thực phẩm cho cân bằng và hợp lý", PGS Lâm nói.

Chuyên gia giải mã cách ăn giúp người Nhật sống thọ, ít bệnh: Người Việt thừa sức làm được - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại