Chuyên gia: Đảo chính thất bại, Mỹ liều lĩnh dùng phương thức "ám hại" ở Venezuela?

Quốc Vinh |

Sau nỗ lực đảo chính không thành của Guaido, Mỹ có thể sử dụng cách thức bất hợp pháp là "ám sát" ở Venezuela nhằm tìm cớ can thiệp.

Mỹ có thể sử dụng "thủ đoạn" cuối cùng?

Nỗ lực đảo chính do Mỹ hậu thuẫn ở Venezuela đã không thành hiện thực với việc quân đội và các quan chức cấp cao vẫn đứng lên cho ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro – nhà lãnh đạo hợp pháp của quốc gia Nam Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Alfred de Zayas và giáo sư Julia Buxton, đã chia sẻ quan điểm của mình về những nỗ lực thất bại của Washington trong việc lật đổ chính quyền Maduro.

Theo Alfred de Zayas - luật sư, nhà văn, nhà sử học người Mỹ và là cựu báo cáo viên của Liên Hợp Quốc tại Venezuela - việc Washington thất bại trong nỗ lực thay thế Tổng thống Maduro bằng Juan Guaido (tổng thống lâm thời tự xưng) có thể khiến Mỹ tính đến giải pháp ám sát người đứng đầu hợp pháp của Venezuela .

"Tôi biết từ các nguồn tin đáng tin cậy rằng, trong vài tháng qua, Mỹ đã cung cấp số tiền khổng lồ và hứa hẹn các đặc quyền khác cho bất kỳ quan chức quân đội nào có ý định đào thoát", ông nói với Sputnik.

"Không có gì để hoài nghi, họ đã tài trợ cho mọi nỗ lực đảo chính, bao gồm cả những nỗ lực nhằm ám hại ông Maduro. Mỹ sẽ tiếp tục con đường này và có thể họ sẽ thành công trong việc phế truất ông Maduro".

Tuy nhiên, theo chuyên gia Zayas, ngay cả khi có phế bỏ quyền lực của Tổng thống Maduro, Mỹ sẽ không tiến gần hơn đến mục tiêu của mình:

"Căn cứ vào điều 233 của Hiến pháp Venezuela, Phó Tổng thống hiện tại, Delcy Rodriguez, sẽ trở thành Tổng thống lâm thời, chứ không phải Gauido, người được coi là không hợp pháp theo Hiến pháp Venezuela".

Ngoài ra, chuyên gia Zayas cho rằng có thể có một kịch bản khác. Theo đó CIA sẽ ám hại chính lãnh đạo phe đối lập Guaido và sử dụng nó như một cái cớ để can thiệp.

"Tất nhiên, điều đó hoàn toàn bất hợp pháp, nhưng có bao giờ luật pháp quốc tế ngăn cản được Washington cái gì đâu?", ông đặt câu hỏi hàm ý.

Cho đến hiện tại, đây mới là suy đoán của chuyên gia Zayas. Chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ thực hiện theo cách mạo hiểm nói trên. Tuy nhiên, chính Tổng thống Maduro từng công khai tuyên bố rằng Mỹ đang hỗ trợ tài chính cho các âm mưu ám sát nhằm vào ông.

"Đế quốc Mỹ muốn giết hại tôi. Chúng tôi vừa vạch trần một âm mưu ám sát tôi do con rối của kẻ xấu xa trực tiếp chỉ đạo", RT dẫn lời Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 23/3, với lời ám chỉ "con rối" là lãnh đạo đối lập Juan Guaido.

Tổng thống Maduro đồng thời khẳng định chính quyền có "bằng chứng" về những hành động phạm pháp của phe đối lập. Ông cũng cáo buộc quốc gia láng giềng Colombia liên quan đến âm mưu.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã nhiều lần tuyên bố rằng khi đến Venezuela, tất cả các lựa chọn của Mỹ đều nằm trên bàn.

Mỹ muốn có sự hỗn loạn

Julia Buxton, giáo sư chính trị tại Đại học Trung Âu, nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế đang ngày càng quan tâm đến kịch bản quân sự tiềm năng từ phía Mỹ. Mexico và Đức gần đây đã quan ngại về sự can thiệp tiềm năng của Mỹ sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc.

"Tôi nghĩ rằng Mexico, Đức và nhiều quốc gia khác hoàn toàn đúng khi lo ngại sâu sắc về tác động và hậu quả của bất kỳ kiểu can thiệp quân sự nào của Mỹ", Buxton nói. "Hiện tại, Chính phủ Mỹ rất khó đoán".

Tuy nhiên, Tổng thống Trump gần đây đã kêu gọi các cố vấn thận trọng trong việc đưa ra những tuyên bố hiếu chiến. Theo nhà phân tích, sự thay đổi này của ông Trump được thúc đẩy bởi thực tế là cuộc nổi dậy của Guaido đã không được như kỳ vọng.

"Những gì Mỹ hy vọng là sẽ có sự hỗn loạn như ở Iraq, Libya và sẽ luôn có những cơ hội kinh doanh tốt. Dù Venezuela không bị khuất phục để trở thành con rối của Mỹ nhưng sự hỗn loạn và mất ổn định có thể phục vụ tốt hơn cho lợi ích địa chính trị của Mỹ", chuyên gia Zayas cảnh báo.

Trong khi đó, các quan chức ở Washington đang cố gắng đổ lỗi cho sự thất bại của họ về phía Nga, nước tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Venezuela hợp pháp, cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Mexico và nhiều quốc gia khác.

Vào ngày 5/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Fox News rằng, "mọi quốc gia phải ra khỏi" Venezuela "bao gồm cả người Nga".

Vào ngày 6/5, sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Pompeo tại thành phố Rovaniemi của Phần Lan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã loại trừ khả năng can thiệp quân sự nước ngoài vào Venezuela.

"Chúng tôi chống lại sự thù địch ở bất cứ nơi nào vi phạm luật pháp quốc tế, việc sử dụng vũ lực chỉ có thể được ủy quyền bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hoặc vũ lực có thể được sử dụng để đối phó với sự xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền. Ở Venezuela không hề thế", ông Lavrov nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại