Chống bão Trà My giữa biển Nhật Bản

Tuấn Anh-Duy Khánh (Từ Yokosuka, Nhật Bản) |

Cơn siêu bão có tên quốc tế là Trami (Trà My) đổ bộ vào thủ đô Tokyo, Nhật Bản và các tỉnh lân cận với sức gió giật cấp 15, 16 để lại hậu quả nặng nề cho người dân Nhật Bản.

Tại Căn cứ Yokosuka, tỉnh Kanagawa - nơi Tàu 015-Trần Hưng Đạo đang có chuyến thăm Nhật Bản cũng nằm trong vùng tâm bão đi qua.

Trước giờ "G"

Phương án chống bão đã được đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ Tàu 015-Trần Hưng Đạo phối hợp với phía bạn tổ chức chặt chẽ. Theo kinh nghiệm đi biển, đoàn trưởng, Đại tá Lê Hồng Chiến; Thuyền trưởng, Trung tá Nguyễn Văn Đồng và đoàn công tác thống nhất cơ động tránh bão ngay khu vực gần cảng Yokosuka để thả neo.

10 GIỜ NGÀY 30-9: Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập để phân tích tình hình và đề ra phương án tối ưu đã được tổ chức ngay sau khi đến địa điểm neo tàu. Thông tin thu được qua các đài dự báo khí tượng thủy văn khu vực xác định Trà My là cơn bão mạnh.

Dù đã quét qua Đài Loan và các đảo phía Nam Nhật Bản nhưng khi đổ bộ vào khu vực Yokosuka bão vẫn còn cường độ rất mạnh gây sóng to, gió lớn, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự an toàn của con tàu.

Chống bão Trà My giữa biển Nhật Bản - Ảnh 1.

Tàu 015 họp triển khai nhiệm vụ chống bão Trà My

Chúng tôi quan sát mặt biển và thấy hầu hết các tàu hàng, tàu chiến đang neo đậu hoặc di chuyển qua khu vực Yokosuka cũng đã tìm cho mình nơi thả neo theo tính toán là phù hợp nhất bên trong để tránh bão.

Gần 10 giờ sáng, trời chợt bừng sáng và có nắng, xóa tan sự u ám mây mù và mưa của buổi sáng như xua tan lo lắng về sự nguy hiểm tiềm ẩn của cơn bão đang trực chờ ngoài khơi.

Qua hệ thống thông tin nội bộ, Trung tá Nguyễn Văn Đồng thông báo về cuộc họp toàn tàu vào đầu giờ chiều để giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận triển khai phương án chống bão và kêu gọi sự xung phong của những cán bộ, chiến sĩ chịu sóng tốt sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại các vị trí quan trọng của tàu khi bão vào.

13 GIỜ: Thời điểm này, trời đã trở nên khác lạ hẳn so với cuối buổi sáng. Từng cơn gió lạnh thổi vào từ phía biển và mây đổi thành màu xám bạc.

Mưa rả rích. Trên tầng thượng của con tàu, ánh mắt của những cán bộ chỉ huy đoàn công tác dõi ra khơi xa, chờ đợi, phỏng đoán tình huống. Với những người đi biển dày dạn kinh nghiệm thì dự báo thời tiết dù chính xác đến đâu cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra những quyết định cụ thể nhất.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Hồng Chiến sau khi quyết định di chuyển tàu tới vị trí mới cách nơi thả neo cũ gần 1 hải lý giải thích: Sở dĩ phải di chuyển tới nơi thả neo mới là do ở đây độ sâu phù hợp hơn (30 m so với 45 m).

Ở độ sâu này, neo không bị căng và giữ khoảng cách an toàn với các tàu bạn đang neo đậu tránh bão cùng khu vực, tránh những va chạm đáng tiếc có thể xảy ra khi bão vào.

Cùng lúc, cán bộ, chiến sĩ mỗi người mỗi việc theo phân công. Người gia cố thêm dây thép chằng buộc lại bạt che pháo, xuồng cứu sinh và các dụng cụ sinh hoạt ở các phòng trong con tàu... tất cả đều khẩn trương với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Khó khăn và cũng phức tạp nhất là việc giằng buộc, cố định lại chiếc máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 ở trên tàu.

Đại tá Nguyễn Văn Sự, Thanh tra bay, Phòng Không quân, Bộ Tham mưu Hải quân phân tích: Với máy bay trực thăng, cố định an toàn lá cánh quạt là quan trọng nhất bởi đây là bộ phận cồng kềnh, dễ va đập, gió có thể làm vặn lá cánh quay, hư hỏng khi bão đổ bộ.

Do vậy, dù đã được các thợ kỹ thuật không quân cố định bằng các thiết bị chuyên dụng, bộ phận cánh quạt vẫn được gia cố thêm các thanh giằng bằng thép, cáp néo cố định vào sàn tàu.

Chống bão Trà My giữa biển Nhật Bản - Ảnh 2.

Kíp trực theo dõi bão tại đài chỉ huy Tàu hộ vệ tên lửa 015 - Trần Hưng Đạo lớp Gepard.

Thiếu tá Trần Văn Thăng, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân sau khi kiểm tra công tác phòng chống bão còn rất băn khoăn với bộ lốp của máy bay.

Lý do là nếu như trong quá trình rung lắc do bão, một trong 3 chiếc lốp của máy bay rời khỏi móc có thể làm nghiêng máy bay dẫn đến va đập vào thành tàu gây mất an toàn…

Phương án khắc phục không còn cách nào khác ngoài việc túc trực thường xuyên bên máy bay để kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố có thể xảy đến bất cứ lúc nào… Nhưng mọi chuyện vẫn còn ở phía trước.

"Tiếp đón" Trà My

20 GIỜ: Toàn tàu báo động cấp 1 (mức báo động sẵn sàng chiến đấu và xử lý tình huống thiên tai khẩn cấp mức độ cao nhất). Các bộ phận vào vị trí. Trên boong tàu chỉ còn một số chiến sĩ nai nịt gọn gàng, khoác áo phao, áo mưa, mũ công tác làm nhiệm vụ cảnh giới.

Trước đó, đoàn công tác đã thành lập Sở chỉ huy dã chiến chống bão do Đại tá Lê Hồng Chiến, trưởng đoàn công tác phụ trách; Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân trực tiếp chỉ huy. Màn dạo đầu của Trà My với gió mạnh cấp 6-7…

22 GIỜ: Trà My đã đến! Bắt đầu là những cơn lắc theo nhịp độ tăng dần của con tàu kèm mưa to, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; tàu rung lắc liên hồi, trời mưa nặng hạt. Theo tính toán và thông tin được cung cấp, tâm bão đã vào sát khu vực neo của Tàu 015-Trần Hưng Đạo.

Trên buồng hành trình-Sở chỉ huy dã chiến, toàn bộ cán bộ có trách nhiệm của đoàn công tác, chỉ huy tàu đều có mặt để sẵn sàng chỉ huy và xử lý khi có tình huống.

Thông tin về cơn bão được cập nhật từng phút và cũng từng phút, những phương án phòng tránh, đón hướng gió, hướng sóng cũng được đưa ra. Con tàu vẫn rầm rì nổ máy; lúc tiến, lúc qua phải, qua trái…

23 GIỜ: Tâm bão tiến sát gần vị trí neo đậu của Tàu 015-Trần Hưng Đạo. Gió mạnh, mưa lớn, sóng đập dữ dội. Theo tính toán, bão đạt cấp 15-16, độ cao sóng biển khoảng 2-3 m (tại khu vực vịnh nơi tàu neo).

Cảm biến tốc độ gió của tàu đo được trong thời gian này đạt 40-43 m/giây; giật 45-47 m/giây. Gió và sóng biển tác động quá mạnh đã khiến neo tàu bắt đầu bị xê dịch khỏi vị trí cố định.

Ngay lập tức, phương án xử lý tình huống được quyết định: Máy tua bin tàu nhận tải hỗ trợ cho neo điều chỉnh cơ động mũi tàu theo hướng đúng gió và sóng-tình huống đúng như dự kiến trước đó tại cuộc họp khẩn đã tính đến.

Không chỉ chống xê dịch tàu, các tình huống đặt ra lúc này là theo dõi chặt chẽ các tàu bạn đang neo đậu trong khu vực đề phòng tình huống đứt neo, mất kiểm soát có thể va đập vào tàu của ta.

Đại tá Lê Hồng Chiến chỉ đạo: Liên lạc với cảng vụ và Sở chỉ huy chống bão của căn cứ Hải quân Yokosuka nhằm xác định chính xác phiên hiệu các tàu xung quanh để liên lạc, thông báo tình hình, sẵn sàng phối hợp phương án tránh va khi các tàu bị rê hoặc đứt neo, hạn chế khả năng cơ động.

Rất may là Căn cứ Yokosuka cử một sĩ quan liên lạc của bạn trực tiếp lên Tàu 015 để hỗ trợ việc chống bão và kết nối với Căn cứ Yokosuka từ khi tàu rời cảng.

2 GIỜ NGÀY 1-10: Liên tục từ 23 giờ ngày 30-9 đến 2 giờ ngày 1-10, vị trí neo của tàu dưới sức đẩy của sóng to gió lớn đã bị xê dịch theo tính toán so với vị trí ban đầu 500 m. Trong thời gian này, gió thổi cực mạnh khiến thủy thủ tàu không thể mở được các cửa để tiếp cận các vị trí bên ngoài mặt boong phía mũi tàu.

Theo lệnh của Sở chỉ huy dã chiến, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đồng liên tục phải ra lệnh sử dụng 2 máy để điều chỉnh mũi tàu hướng về đúng hướng sóng và bão. Con tàu liên tục lúc tiến, lúc dịch sang trái, rồi sang phải.

Điều này rất quan trọng bởi nếu không xác định đúng hướng gió, hướng bão đúng mũi tàu, con tàu sẽ bị sóng đánh vào mạn, đẩy chệch hướng và sẽ không thể điều khiển tàu theo ý định, có thể dẫn đến đứt neo, trôi dạt, va đập với các tàu khác.

Chống bão Trà My giữa biển Nhật Bản - Ảnh 3.

Thủ thủy Tàu 015 cố định neo tàu tại Vịnh Tokyo

Cũng tại thời điểm này, cán bộ, phi công và lực lượng kỹ thuật hàng không của Lữ đoàn 954 không quản ngại mưa bão trong đêm tối, kiểm tra từng vị trí đã chằng buộc để có phương án bảo đảm an toàn cho máy bay Ka-28.

Thiếu tá Trần Văn Thăng trực tiếp chỉ huy đội ngũ nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn và nhờ sự hỗ trợ của thủy thủ Tàu 015 để triển khai xiết chặt lại các kẹp lá cánh quay do gió giật mạnh làm lỏng các vị trí đã chằng buộc trước đó; phủ lại bạt che chắn đã bị gió bão cuốn khỏi thân máy bay trong điều kiện hết sức nguy hiểm với sức gió giật trên cấp 14 để giữ máy bay ổn định.

3 GIỜ: Trà My giảm dần cấp độ. Sóng và gió đã bớt thét gào. Các vị trí quan sát bằng mắt thường vẫn căng mắt quan sát hướng gió, sóng liên tục báo cáo Sở chỉ huy dã chiến để tiếp tục đưa các phương án.

Các tổ "phòng tai" (phòng chống tai nạn, sự cố) vẫn thường trực tại các vị trí khuất gió hướng ra mặt boong với trang phục áo mưa, áo phao, mũ bảo hiểm chăm chú quan sát, nhận định báo cáo tình hình.

3 GIỜ 45: Cảm biến tốc độ gió báo còn 15-17 m/giây. Trên boong mũi tàu, bộ đội đã có thể di chuyển ra ngoài, trời mưa nhẹ, tầm nhìn tốt. Sở chỉ huy dã chiến yêu cầu xác định vị trí neo tốt hơn cho con tàu. Sau khi cân nhắc, Đại tá Lê Hồng Chiến quyết định nhổ neo, cơ động tàu về vị trí đã xác định (nông hơn) để thả neo…

6 GIỜ: Biển thật khác lạ so với những gì đã xảy ra đêm qua. Trời quang, không mưa và mặt trời lấp ló sau những đụn mây trắng bồng bềnh…

Con tàu lắc lư nhẹ nhàng theo những nhịp sóng vỗ như chưa từng diễn ra những điều khủng khiếp trong đêm tối mịt mùng mấy tiếng đồng hồ trước đó. Thật lạ, nhưng cũng thật đáng nhớ với một lần gặp Trà My giữa biển Nhật Bản…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại