Có bao nhiêu tổ hợp S-300 được chuyển đến Syria?
Một vài thông tin xuất hiện gần đây dường như cho thấy tương đối rõ số lượng các tổ hợp S-300 sẽ được chuyển đến Syria.
Ở giai đoạn đầu tiên, sẽ có 2 trung đoàn S-300. Theo biên chế, mỗi trung đoàn có 2 hệ thống (tiểu đoàn), mỗi tiểu đoàn có 3 tổ hợp, mỗi tổ hợp có 4 bệ phóng. Như vậy tổng cộng có khoảng 48 bệ phóng tên lửa S-300 sẽ xuất hiện tại Syria.
Trước đây, các chuyên gia quân sự ước tính số lượng các tổ hợp S-300 mà Syria cần là từ 3 đến 4 tiểu đoàn S-300 (36-48 bệ phóng) là đủ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng. Nhưng để bảo vệ một khu vực rộng đến biên giới sẽ cần khoảng 5-6 Trung đoàn, tức từ 10-12 tiểu đoàn S-300.
Trong tình hình hiện tại, S-300 phải bảo vệ bờ biển Syria, cũng như biên giới với Lebanon, Israel, Jordan và Iraq. Do đó, có thể giả định rằng độ bão hòa với các phức hợp này sẽ đạt mức tối đa có thể.
Tổng cộng có khoảng 48 bệ phóng tên lửa S-300 sẽ xuất hiện tại Syria. Ảnh minh họa.
Rõ ràng, các tổ hợp S-300 của Nga chuyển giao cho Syria không thiếu, nhưng điều quan trọng nhất trong chiến dịch tăng cường phòng thủ của Syria là trang bị cho các lực lượng phòng không của Syria theo 2 bước đã, đang triển khai thực hiện của BQP Nga, đó là:
1. Các sở chỉ huy phòng không và các đơn vị phòng không Syria sẽ được trang bị các hệ thống điều khiển tự động, hệ thống điều khiển tự động này cho đến nay chỉ được cung cấp cho các lực lượng vũ trang Nga.
Điều này sẽ đảm bảo việc quản lý tập trung tất cả các lực lượng và cơ sở phòng không của Syria, theo dõi tình hình trên không và nhận lệnh nhanh chóng, chính xác các chỉ định mục tiêu.
Quan trọng nhất, việc xác định tất cả các máy bay của Nga bằng các phương tiện phòng không của Syria sẽ được đảm bảo (không có tình trạng "quân ta bắn quân mình" như vừa qua khi không có mã IFF).
2. Nga sẽ tiến hành chế áp vô tuyến điện tử trong điều hướng vệ tinh, radar trên không và hệ thống thông tin liên lạc của máy bay tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Syria ở các khu vực giáp với Syria trên Biển Địa Trung Hải.
Vậy là xong! Nga đã cơ động lực lượng phòng không mạnh sang Syria với một số lượng, chất lượng đủ để cho Quân đội Syria phòng thủ trước bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm không phận của mình.
Khi được hỏi bởi Tân Hoa Xã điều gì sẽ xảy ra nếu Israel tiếp tục tấn công Syria sau khi nhận được hệ thống tên lửa S-300, ông Mekdad, Thứ trưởng Ngoại giao Syria nói: "Hãy để người Do Thái thử, và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình như trước đây".
Nga thiết lập vùng cấm bay "de facto"
Nói gọn là là sau vụ Il-20 bị bắn hạ thì có vẻ như Nga đã chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu này nên không chấp nhận và không bao giờ có ý định giải quyết vụ việc bằng biện pháp chính trị, cho nên, Nga từ chối lời đề nghị của Thủ tướng Israel cử phái đoàn cao cấp của chính phủ sang… trình bày.
Nga tung chứng cứ sắc bén chỉ rõ Israel là "tội đồ" vụ Il-20 bị hạ ở Syria.
Trong khi đó Nga yêu cầu làm rõ vụ việc trên cơ sở của cơ quan chuyên môn là không quân, vì thế, chỉ Tư lệnh không quân Israel được sang Nga để tường trình, chứng minh Israel có lỗi hay không…
Kết quả, Nga đã tung ra con bài cuối là hồ sơ quản lý theo dõi của hệ thống phòng không S-400 trong khu vực xảy ra vụ việc khiến các nhà chức trách không quân Israel hết cãi, bào chữa cho hành vi thù địch của mình.
Nga chỉ chờ vậy và ra tay. Nói cách khác, người Nga đã chuẩn bị và chờ đợi để thực hiện phương án này lâu lắm rồi và vụ Il-20 có thể là một trong số các tình huống để chớp thời cơ mà thôi.
Căn cứ vào các bước triển khai tổ chức thực hiện của Bộ QP Nga theo mệnh lệnh của Tổng thống Nga Putin thì Nga-Syria đã thiết lập một khu vực cấm bay trên thực tế (de facto) mà không phải là một khu vực cấm bay chuẩn mực (de jure).
Điều này có nghĩa là Nga không tuyên bố một vùng cấm bay chính thức với những điều kiện, quy định rõ ràng (de jure) nhưng trên thực thế thì đã có một vùng được thiết lập theo tinh thần đó.
Việc thiết lập một khu vực cấm bay trên thực tế (de facto) hay có thể gọi là "một vùng cấm bay không chính thức" cho phép Nga có một sự linh hoạt trong phương án xử lý với từng quốc gia, từng loại máy bay và cách thức xử lý theo các tình huống như theo dõi, giám sát hoặc đàn áp…
Chính sự khôn ngoan này tạo ra cho Nga một thế đàm phán rất mạnh với các bên trong cuộc chiến tại Syria và Trung Đông.
Nga sẽ chuyển nhiều hệ thống S-300 cho Syria để tăng cường năng lực phòng không.
Tại sao Nga đột ngột "chơi rắn" với Isarel?
Có một điểm chung trong vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 và vụ Israel là tác nhân gây ra IL-20 bị hạ làm thiệt mạng 15 lính Nga là cách xử lý của Nga-Putin. Đó là, Nga ngay lập tức kéo S-300, S-400 đến Syria, tuyên bố vùng cấm bay và đề ra "quy tắc tham gia" mới.
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã khiến cho ông Erdogan vốn "ngang tàng" phải... nhũn như con chi chi, phải xin lỗi Nga và hiện giờ đã đi vào khuôn khổ, và thú vị nhất là Thổ Nhĩ Kỳ lại trở thành đối tác của Nga trong chiến trường Syria đầy phức tạp.
Còn vụ Il-20 bị bắn hạ? Nga muốn gì ở Israel? Thực ra Nga không muốn và không thể "truy cùng đuổi tận" Israel, nhưng khi triển khai chuyển giao S-300 cho Syria và thiết lập trên thực tế một khu vực cấm bay, Nga nhằm 2 mục đích:
Thứ nhất là cảnh cáo Israel khi đã bước qua giới hạn đỏ, yêu cầu Israel thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận đã có và thiết lập lại thỏa thuận mới theo điều kiện của Nga tức là thiết lập một "quy tắc chơi" mới giữa Nga và Israel .
Tình trạng Israel chỉ thông báo trước cho Nga 10% trong hơn 200 vụ không kích trên lãnh thổ Syria và thông báo sai vị trí tấn công phải chấm dứt. Israel phải theo một khuôn khổ mới hay quy tắc chơi mới, nếu không, Nga sẽ đáp trả tùy theo các tình huống có sẵn…
Thứ hai là tăng cường khả năng chiến đấu cho Nga-Syria trước các kẻ thù tiềm năng là Liên minh Mỹ-Anh-Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria trong tình hình căng thẳng đã, đang diễn ra.
Rõ ràng, độ tin cậy về thỏa thuận giữa Erdogan và Putin tại Sochi về vùng đệm ở Idlib không cao và Nga-Syria vẫn chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Idlib trong tình huống không quân Thổ Nhĩ Kỳ và không quân Mỹ-Anh-Pháp can thiệp.
Đồng thời, về lâu dài, việc lực lượng vũ trang Syria sở hữu S-300 đã tạo ra một sự bất mãn lớn, một nguy cơ đe dọa cho lực lượng Mỹ tại Syria…
Điều không lạ là Israel phản ứng (đương nhiên) và Mỹ coi đó là sự leo thang chiến tranh của Nga khi chuyển giao S-300 cho Syria, vì cả hai đều bất hợp pháp vi phạm chủ quyền của Syria khi tấn công vào lãnh thổ Syria với bất kỳ lý do nào.
Điều lạ là việc triển khai S-300 cho Syria đã có được sự tôn trọng của thế giới Ả Rập và bất ngờ nhất là Liên đoàn Ả Rập, từ trước đến nay luôn chống lại chế độ Assad thì nay lần đầu tiên lại ủng hộ quyết định này…
"Cảm ơn mẹ, Nga, vì đã hạn chế một đứa trẻ không ai bình định trong một thời gian dài" là lời cảm thán của tờ Haaretz Israel.
Như vậy có thể nói, lần đầu tiên trong một thời gian dài, một quyền lực khác (Mỹ) đã biểu hiện rõ ràng với Israel rằng, ảnh hưởng, sức mạnh của nó không phải là vô hạn và rằng Mỹ sẽ không thể bảo kê nó mãi mãi để khiến cho Israel luôn "kiêu ngạo", vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, có một quốc gia đã chỉ thẳng vào Israel tuyên bố: Dừng ngay tại đó, ít nhất là Syria! Quốc gia đó là Liên bang Nga, sức mạnh Nga đã ra tay khép Israel vào khuôn khổ.
Quả thật, Nga là tay chơi chính có bản lĩnh, khôn ngoan trên chiến trường Syria và địa chính trị Trung Đông.
Bộ trưởng QP Nga công bố chuyển giao S-300 cho Syria