Israel: Từ chọc giận "Gấu Nga"...
Vụ máy bay trinh sát điện tử IL-20 vô tình bị tên lửa phòng không S-200 Syria bắn hạ đã khiến Nga tức giận.
Dựa trên các dữ liệu radar của các tổ hợp tên lửa S-400 triển khai ở Syria liên tục giám sát bầu trời 24/24h, Moscow đã tung ra những bằng chứng được cho là xác đáng, chỉ rõ Israel là "thủ phạm" và phải chịu trách nhiệm về thảm họa này.
Lập tức, hàng loạt đòn trả đũa trực tiếp và gián tiếp đối với Israel đang được Moscow thi triển. Một trong những hậu quả nặng nề nhất đó là việc Nga sẽ nối lại việc cung cấp cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 tối tân sau khi liên tục trì hoãn trước nhiều sức ép quốc tế kể từ 3 năm trở lại đây.
Mặc dù Bộ trưởng BQP Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng 2 tuần nữa (tính từ hôm 24/09) Moscow sẽ chuyển cho Damascus, nhưng chỉ trong 3 ngày gần đây, liên tiếp có các chuyến máy bay vận tải quân sự hạng nặng (An-124 Ruslan và IL-76) của Nga tới Syria.
Hình ảnh vệ tinh của ISI hôm 27/09 cho thấy sự xuất hiện bất thường của các máy bay IL-76 Nga tại Khmeimim.
Một số ý kiến cho rằng dường như Moscow ra tay nhanh hơn những gì đã tuyên bố và trong bụng những chiếc máy bay vận tải quân sự của Nga chính là những tổ hợp tên lửa phòng không S-300 dành cho Syria và những tổ hợp tác chiến điện tử tối tân để tăng cường khả năng gây nhiễu, bịt mắt các lực lượng Israel cũng như Mỹ-NATO.
Trước đó, ông Sergei Shoigu nhấn mạnh rằng "Các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 trang bị hệ thống điều khiển tự động vốn chỉ được cung cấp cho lực lượng vũ trang Nga, có khả năng đánh chặn các mục tiêu trên không từ cự ly hơn 250km và tấn công đồng thời nhiều mục tiêu".
Như vậy, tên lửa S-300, thứ vũ khí được coi là khắc tinh của mọi loại mục tiêu bay, kể cả máy bay tiêm kích tàng hình và tên lửa đạn đạo, sắp được triển khai giăng lưới lửa ở Syria.
Chưa rõ sẽ có bao nhiêu hệ thống tên lửa S-300 được Nga chuyển cho Syria, nhưng theo ông Shoigu, các hệ thống này sẽ được tích hợp và chỉ huy thống nhất bởi lực lượng phòng không Nga ở Syria.
Số lượng tên lửa S-300 được bàn giao cho Damascus càng nhiều thì Không quân Israel càng khó khăn, thậm chí đến Mỹ-NATO cũng phải "hạ nhiệt" không còn đe dọa tấn công Syria sục sôi như cách đây vài tuần.
... tới phải lãnh hậu quả nặng nề: Tiêm kích F-16 "mất tích"?
Sau khi bị Nga chỉ đích danh là "thủ phạm và phải chịu trách nhiệm" cho thảm họa máy bay trinh sát IL-20 bị bắn rơi, Israel vẫn lên gân khi đích thân Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng tuyên bố rằng họ sẽ không dừng lại:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để ngăn cản sự xuất hiện lực lượng quân sự của Iran tại Syria. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hợp tác quân sự giữa lực lượng phòng vệ Israel và quân đội Nga”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Nhưng, dường như Nga đã ra đòn quá hiểm khiến Israel phải "hạ nhiệt":
Thứ nhất, công bố các bằng chứng đanh thép về vụ tiêm kích F-16 cố tình giăng bẫy để tên lửa S-200 Syria bắn hạ máy bay IL-20 Nga khiến Israel thanh minh yếu ớt.
Thứ hai, tăng cường lực lượng phòng không và tác chiến điện tử cực mạnh tới Syria nhằm thiết lập vùng cấm bay trên không phận quốc gia Cận Đông này.
Thứ ba, chuyển giao tên lửa S-300 và có thể là kèm theo nhiều loại vũ khí tối tân khác nữa cho Syria.
Nhiều ý kiến cho rằng những nước cờ táo bạo này đã khiến Israel bị "hố nặng" khi không thành khẩn "nhận lỗi" và họ phải hứng chịu hậu quả nặng nề: Syria có được S-300 như mong muốn từ bấy lâu; các loại tiêm kích thông thường như F-15, F-16 Israel mất "đất làm ăn"; không ngăn được Iran và lực lượng Hezbollah hiện diện ở Syria.
Tiêm kích F-15, F-16 Israel.
Có thể thấy được kể từ hôm IL-20 Nga bị bắn hạ, Không quân Israel đã dừng mọi hoạt động không kích tấn công vào lãnh thổ Syria, tiêm kích F-16 cũng "mất tích" kể từ đó.
Có lẽ Israel cũng lo lắng khi có thể xảy ra nguy cơ các tiêm kích F-16 của mình bị tên lửa phòng không Nga "vô tình" bắn nhầm. Thôi thì tạm "tránh voi chẳng xấu mặt nào".
Nhưng chưa hết, một khi các hệ thống tên lửa S-300 đi vào trực chiến, những loại tiêm kích F-15, F-16 Israel mới thực sự gặp nguy hiểm bởi lẽ Syria không phải là Nga, từ trước đến nay họ vẫn bắn tiêu diệt chiến đấu cơ Do Thái.
Nay với tên lửa S-300 mới chuẩn bị tiếp nhận, Damascus sắp sở hữu lá chắn có tầm bắn tới hơn 250km đủ sức vô hiệu hóa được tiêm kích F-16 Israel, khiến chúng sẽ còn phải "mất tích dài dài" trên bầu trời Syria.
Tất nhiên, với kinh nghiệm và trình độ bậc thầy về tác chiến tập kích đường không vốn từng khiến chính Syria phải nhiều lần ôm hận, một khi bị đẩy vào thế đường cùng, rất có thể Israel sẽ "quẫy đạp" mạnh mẽ, bất chấp tên lửa S-300 Syria và tên lửa S-400 Nga.
Không quân Israel không phải dạng vừa đâu, việc F-16 "mất tích" có thể chỉ là bước lùi tạm thời mà thôi. Kịch hay vẫn còn ở phía trước, chúng ta cùng chờ xem.